5 năm qua, một doanh nghiệp nuôi trai lấy ngọc tại vùng biển quanh đảo Hòn Săng thuộc vịnh Vân Phong của tỉnh Khánh Hòa. Doanh nghiệp còn nuôi trai bố mẹ để sản xuất giống. Trong ảnh là trai giống to bằng hạt mè bám vào những tấm lưới trong bể ươm. |
Nghệ nhân kim hoàn Hồ Thanh Tuấn cho biết một cặp trai bố mẹ khoảng 1 năm tuổi sẽ cho ra từ 1-3 triệu con trai giống. |
Trai nuôi dưới biển 8-12 tháng sẽ được đưa lên bờ để cấy nhân tạo ngọc. Những con trai được cấy nhân (vào nội tạng hoặc vỏ) rồi tiếp tục thả xuống biển nuôi từ 6 tháng đến 2 năm. |
Đầu năm 2019, doanh nghiệp lần đầu tiên thả xuống biển 1.000 con trai Mabe. Loài trai biển này còn có tên là "ngọc nữ", sống ở vịnh nước sâu. Trong tự nhiên chúng trú ẩn chủ yếu trong các khe đá hoặc rạn san hô. Vùng biển nào có sự sinh sống tự nhiên của loài trai này thì môi trường sinh thái đa dạng, sạch và trong lành. Đây là loài trai duy nhất cấy nhân vào thân để nuôi lấy ngọc. |
Trai "ngọc nữ" có hình dáng giống chim én và di chuyển dưới nước rất nhanh nhờ cơ khép hai mảnh vỏ mạnh khi đóng lại với tốc độ nhanh. Hai thân vỏ tạo thành lực quạt nước đẩy thân chúng đi rất xa khi gặp địch hại. Điểm khác biệt của viên ngọc trai Mabe là được sinh ra ngay trên thân vỏ con trai, có độ bóng xà cừ cao nhất trong các loại ngọc trai. |
Mỗi con trai Mabe, công ty này cấy từ 2-3 nhân vào vỏ rồi thả xuống biển nuôi 6 tháng. |
Trong đợt thu hoạch trai Mabe đầu tiên này, doanh nghiệp của nghệ nhân quê Sóc Trăng có được khoảng 2.000 viên ngọc hiếm với màu như vàng 24K. |
Chuyên gia nghiên cứu ngọc trai người Australia là Max Wingfield (áo xanh) đánh giá màu ngọc vừa thu hoạch đẹp và lạ. |
Giữa tháng 11/2019, ông Tuấn sẽ bán 100.000 con trai cho một doanh nghiệp Nhật Bản vì giống lai tạo sau hơn 100 năm ở đất nước này đã bị đồng huyết dần, dẫn đến sức đề kháng yếu. |