Vụ ngoại tình xảy ra thời Lê Trung hưng (1533 - 1789) trong hoàng tộc nhà Lê, được Jean-Baptiste Tavernier người Pháp kể lại qua Relation nouvelle et singulière du Royaume de Tunquin (Tập Du ký mới và kỳ thú về Vương quốc Đàng Ngoài) in trong “Nouvelle relation de L’intérieur du Sérail du Grand Seigneur” với tiêu đề “Về hôn nhân của người Đàng Ngoài và sự nghiêm khắc của họ đối với tội ngoại tình”.
Lời kể của J.B Tavernier thông qua sự chứng kiến trực tiếp của người em trai ông là Daniel Tavernier thời gian 1639-1645: “Khi em trai tôi ở triều đình Đàng Ngoài, cậu ấy đã chứng kiến sự trừng phạt nghiêm khắc đó đối với một công chúa cung phi đã bị bắt quả tang thông dâm với một vị hoàng tử”.
Tập Du ký mới và kỳ thú về Vương quốc Đàng Ngoài (Relation nouvelle et singulière du Royaume de Tunquin) in trong “Nouvelle relation de L’intérieur du Sérail du Grand Seigneur” . |
J.B Tavernier chú ý về luật pháp ở Đàng Ngoài, tức Quốc triều hình luật mà theo ông là “luật lệ của vương quốc rất nghiêm ngặt đối với tội ngoại tình. Nếu có thể chứng tỏ được rằng một người đàn bà đã phạm tội đó và được người đó thừa nhận thì người ta đem ném người đàn bà đó cho voi giày”. Và việc dưới đây quả như lời nhận định.
Vẫn theo lời J.B Tavernier, lệ bất thành văn của hầu hết các vương triều nước Nam, khi vua băng, từ hoàng hậu cho đến cung phi đều thủ tiết. Dạo ấy, các cung phi của vua quá cố sống ở lãnh cung, mỗi người có hai nữ tì hầu hạ. Một cung phi trong số đó trước đây đã lọt vào mắt xanh một hoàng thân họ vua mà không thể nên duyên. Hoàng thân vốn là cháu ruột vua quá cố. Đấng quân vương mất đi, bà phi kia còn đương xuân. Vị hoàng thân bèn tìm cách đột nhập vào lãnh cung để gặp người xưa.
Lợi dụng cách bố trí phòng trong cung vua bấy giờ, nhà bếp cách xa nhà ở qua một khu vườn. Giờ ăn muốn lấy thức ăn từ bếp lên, những người hầu cận dùng một cái hòm đựng. Để thức ăn luôn nóng, các đĩa thức ăn được đặt trên những then ngang cách nhau khoảng một ngón tay. Dưới các then ngang có miếng sắt cách đáy hòm chừng một gang tay. Khoảng giữa miếng sắt và đáy hòm đốt than. Mỗi hòm thức ăn có hai người khiêng. Vị hoàng thân đã lợi dụng vật dụng này khéo léo núp trong hòm để được đến phòng người cung phi mà ông định gặp, ở đó mấy ngày không ai hay biết. Hẳn ở đây có sự thông đồng của ông với những người hầu đi lấy cơm.
Rủi thay, sự hiện diện của người đàn ông giữa hậu cung toàn đàn bà không giữ kín được. Việc bị lộ ra và ngay lập tức, vị hoàng thân bị bắt giữ, đem đến trước mặt vua mới. Tội ông bị xếp vào tội “thập ác” phải xử tử bởi theo Quốc triều hình luật, đây là một trong mười tội giết không tha, đó là tội nội loạn, gian dâm với người trong họ từ hàng tiểu công trở lên, cùng nàng hầu của ông cha. Tuy nhiên là hàng tôn thất nên được hưởng luật “bát nghị” (tám điều được nghị xét giảm tội).
Người tù. Tranh khắc gỗ của Henri Oger. |
Tức giận vì cung phi của cha lại tằng tịu với người trong họ, vua đương nhiệm “đã bắt hoàng tử phải đeo xiềng vào cổ, vào tay và vào người, sau đó cho người dắt đi suốt trong 5 tháng liền để cho dân chúng trông thấy”, sau đó giam vào ngục thất. Bảy năm sau vị vua phạt ông qua đời, ông mới được tha, nhưng phải đày ra miền biên viễn làm lính.
Về phần người cung phi còn chịu hình phạt khắc nghiệt hơn. Cũng sách này cho hay bà “bị giam vào một phòng nhỏ trên một cái chòi, trong 12 ngày không được ai cho ăn uống gì hết, sau đó người ta dỡ mái phòng ra cho ánh nắng gay gắt chiếu vào làm cho người lả đi và chết”. Còn hai người thị tì theo hầu, hình phạt thật đau đớn khi bị mang ra quăng trước hoàng cung cho voi giày. Hai người khiêng hòm của nhà bếp thì bị phanh thây bằng cách trói hai chân hai tay vào bốn chiếc thuyền, mỗi chiếc chèo một hướng.
Có một điểm gây thắc mắc ở ghi chép của J.B Tavernier (thông qua người em Daniel Tavernier ở Đàng Ngoài thời gian 1639 - 1645) dẫn đến việc khó xác định vị vua quá cố, vua kế nhiệm được nói tới ở trên là ai. Bởi ghi chép của J.B Tavernier nhưng thực tế lịch sử các vua Lê, chúa Trịnh ở Đàng Ngoài lại khác.
Nếu xem thời gian tương ứng với nội dung ghi chép là 1639-1645, lúc ấy đang thời vua Lê Thần Tông trị vì lần thứ nhất (Vua ở ngôi hai lần, lần một: 1619-1643; lần hai: 1650-1662). Xen giữa hai lần ở ngôi của vua Lê Thần Tông là vua Lê Chân Tông (1643-1649). Nghĩa là ở khoảng thời gian này không có vị vua nào băng.
Xem Đại Việt sử ký tục biên có cho biết tháng 10 năm Quý Mùi (1643), vua Lê Thần Tông nhường ngôi cho Hoàng Thái tử Duy Hựu lên làm vua Lê Chân Tông, còn Thần Tông làm Thái thượng hoàng, vẫn sống và sau này làm vua lần thứ hai. Về phần chúa Trịnh dạo ấy, đối chiếu với Trịnh gia chính phả thì đang thời chúa Trịnh Tạc (giữ nghiệp chúa 1623-1657), cũng không có thay đổi ngôi chúa gì liên quan đến sự chết.