Trong bài phát biểu tại hội nghị an ninh IISS Manama Dialogue ngày 5/12, Ngoại trưởng Kang cho biết Bình Nhưỡng không mấy mặn mà với lời đề nghị giúp đỡ của Seoul, theo Reuters.
"Triều Tiên vẫn nói họ không có bất kỳ ca bệnh nào. Điều này thật khó tin. Mọi dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng đang hết sức tập trung vào việc kiểm soát dịch, vậy mà họ nói không ghi nhận ca nhiễm. Đây là tình huống kỳ quặc", bà Kang nói.
Trong báo cáo mới nhất gửi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Triều Tiên vẫn nói không ghi nhận trường hợp nào mắc Covid-19. Tuy nhiên, lần này họ cho biết có 8.594 "trường hợp nghi nhiễm", theo Reuters.
Người dân được kiểm tra thân nhiệt ở Bình Nhưỡng hôm 16/11. Ảnh: AP. |
Đại dịch khiến Triều Tiên ngày càng bị cô lập hơn. Các nhà phân tích lo ngại đợt bùng phát Covid-19 có thể sẽ tàn phá kinh tế Triều Tiên.
Theo hãng thông tấn nhà nước KCNA, trong tuần này, Bình Nhưỡng bắt đầu áp dụng "các biện pháp khẩn cấp hàng đầu" để ngăn chặn Covid-19 xâm nhập, đồng thời thực hiện nghiêm ngặt các quy định phòng chống virus lây lan.
Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc cho biết không thể loại trừ khả năng Covid-19 đang bùng phát ở Triều Tiên do nước này có hoạt động thương mại và giao dịch với Trung Quốc.
Đại dịch bùng phát lần đầu ở Vũ Hán, Trung Quốc từ cuối tháng 12/2019. Sau đó, Triều Tiên đóng cửa biên giới với quốc gia láng giềng vào cuối tháng 1.