Tối 26/8, anh Hồ Thanh Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Ngọc Trai Hoàng Gia (quận 7, TP HCM) nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú tại Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ năm 2016, do Bộ Công Thương tổ chức tại Khu triển lãm Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội). Nghệ nhân 40 tuổi này từ người thợ đã làm chủ công nghệ, sáng chế ra nhiều loại ngọc khiến giới yêu ngọc nức lòng.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trao danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho anh Hồ Thanh Tuấn vào tối 26/8. Ảnh: Nhật Tân. |
Không chỉ là người nghệ nhân giàu sức sáng tạo, anh Tuấn còn được biết đến vai trò như một doanh nhân thành đạt với thương hiệu Ngọc Trai Hoàng Gia - đơn vị dẫn đầu ngành nuôi cấy và chế tác trang sức ngọc trai tại Việt Nam.
Từng trắng tay vì ngọc trai
Lớn lên trong gia đình cha làm vườn, mẹ mở tiệm tạp hóa gần chợ xã Mỹ Hương của huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng), thời phổ thông, Tuấn mơ ước được trở thành kỹ sư tin học và chinh phục công nghệ thông tin. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp đại học ngành Tin học viễn thông thì Tuấn đã bước sang ngã rẽ khác khi nơi anh vừa vào làm việc nhận được hợp đồng từ nhóm chuyên gia người Pháp với yêu cầu thiết kế trang web liên quan đến nghề nuôi trai lấy ngọc.
Sau đó, Tuấn với những người bạn ngoài nước được chính quyền huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho thuê hơn 100 ha mặt nước biển để nuôi trai. Sau những phấn khích mang ra từ đất liền, thanh niên quê lúa Sóc Trăng đối mặt ngay với muôn vàn khó khăn do phải thường xuyên lênh đênh ngoài khơi, bị say sóng, nôn ói, nắng nóng rát mặt rồi lặn biển trong 6 năm liền. Những ngày đầu mới nhảy xuống đại dương, Tuấn lên bờ với cảm giác ù tai, chảy máu mũi nhưng anh vẫn không bỏ cuộc.
Cứ tưởng mọi chuyện suôn sẻ nhưng đến năm 2007, cơn lốc khủng hoảng kinh tế làm cho công ty mẹ ở Pháp phá sản. Các chuyên gia đang hợp tác với Tuấn bỏ dự án về nước giữa chừng khiến anh trở thành người trắng tay.
"Mất hết vốn liếng mà không nhận được một đồng thù lao nào. Nhiều đêm vợ chồng tôi ôm nhau khóc, lo cho tương lai các con. Được bạn bè cho mượn vốn, tôi quay lại Côn Đảo lần nữa", anh Tuấn kể.
Bằng nghị lực của chàng trai miền Tây từng theo cha cầm cuốc trồng cây ở quê nhà, Tuấn ôn lại hết kinh nghiệm của những lần sang Nhật, Pháp tập huấn để bắt tay vào việc nuôi cấy trai, tiếp tục lặn biển và không ít lần bị sụp vào hố san hô giữa biển phải lết vào bờ với đôi chân đầy máu.
Hàng nghìn viên ngọc trai thô vừa được công ty của anh Tuấn thu hoạch. Ảnh: Nhật Tân. |
Thêm 2 năm xa vợ con, hàng nghìn viên ngọc đầu tiên được Tuấn chuyển về đất liền trong niềm vui vỡ òa của người thân. Nửa năm sau, số lượng ngọc trai Tuấn thu hoạch lên đến hàng triệu viên và lúc này anh nhận ra rằng nếu cứ bán thô cho tiệm kim hoàn hay đối tác nước ngoài thì lợi nhuận thu về không bao nhiêu. Vì thế, Tuấn tiếp tục huy động vốn từ bạn bè mở Công ty Ngọc Trai Hoàng Gia, rồi thành lập xưởng chế tác để sản phẩm trang sức từ ngọc trai có giá cao hơn ngọc trai thô hàng chục lần.
Nghệ nhân không ngừng sáng tạo
Chưa dừng lại, để ngọc trai Việt Nam vươn xa ra thế giới với sự khác biệt rõ nét, Tuấn mày mò tìm cách khắc hoa văn trống đồng trên viên ngọc rồi tiếp tục cấy vào thân trai, thả xuống biển nuôi tiếp một năm.
Theo anh, nếu nuôi lâu hơn thời gian này thì hình ảnh hoa văn sẽ không còn do trai tiết ra xà cừ bao phủ hết bề ngoài viên ngọc đã được khắc trống đồng. Với thời gian vừa đủ, viên ngọc "tái thu hoạch" cho họa tiết hoa văn mờ đặc trưng mang thương hiệu Tuấn "Ngọc trai", đưa anh thành nghệ nhân quốc gia trong lĩnh vực kim hoàn, đá quý.
Vài năm trước, trong lần đưa con đi nhổ răng, bác sĩ gói chiếc răng sữa của đứa bé đưa cho Tuấn mang về làm kỷ niệm. Thế là người cha nghĩ đến cách bảo quản "vật gia bảo" cho con bằng cách đưa chiếc răng vào cơ thể con trai rồi thả xuống biển nuôi một năm rưỡi. Kết quả bất ngờ, chiếc răng được phủ một lớp xà cừ bên ngoài với màu vàng ngọc lấp lánh. Từ thành công này, anh Tuấn được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp bằng sở hữu trí tuệ về Phương pháp tạo ngọc trai từ răng cùng Phương pháp tạo hoa văn chìm trên ngọc trai.
5 năm trước, sự ra đời của ngọc trai trống đồng đã làm thay đổi lịch sử ngọc trai thế giới. Năm 2013, anh Tuấn mở rộng hệ thống trại nuôi ngọc trai theo công nghệ mới với quy mô lớn tại Khánh Hòa. Cuối năm 2015, Hồ Thanh Tuấn được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng Ba vì có thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu và sáng chế ngọc trai.
Hai năm trước, anh Tuấn thiết kế và chế tác chiếc vương miện đầu tiên được xác lập kỷ lục quốc gia với nội dung "Vương miện đính viên ngọc trai trống đồng lớn nhất và có nhiều viên ngọc trai tự nhiên nhất".
Đây là vương miện Hoa hậu Việt Nam 2014, có viên ngọc trai trống đồng lớn 15 mm màu vàng kim quý hiếm được đặt tại tâm. Loại ngọc làm thay đổi lịch sử ngọc trai sau hơn 100 năm và là sáng chế của nghệ nhân Hồ Thanh Tuấn.
Ngoài viên ngọc trai trống đồng, 18 viên ngọc trai tự nhiên màu vàng kim cũng được đính trên đỉnh các hoa văn, tượng trưng cho những giọt sương long lanh đọng lại trên búp sen, hấp thu sinh khí của đất trời để sẵn sàng khoe sắc, tôn vinh cho vẻ đẹp trong sáng, tinh thiết của người phụ nữ Việt. Vương miện còn có 36 viên ngọc trai biển Akoya màu trắng tinh khôi cùng gần 1.000 viên kim cương tự nhiên được đính trên các họa tiết cánh sen tạo ánh sáng lấp lánh như những ánh sao, có tổng giá trị trên 2,5 tỷ đồng.
"Để làm được chiếc vương miện đặc sắc này, tôi với 20 nghệ nhân của công ty đã dồn mọi tâm sức trong suốt 3 tháng. Mỗi giai đoạn thiết kế và chế tác chiếc vương miện, tôi đều theo sát anh em", anh Tuấn chia sẻ.
Bộ trang sức ngọc trai làm quà tặng phu nhân Tổng thống Obama. Ảnh: Nhật Tân. |
Ba tháng trước, công ty của anh Tuấn được chọn là đơn vị chế tác bộ tặng phẩm ngọc trai gửi tặng phu nhân Michelle Obama trong chuyến công du của Tổng thống Mỹ tại Việt Nam. Để làm ra bộ trang sức, anh Tuấn cùng 11 nghệ nhân thực hiện gấp rút trong 3 ngày. Đây là bộ trang sức có mặt trống đồng, đậm chất dân tộc Việt, được thiết kế theo phong cách cổ điển với 30 viên ngọc trai biển màu đen quý hiếm.
Giữ vị trí trung tâm của mặt trống đồng là viên ngọc trai được nuôi cấy và chế tác độc quyền của Ngọc Trai Hoàng Gia. Sản phẩm mang ý nghĩa văn hóa dân tộc Việt, đồng thời gửi gắm thông điệp hòa bình và thịnh vượng.
"Thiết kế này lấy ý tưởng từ những tinh hoa về văn hóa, trí tuệ của Việt Nam. Đó là hoa văn trống đồng trên viên ngọc trai quý, một sản phẩm trí tuệ và nghệ thuật của người Việt", anh Tuấn nói.
Nghề nuôi trai lấy ngọc xuất hiện tại Việt Nam vào năm 1967 ở đảo Cô Tô (Quảng Ninh). Đến năm 1980 doanh nghiệp nuôi trai này giải thể. Năm 1988 ngành thủy sản Việt Nam bắt đầu nghiên cứu nhiều đề tài liên quan đến sản xuất con giống, sản xuất nhân cấy, phương pháp cấy nhân và các công nghệ sau thu hoạch.
Kỹ sư Nguyễn Mạnh Thắng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ngọc trai Việt Nam (nguyên cán bộ Bộ Thủy sản) cho biết, cả nước có khoảng 10 doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất và làm đồ trang sức từ ngọc trai. Hai đơn vị có quy mô lớn nhất là Ngọc trai Hoàng Gia và Công ty cổ phần Ngọc trai Việt Nam, còn lại chỉ nuôi cấy nhỏ lẻ nhằm phục vụ du lịch. Hiện, các doanh nhân mộ ngọc ở Việt Nam đã xem anh Tuấn như "Vua ngọc trai Việt".