Tang Shougang thuộc một thế hệ dường như đã có tất cả tại Trung Quốc. Ở tuổi 35, Tang (tên nhân vật được thay đổi) có công việc tốt ở một công ty công nghệ, còn vợ anh kinh doanh thành công. Họ có hai con trai, hai xe và một căn hộ ở trung tâm Thượng Hải đáng giá một gia tài.
Tuy nhiên, Economist cho biết, so với những người khác trong tầng lớp của họ, đôi vợ chồng vẫn cảm thấy thiếu một điều. Đó là tấm hộ chiếu hay thẻ cư trú dài hạn ở một đất nước khác ngoài Trung Quốc. Lý tưởng thì họ muốn có thẻ xanh, cho phép họ sống, làm việc và giáo dục con cái dễ dàng ở Mỹ. Đây không phải điều dễ, vì vậy nhà Tang đang cân nhắc các lựa chọn.
Nicole Kushner Meyer (thứ ba từ trái), em gái của Jared Kushner, cố vấn Nhà Trắng và là con rể của Tổng thống Mỹ Donald Trump, bị phát hiện quảng bá cho chương trình “visa vàng” EB-5 của Mỹ trong một sự kiện ở Bắc Kinh năm 2017. Ảnh: AFP. |
Đổi đầu tư lấy quyền cư trú
Cả một ngành công nghiệp đã sinh ra để phục vụ nhu cầu này. Khoảng một trăm nước trên thế giới có các diện cấp thẻ cư trú - thường được gọi là “visa vàng” - để đối lấy đầu tư từ người xin visa. Khoảng hơn chục nước khác còn đi xa hơn là cấp hộ chiếu - trên thực tế, họ đang bán suất làm công dân nước mình.
Đến nay, đa số người tận dụng các chương trình “đầu tư đổi quyền cư trú” này là người Trung Quốc. Hàng trăm công ty đang cạnh tranh nhau để giúp khách hàng đi qua các thủ tục phức tạp như mê cung, cũng như các dịch vụ khác như xin visa sinh viên.
Lý do phổ biến nhất để họ muốn sống ở nước ngoài là giáo dục. Các bậc cha mẹ như nhà Tang muốn con cái không phải trải qua kỳ thi đại học “kinh hoàng” của Trung Quốc, theo lời của Economist. Và họ cũng cho rằng học ở nước ngoài sẽ mở ra cơ hội mà trong nước không có.
Ngay cả những người Trung Quốc chưa có con cũng muốn có “kế hoạch B”, phòng ngừa môi trường chính trị và kinh tế ở Trung Quốc xấu đi. Nhiều người thích ý tưởng đa dạng hóa đầu tư, nhất là vào bất động sản. Một số thực sự muốn sống, hoặc ít nhất nghỉ hưu ở nước ngoài.
Một sự kiện mừng Tết âm lịch của người Trung Quốc ở London. Ảnh: Getty Images. |
Tuy nhiên, đây lại đang là những ngày khó khăn cho ngành công nghiệp “đổi đầu tư lấy quyền cư trú” của Trung Quốc. Larry Wang của Well Trend, một trong những công ty thành công và lâu đời nhất trong ngành, nói với Economist rằng công ty đã trở thành “nạn nhân của thành công”. Số lượng người làm đơn từ Trung Quốc đã trở nên quá tải đối với một số chương trình như vậy.
Được đăng ký nhiều nhất là chương trình visa EB-5 của Mỹ. Visa EB-5 yêu cầu đầu tư ít nhất 1 triệu USD, hoặc một nửa số đó nếu đầu tư vào lĩnh vực đang thất nghiệp nhiều ở Mỹ.
Khoảng 10.000 visa EB-5 được cấp mỗi năm. Mỗi nước chỉ có thể được cấp tối đa 7% số visa, tức chỉ 700 người Trung Quốc mỗi năm. Và danh sách đợi cho những người Trung Quốc khác kéo dài tới 15 năm. Quốc hội Mỹ đang có dự thảo loại bỏ giới hạn, nhưng chương trình này quá tải đến mức người trong ngành cho rằng thời gian đợi sẽ chỉ giảm khoảng 3-5 năm. Một nhóm 450 nhà đầu tư EB-5 từ Trung Quốc còn kiện chính phủ Mỹ vì coi 10.000 nên được hiểu là hạn định về số nhà đầu tư, thay vì số visa. (Một nhà đầu tư có thể cần nhiều visa cho gia đình của mình).
Đối với những ai muốn du học, ngoài Mỹ, lựa chọn hiển nhiên là các nước nói tiếng Anh khác. Nhưng Canada dừng chương trình của nước này từ năm 2014 (chỉ còn chương trình của các tỉnh như Quebec). Các nước khác yêu cầu đầu tư cao hơn như Australia (3,5 triệu USD), Anh (2,5 triệu USD), và New Zealand (2 triệu USD). Vì vậy, một số nước đang nắm bắt cơ hội hút dòng tiền từ Trung Quốc, như Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Malta. Những nước này còn hấp dẫn vì cho phép đi lại miễn visa trong 26 nước thuộc khối Schengen bên trong Liên minh châu Âu (EU).
Lách luật để chuyển tiền
Ủy ban châu Âu và Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) đã tỏ ra lo ngại về các chương trình trên. Chương trình EB-5 đã chịu nhiều cáo buộc gian lận, biển thủ tiền của nhà đầu tư Trung Quốc. Ở Hy Lạp, một số nhà đầu tư Trung Quốc bị cáo buộc đồng lõa trong các âm mưu bán bất động sản giá đắt cho những người Trung Quốc đang muốn nhập cư bằng đường đầu tư.
Nghị viện châu Âu ngày 26/3 kêu gọi các nước thành viên EU chấm dứt các chương trình bán visa và hộ chiếu để kiểm soát nạn rửa tiền trong khối. Ảnh: Reuters. |
“Di dân đầu tư” Trung Quốc, như cách gọi của Economist, còn gặp vấn đề với giới hạn chuyển đổi ngoại hối ở nước này. Mỗi công dân chỉ được gửi 50.000 USD mỗi năm ra nước ngoài - thấp hơn nhiều so với yêu cầu đầu tư của các chương trình “đầu tư đổi quyền cư trú”.
Vì vậy, những người đi được hầu hết đang phạm luật. Những người đi Hy Lạp còn dùng thủ thuật đơn giản để lách luật: dùng thẻ tín dụng quẹt vào máy tính tiền ở Hy Lạp để rút tiền từ ngân hàng Trung Quốc - phạm luật cả hai nước.
Ngay cả khi các lỗ hổng bị chặn, vẫn còn nhiều cách khác như dùng quota gửi tiền ra nước ngoài 50.000 USD của nhiều người khác nhau (sao cho tổng cộng đáp ứng yêu cầu đầu tư), dùng tiền ảo, hay khai khống hóa đơn trả tiền cho đối tác nước ngoài. Các công ty giúp người Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài đổi quyền cư trú đều phủ nhận thực hiện các hoạt động này, theo Economist.
Điều kỳ lạ là Trung Quốc lại nới lỏng thị trường này. Giờ đây các công ty muốn cung cấp dịch vụ không cần xin giấy phép của cảnh sát. Cạnh tranh đang trở nên gay gắt, nhất là khi một số ngân hàng và công ty quản lý tài chính có thể muốn mời gọi các chuyên gia về đầu tư đổi quyền cư trú về để phục vụ các khách hàng giàu có của họ.
Nhu cầu vẫn chưa có dấu hiệu giảm đi. Ngày càng nhiều người đủ khả năng chi trả cho các tấm “visa vàng”. Như Economist bình luận, “kể từ khi cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình tuyên bố với thế hệ trước rằng ‘làm giàu là vinh quang’, thì thế hệ này, một khi đã làm giàu, tiếp tục coi việc nắm tấm vé ra nước ngoài là vinh quang”. Tang, nhân vật đầu bài viết, đang nhắm đến Ireland.