Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngôi chùa có quan tài chứa xác ướp sư trụ trì ở miền Tây

Nhiều ngôi chùa ở Kiên Giang ướp xác sư trụ trì hàng chục năm, trước khi mang đi hỏa táng. Tại chùa Bần Bé (huyện Gò Quao), thi thể hòa thượng Danh Vơi đã được ướp 8 năm.

Cách trung tâm huyện Gò Quao gần 10 km, chùa Bần Bé ở xã Định Hòa nằm khuất sau ngôi làng nhỏ bên sông, trên đường về xã Thủy Liễu. 

Tám năm trước, hòa thượng Danh Vơi viên tịch, đại đức Trần Bảy lên thay - là trụ trì đời thứ 2 của ngôi chùa được xây dựng năm 1956.

1
Quan tài chứa xác ướp hòa thượng Danh Vơi. Ảnh: Việt Tường.

Người cao niên nhất sống tại chùa Bần Bé là "à cha" (thầy dạy chữ) Trương Văn Năm (83 tuổi, ngụ xã Định Hòa). Theo cụ Năm, hơn 50 năm trước, hòa thượng Danh Vơi tu học tại chùa Cả Bần Lớn ở xã Thủy Liễu. Năm 30 tuổi, nhà sư về chùa Bần Bé làm trụ trì khi cơ sở vật chất còn đơn sơ, giảng đường (sala) xuống cấp.

"Lúc đó chỉ có trụ trì Danh Vơi tu với tôi và 'à cha' Danh Vuông - viên tịch vài năm trước. Hiện nay, chùa cũng chỉ có 3 nhà sư với các cháu là con của người trong làng, gửi vào tu trả hiếu ông bà, tổ tiên", cụ Năm cho biết.

Theo cụ Năm, hòa thượng Danh Vơi có 51 năm trụ trì chùa Bần Bé. Đầu năm 2007, ông qua đời ở tuổi 81, được người dân trong vùng đề nghị ướp xác một thời gian, rồi mới hỏa táng nhằm tỏ lòng kính trọng.

Lúc ướp xác hòa thượng, cụ Năm mời thêm 3 nhà sư trong huyện, đến chùa Bần Bé cùng ông và "à cha" Danh Vuông thực hiện công việc quan trọng trong hơn 60 phút. Quá trình ướp xác, cụ Năm không sử dụng hóa chất, chỉ dùng trên 100 m vải với gần 50 kg trà.

1
Tấm Huân chương kháng chiến hạng Nhất được đặt trước quan tài hòa thượng Danh Vơi. Ảnh: Việt Tường.

"Bên trong quan tài bằng gỗ có một chiếc thùng thiếc dày 3 cm. Đầu tiên, chúng tôi cho một lớp trà vào đáy thùng, rồi quấn xác hòa thượng. Vải được quấn kín xác và chặt dày khoảng 10 cm. Sau đó, xác được đặt vào thùng thiếc, đổ trà xung quanh và hàn điện kín nắp thùng, để đảm bảo không có mùi thoát ra", cụ Năm nói.

Theo chính quyền xã Định Hòa, người dân Bần Bé kính trọng trụ trì Danh Vơi vì ông sống rất đức độ. Năm 2002, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tấn phong nhà sư này từ thượng tọa lên hòa thượng.

"Trước ngày 30/4/1975, hòa thượng Danh Vơi đã chạy xuồng máy đi gặp viên thiếu tá là quận trưởng Gò Guao của chính quyền cũ, để thuyết phục ông này đầu hàng thành công. Năm 1997, hòa thượng được Chủ tịch nước tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhất", cụ Năm cho biết. Hiện nay, tấm Huân chương được chùa đặt trang trọng trước quan tài hòa thượng.

Do cơ sở vật chất xuống cấp, quan tài chứa thi thể trụ trì Danh Vơi nhiều năm qua được đặt trong phòng khách. Xung quanh quan tài ướp xác có rèm vải, hàng rào bảo vệ. Hai chiếc gậy tre của hòa thượng lúc còn sống cũng được đặt cạnh nơi trụ trì yên nghỉ.

3
Cụ Năm kể lại việc ướp xác trụ trì chùa Bần Bé. Ảnh: Việt Tường.

"Chùa đang xây lại chánh điện và đã đầu tư trên 1 tỷ đồng, cần khoảng 600 triệu nữa để xây tiếp các hạng mục cuối cùng, nhưng bà con trong vùng còn nghèo, chưa có nhiều tiền hỗ trợ. Chờ khi nào chánh điện khánh thành, chúng tôi sẽ tổ chức hỏa táng thi thể hòa thượng Danh Vơi, đưa tro cốt vào bảo tháp", cụ Năm nói.

Nhà sư ở Kiên Giang tiết lộ bí quyết ướp xác không phân hủy

Các ngôi chùa của người Khơ me ở huyện Gò Quao, Kiên Giang vẫn còn giữ tục lệ ướp xác các vị sư. Đây là cách bày tỏ lòng thành kính, vương vấn của các đệ tử với người quá cố.

Việt Tường

Bạn có thể quan tâm