Kẻ có chồng mà gian dâm tội càng nặng hơn, không những luật xưa nghiêm phạt, ngay đến cả dư luận cũng không tha.
Nhiều thiếu phụ có chồng vẫn còn đi ngang về tắt lấy cớ chồng ăn chả thì vợ ăn nem, tội lỗi vì khéo bưng bít không bị pháp luật trừng trị, nhưng vẫn bị dư luận chê bai. […]
Luật pháp trừng phạt những kẻ có chồng ngoại dâm rất nặng, chồng có quyền đánh đập, đuổi bỏ, nếu chẳng may trong sự đánh đập có quá tay, người vợ bị thiệt mạng, người chồng cũng chỉ bị tội rất nhẹ. Trước khi đuổi bỏ, người chồng có thể bêu riếu người vợ làm cho nhục nhã, khiến cho người vợ phải tủi hổ mà tự xử lấy mình.
Gọt gáy bôi vôi
Đây là một hình phạt đối với người vợ ngoại dâm. Người đàn bà dâm dật bị chồng bắt được quả tang ân ái với trai, có khi chỉ chuyện trò lẳng lơ với trai, có thể bị chồng trừng phạt bằng cách gọt gáy bôi vôi.
Đôi gian phu dâm phụ bị người chồng bắt trói, riêng người vợ bị gọt hết tóc nơi gáy, có khi gọt trọc hẳn đầu, rồi dẫn đi suốt đầu làng cuối ngõ để bêu riếu sỉ nhục. Chỗ gáy người vợ bị gọt tóc, người chồng lấy vôi bôi trắng xóa. Trong khi bị dẫn đi khắp làng, trẻ con chạy theo dòm ngó, hò reo và người lớn ai trông thấy cũng phỉ nhổ rẻ khinh.
Khi người đàn bà chỉ bị gọt trọc riêng nơi gáy, chùm tóc đằng trước người chồng đem bắt xõa ra phía mặt để làng nước trông rõ nơi gáy bị bôi vôi. Đôi gian phu dâm phụ bị dẫn đi khắp hang cùng ngõ hẻm trong làng, sau đó người chồng mới đem trình hương chức để giải quan trị tội thông dâm theo luật pháp.
Có khi người chồng quá tức giận vì ghen tuông, đem cả cặp thông gian đóng cọc phơi nắng hàng ngày sau khi đã dẫn đi khắp làng, rồi mới trình với hội đồng làng. Hình phạt tuy tàn nhẫn nhưng người làng không ai can thiệp kể cả thân nhân của gian phu dâm phụ. Ai thấy cũng cho là đáng tội! Mọi người có khi dùng ngay cặp gian phu dâm phụ đó để khuyến cáo những kẻ trai lơ khác.
Năm 1930, vào khoảng tháng bảy, nếu ai có ở Hà Nội ắt còn nhớ chuyện một phụ nữ ngoại dâm ở quận nhất bị chồng bắt được, trình cẩm, rồi cho đeo vào cổ hai chiếc thùng sắt tây dẫn đi các phố, vừa đi vừa có người gõ vào hai chiếc thùng cho kêu để dân hàng phố đổ ra xem.
Những hình phạt tội ngoại tình, gian dâm phản ánh thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Ảnh minh họa. |
Người đàn bà ngoại dâm này lại có đeo ở trước ngực một tấm biển có đề hai câu sau:
Có chồng mà lại theo trai,
Ông cẩm bắt được đeo hai cái thùng!
Đọc tới đây, có lẽ có người sẽ hỏi tại sao có những hình phạt tàn nhẫn và vô nhân đạo như vậy lại được luật pháp chấp thuận? Đúng! Hình phạt tàn nhẫn và vô nhân đạo thật, nhưng nếu thử nghĩ có những thiếu phụ năm ba con vẫn chưa hết lòng với chồng, bỏ chồng, bỏ con theo trai, thậm chí lại có người rước trai về giết chồng, hoặc có bà bị chồng bắt gặp nói chuyện với trai, chồng chất vấn trai, nổi xung lấy dao đâm chồng, chắc chắn các bạn đọc sẽ nghĩ khác! Có lẽ những sự trừng phạt ngày nay đối với gian phu, dâm phụ thật là quá nhẹ!
Bè chuối trôi sông
Đây cũng là một hình phạt dùng để trừng trị người đàn bà có chồng còn ngoại dâm. Người chồng bắt được vợ thông dâm với trai đem trình nhà chức trách sở tại, nhà chức trách sở tại trình lên quan, quan theo luật xét xử. Người đàn bà thông gian có thể bị kết tội bè chuối trôi sông.
Thi hành hình phạt này, người ta làm một chiếc bè bằng thân cây chuối. Người đàn bà tội lỗi bị cột lên bè chuối và bè chuối được thả trôi theo dòng sông. Người đàn bà sẽ phải chịu chết trên bè chuối. Bè chuối có dạt vào làng nào, sẽ bị dân địa phương đẩy ra. Thấy người đàn bà trên bè chuối, dân chúng đã biết đó là một kẻ phạm tội phản chồng và tội này, đối với lễ giáo Đông phương không ai tha thứ.
Ngoài ra, theo lời các cụ nói lại thì người ta tin rằng nếu xã nào để cho người đàn bà bị bè chuối trôi sông như vậy dạt vào và cứu sống người này dân xã đó sẽ gặp nhiều sự không may nhất là cho các đàn bà con gái. Cứu sống một dâm nữ, dâm thần sẽ tới ngự trị tại địa phương, phụ nữ địa phương sẽ trở thành dâm ô, con gái chửa hoang, đàn bà sẽ lộn chồng.
Do sự tin tưởng ấy cộng vào sự khắc nghiệt của luân lý ta đối với đàn bà có chồng ngoại dâm nên kẻ bị bè chuối trôi sông không bao giờ được cứu thoát! Ai từ tâm tới đâu cũng không dám cứu với những người đàn bà đáng thương này. Có thể họ thấy dạt vào bờ còn sống họ cho chút thức ăn, rồi họ lại đẩy bè ra sông.
Nhớ vào khoảng năm 1917-1918, trên sống Đáy hãy còn một vụ bè chuối trôi sông. Theo lời các cụ chứng kiến vụ bè chuối trôi sông này thuật lại, sự việc xảy ra như sau: Tại phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam (Hà Nam Ninh), cách Hà Nội 50 cây số về phía Nam, ở ngay bờ sông Đáy, có một người đàn bà có chồng ngoại dâm bị chồng bắt được và bị kết án Bè chuối trôi sông.
Chính gia đình nhà chồng của chị đã thi hành bản án của quan phủ Lý Nhân trước sự hiện diện của người thay mặt quan phủ. Người đàn bà được đặt ngồi trên bè chuối, ăn vận chỉnh tề với đủ tư trang, - người bị trôi sông được coi như người chết khi khâm liệm, nên có đủ đồ dùng của mình, người chết được con cháu mặc cho quần áo chỉnh tề trước khi liệm, trong áo quan có xếp một số các đồ dùng thường xuyên của người này, thì người bị trôi sông cũng có những đồ dùng tương tự.
Người đàn bà ngồi trên bè chuối, hai chân bị néo chặt vào một cách khiến cho người này không sao tự gỡ lấy được. Trên bè chuối có một mâm cơm, một ấm nước, một âu trầu với đủ bát chén đũa. Lại có cắm một tấm biển kể rõ lý lịch và tội trạng của phạm nhân. Người nhà kẻ đáng thương có cho mời thầy tự tới cúng lễ cho, cầu cho chị được chết yên ổn.
Tới giờ ấn định bè chuối được đẩy ra giữa sông mặc sự kêu van khóc lóc của phạm nhân. Bè chuối trôi đi, những người chứng kiến trên bờ nhìn theo, người nhà thân thuộc của chị buồn rầu đứng nhìn cho tới khi bè chuối trôi khuất. Có điều đáng thương là trước khi bè chuối bị đẩy ra giữa sông, chị xin gặp mặt chồng để vĩnh biệt và vái lạy chồng...
Kể ra trừng phạt như vậy thật là độc ác, nhưng nếu so sự trừng phạt này với các hình phạt voi giày, ngựa xé vẫn dùng để trừng phạt những kẻ có chồng phạm gian, có lẽ tội Bè chuối trôi sông cũng chưa là quá nặng.