Bộ Ngoại giao Campuchia cho biết tại điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du 4 nước Đông Nam Á, ngoại trưởng Trung Quốc dự kiến gặp Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Phó thủ tướng Hor Namhong và Ngoại trưởng Prak Sokhonn.
Trung Quốc là nước cung cấp đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của Campuchia, là đối tác thương mại hàng đầu của nước này và cũng là nước nắm giữ 46% trong khoản nợ nước ngoài 7,9 tỷ USD của vương quốc.
Sự hiện diện ngày càng tăng của Bắc Kinh ở Campuchia có nguy cơ khiến nước này chịu nhiều áp lực trong bối cảnh đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng.
Ông Vương Nghị đón Thủ tướng Hun Sen tại Bắc Kinh hồi tháng 2/2020. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Tháng trước, Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Union Development Group. Công ty đầu tư Trung Quốc đã thuê khoảng 20% đường bờ biển dài 440 km của Campuchia, được cho là để phục vụ một dự án du lịch mà Mỹ nói có thể là nơi triển khai tài sản quân sự của Trung Quốc, đồng thời gây tổn hại môi trường và dẫn đến việc cưỡng chế cư dân địa phương di dời.
Cùng tháng, Campuchia phá hủy một cơ sở do Mỹ tài trợ tại căn cứ hải quân chính Ream ở vịnh Thái Lan, đồng thời chấp nhận tài trợ của Trung Quốc cho dự án mở rộng cầu tàu, nạo vét cát để tiếp nhận tàu chiến cỡ lớn và xây dựng một cơ sở sửa chữa tàu.
"Chúng tôi lo ngại rằng việc san bằng cơ sở này có thể gắn liền với kế hoạch triển khai tài sản và nhân lực quân sự của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Căn cứ Hải quân Ream", Chad Roedemeier, đại diện Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia nói trong một thông cáo tuần này.
"Sự hiện diện quân sự như vậy sẽ tác động tiêu cực đến quan hệ song phương Mỹ - Campuchia, đồng thời gây rối và gây bất ổn cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", ông Roedemeier nhấn mạnh.
Campuchia đã bác bỏ các cáo buộc, viện dẫn việc hiến pháp nước này nghiêm cấm sự hiện diện của quân đội nước ngoài.
Campuchia phá hủy tòa nhà trụ sở do Mỹ tài trợ tại căn cứ hải quân Ream. Ảnh trái chụp khi tòa nhà vẫn còn vào ngày 22/8, ảnh phải cho thấy tòa nhà đã bị san phẳng. Ảnh: CSIS/Maxar/Planet. |
Trong chuyến thăm, ông Vương dự kiến ký một thỏa thuận thương mại tự do Trung Quốc - Campuchia, thỏa thuận đầu tiên như vậy giữa Campuchia và nước ngoài.
Thỏa thuận, vốn đã làm dấy lên lo ngại khi Campuchia năm ngoái đã thâm hụt thương mại khoảng 6 tỷ USD với Trung Quốc, diễn ra vài tháng sau khi quốc gia Đông Nam Á mất quyền tiếp cận ưu đãi đối với thị trường của Liên minh châu Âu theo chương trình Everything But Arms (Bất kể mọi thứ trừ vũ khí, EBA). Vào tháng 8, Brussels cũng đã áp thuế đối với 20% hàng hóa xuất khẩu của Campuchia sang EU.
Sau khi thăm Campuchia, ông Vương sẽ đến Malaysia, Lào và Thái Lan.