- Nga khẳng định đã sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với Ukraine
- Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã kiểm soát Kherson nhưng Bộ Quốc phòng Ukraine bác bỏ thông tin này
- EU tung đòn trừng phạt mới vào Belarus
Tòa nhà hội đồng thành phố Kharkiv trúng tên lửa
Phó thống đốc thành phố Kharkiv cho biết Nga đã bắn tên lửa hành trình trúng vào tòa nhà hội đồng thành phố.
Thành phố Kharkiv - phía đông Ukraine, gần biên giới với Nga - là mục tiêu của nhiều cuộc không kích, với 21 người chết trong ngày 1/3, theo Reuters. Cũng trong ngày 1/3, tên lửa Nga đã bắn trúng và phá hủy tòa nhà chính quyền địa phương Kharkiv.
Kharkiv tiếp tục bị pháo kích và đánh bom
Nhà chức trách cho biết các khu vực trung tâm của Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, tiếp tục hứng chịu “những đòn pháo kích và đánh bom lớn” vào sáng 2/3, trong lúc giao tranh vẫn tiếp diễn. “Sau khi trúng tên lửa, các tòa nhà chính quyền đã bốc cháy và sụp đổ”, CNN trích lời cơ quan cứu hộ khẩn cấp địa phương.
Ít nhất 4 người đã thiệt mạng, 9 người bị thương. 10 người đã được giải cứu khỏi đống đổ nát, cơ quan cứu hộ nói.
Các tòa nhà bốc cháy ở Kharkiv, Ukraine vào sáng 2/3. Ảnh: AFP. |
Giá dầu tiếp tục lập đỉnh
Giữa lúc lo ngại về nguồn dầu của Nga, giá dầu thô tiếp tục lập đỉnh mới hôm 2/3, với giá dầu Brent chuẩn quốc tế lần đầu tiên trong gần 8 năm vượt quá mức 113 USD/thùng. Trong những phiên giao dịch gần đây, giá dầu Brent tăng 5,4% lên 110,2 USD/thùng. Có thời điểm con số này chạm mốc 113,02 USD/thùng, tăng gần 8% và là mức cao nhất trong ngày kể từ tháng 6/2014.
Giá dầu thô của Mỹ cũng tăng thêm 4% vào sáng 2/3, lên 107,42 USD/thùng. Giá dầu thô của Mỹ - còn gọi là giá dầu WTI - có mức tăng chạm mốc 7,8%, lên 111,5 USD/thùng. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 8/2013.
Những mức tăng trên thể hiện lo ngại việc những đòn trừng phạt nhắm vào Nga vì tấn công Ukraine sẽ làm gián đoạn nguồn dầu của nước này.
Ngoại trưởng Nga cảnh báo Thế chiến III sẽ là cuộc chiến hạt nhân
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 2/3 nói rằng nếu Thế chiến III xảy ra, cuộc chiến ấy sẽ có vũ khí hạt nhân và mang tính chất hủy diệt. Ông Lavrov khẳng định Nga sẽ không để cho Ukraine có vũ khí hạt nhân vì đây sẽ là “mối nguy thực sự” đối với Moscow, theo TASS. Đây cũng là lý do Nga thực hiện “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine.
Hôm 1/3, trong bài phát biểu tại một buổi hội nghị ở Geneva, Ngoại trưởng Lavrov cáo buộc Ukraine đang tìm cách có vũ khí hạt nhân, theo Reuters. “Ukraine vẫn sở hữu công nghệ hạt nhân từ thời Liên Xô, cũng như phương pháp sử dụng những vũ khí ấy”, ông nói.
Trong một diễn biến khác, hôm 27/2, tổng thống Nga đã lệnh cho lực lượng hạt nhân của nước này chuyển sang trạng thái cảnh giác cao độ. Động thái này bị các nước phương Tây cáo buộc làm leo thang căng thẳng.
Nga sẵn sàng vòng đàm phán thứ hai
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết có nhiều thông tin trái chiều về các cuộc đàm phán tiếp theo giữa Nga và Ukraine, sau cuộc gặp tại biên giới Belarus vào hôm 28/2 mà không tạo được đột phá.
"Đầu tiên, chúng tôi đưa ra dự đoán liệu các nhà đàm phán Ukraine có xuất hiện (trong cuộc gặp) hay không. Hãy hy vọng điều này xảy ra. Các nhà đàm phán của chúng tôi sẽ ở đó và sẵn sàng", Reuters dẫn lời ông Peskov nói với các phóng viên ngày 2/3.
Ông cho rằng Moscow cần đưa ra phản ứng gay gắt và rõ ràng đối với các biện pháp mà các nước phương Tây áp đặt “nhằm phá hoại nền kinh tế Nga”.
Hình ảnh từ cuộc đàm phán Nga - Ukraine ở Belarus hôm 28/2. Ảnh: TASS. |
Khi được hỏi liệu dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 thuộc “ông lớn” năng lượng Gazprom của Nga đã “chết” hay chưa, ông Peskov cho biết hệ thống cơ sở hạ tầng vẫn còn đó, và “theo lẽ thường, nó sẽ được khởi động”.
Trước đó, công ty vận hành dự án Nord Stream 2 - thuộc sở hữu của tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom, Nga - thông báo phá sản hôm 1/3 do một loạt lệnh trừng phạt mới của phương Tây. Toàn bộ lực lượng lao động của công ty gồm 106 người đã bị sa thải.
Ông Peskov cho biết nền kinh tế Nga đang trải qua cú giáng nghiêm trọng, nhưng kinh tế của Moscow rất vững chắc và đất nước đã có kinh nghiệm vượt qua các cuộc khủng hoảng.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm 1/3 cho biết Nga phải ngừng ném bom xuống các thành phố nước này trước khi các cuộc đàm phán mới có thể bắt đầu.
Tổng thống Zelenskiy cũng kêu gọi các thành viên NATO áp đặt vùng cấm bay để ngăn chặn lực lượng không quân Nga, đồng thời cho rằng đây chỉ là một biện pháp phòng ngừa và không có nghĩa kéo liên minh vào cuộc xung đột với Nga.
Nga tuyên bố đã kiểm soát Kherson, Ukraine bác bỏ
Hãng thông tấn RIA dẫn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng vũ trang nước này kiểm soát thành phố Kherson ở miền Nam Ukraine. Tuy nhiên, Ukraine nói Kherson chưa thất thủ.
AFP dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết các sư đoàn lực lượng vũ trang Nga đã hoàn toàn kiểm soát khu vực trung tâm của Kherson.
Ông Konashenkov khẳng định các dịch vụ công cộng và hệ thống giao thông vẫn hoạt động bình thường, không có tình trạng thiếu hụt thực phẩm và đồ thiết yếu.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Ukraine bác bỏ thông tin này, CNN đưa tin hôm 2/3.
“Theo thông tin từ lữ đoàn của chúng tôi, các trận chiến vẫn đang tiếp diễn”, người phát ngôn cho Bộ Quốc phòng Ukraine thông báo.
“Thành phố này chưa thất thủ hoàn toàn, một số khu vực vẫn nằm dưới sự kiểm soát của chúng tôi”.
Kherson có dân số khoảng 280.000 người và nằm ở phía bắc bán đảo Crimea, khu vực bị Moscow sáp nhập vào năm 2014.
Thành phố này mang ý nghĩa chiến lược đối với Ukraine cùng với Odessa và Mariupol ở miền Nam.
Đây là một trong những điểm giao tranh quyết liệt nhất trong 24 giờ qua.
EU tung đòn trừng phạt mới vào Belarus
Các nhà ngoại giao châu Âu đã chấp thuận thông qua các lệnh trừng phạt mới đối với Belarus vì vai trò hỗ trợ Nga tấn công Ukraine, chủ tịch luân phiên EU thông báo hôm 2/3.
Các lệnh trừng phạt sẽ nhắm vào “một số ngành kinh tế, đặc biệt là ngành gỗ, thép, kali”, Reuters dẫn tuyên bố chủ tịch luân phiên EU.