Hội nghị diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước và các lãnh đạo Ngoại giao, đại diện các bộ, ban, ngành cùng hơn 700 đại biểu là trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cán bộ ngoại vụ tại các địa phương. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến tham dự và chỉ đạo hội nghị.
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 là dịp để đánh giá việc triển khai công tác đối ngoại trong 5 năm qua theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, rút ra kinh nghiệm để triển khai thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII.
Phó thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị Ngoại vụ ngày 21/8. Ảnh: Chinhphu.vn |
Tạo dựng môi trường hòa bình, tạo thuận lợi cho phát triển đất nước
Nhìn lại 5 năm qua, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng môi trường đối ngoại chiến lược nổi lên nhiều thách thức chưa từng có, tác động trực tiếp đến lợi ích an ninh và phát triển của đất nước. Trong bối cảnh đó, Bộ Ngoại giao đã chủ động đề xuất các giải pháp và tích cực triển khai hiệu quả nhiệm vụ được giao bao gồm:
Mở rộng hợp tác và đưa các quan hệ đối tác ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, tăng đan xen lợi ích và tăng tin cậy chính trị. Trong 5 năm (2011 – 2015), Việt Nam đã thiết lập thêm 8 quan hệ đối tác chiến lược và 3 quan hệ đối tác toàn diện, nâng tổng số các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện lên 25 nước trong vòng 15 năm qua, trong đó có cả 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an/LHQ, 12/20 nước Nhóm G20.
Bộ Ngoại giao đã cùng các Bộ, ngành, địa phương tích cực phối hợp chặt chẽ đưa chủ trương hội nhập quốc tế đi vào cuộc sống; triển khai có hiệu quả Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ và Chiến lược tổng thể về hội nhập quốc tế đến 2020 và tầm nhìn đến 2030 trên hầu hết các lĩnh vực.
Quản lý tốt và xây dựng các đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác; giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biển đảo; gìn giữ và tạo dựng môi trường hòa bình, tạo thuận lợi cho phát triển đất nước.
Đối ngoại đa phương đã có những bước phát triển mới, chủ động, tích cực tham gia các công việc chung của quốc tế theo phương châm chuyển từ "tham gia tích cực" sang “chủ động, đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung”. Có thể khẳng định Việt Nam đã thực sự là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế trên cả 3 cấp độ: song phương, khu vực và toàn cầu.
Cùng với Ngoại giao Chính trị và Ngoại giao Kinh tế, Ngoại giao Văn hóa tập trung triển khai Đề án “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài”; tổ chức nhiều sự kiện Tuần/Ngày Việt Nam ở nước ngoài góp phần tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước.
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cũng cho rằng công tác đối ngoại vẫn có mặt cần chủ động hơn; công tác nghiên cứu có lúc chưa bắt kịp những thay đổi nhanh của tình hình; việc phối hợp giữa các ngành, địa phương trong một số sự việc còn thiếu nhịp nhàng và chặt chẽ, trong khi phát triển và hội nhập đang tạo nhiều sức ép lên các vấn đề văn hóa, xã hội và môi trường.
Tạo động lực mới cho tăng trưởng bền vững và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ
Ngoài ra, Phó thủ tướng khẳng định, đất nước ta đã bước vào giai đoạn phát triển mới có ý nghĩa chiến lược, bản lề trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do vậy, nhiệm vụ của công tác đối ngoại cũng nặng nề hơn với yêu cầu cao hơn là: giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội ở khu vực và trên thế giới.
Tình hình quốc tế thời gian tới sẽ tiếp tục vận động, phức tạp và đa chiều hơn với các đặc trưng cơ bản là tốc độ, đổi mới, kết nối, hội nhập và phát triển bền vững. Ngành ngoại giao cần nắm bắt kịp xu hướng đó, tận dụng cơ hội to lớn để Việt Nam tranh thủ hợp tác, liên kết, tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng bền vững và vươn lên mạnh mẽ hơn.
Do đó, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 cần nghiên cứu trả lời câu hỏi thế giới trong 5 - 10 năm tới sẽ ra sao; nhận định những điểm mấu chốt của tình hình quốc tế có tác động tới môi trường an ninh và phát triển của Việt Nam.
Hội nghị sẽ tập trung thảo luận cách thức triển khai công tác đối ngoại trong thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; kiến nghị những biện pháp hữu hiệu; cần đổi mới và sáng tạo hơn trong việc sử dụng các công cụ đối ngoại, hướng tới kết quả cụ thể trong bối cảnh tiếp tục hội nhập sâu rộng, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển bền vững, củng cố vị trí của Việt Nam trong chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Ngoại giao tiếp tục đóng vai trò là phục vụ tích cực cho phát triển; hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp; tạo thêm nhiều dư địa về đối ngoại cho hợp tác trên các lĩnh vực chuyên ngành khác; tìm kiếm thêm nguồn lực; đồng thời kiến tạo một chỗ đứng tối ưu về chính trị - an ninh trong bàn cờ chiến lược ở khu vực và toàn cầu, đảm bảo lợi ích quốc gia-dân tộc.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, Bộ Ngoại giao cần có đồng thời 3 yếu tố là “biện pháp đúng đắn”, “bộ máy hiệu quả” và “người cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ”.
Trước đó, vào ngày 21/8, Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 18, với sự tham dự của hơn 450 đại biểu là lãnh đạo, đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương, các cơ quan ngoại vụ của 63 tỉnh thành trên toàn quốc cùng các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn của đất nước, cũng đã diễn ra tại Hà Nội.
Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc là dịp để các đại biểu đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong công tác đối ngoại địa phương. Hội nghị cũng đề ra những phương hướng, biện pháp lớn đưa công tác đối ngoại địa phương phát triển thực chất, hiệu quả hơn, đóng góp thiết thực hơn vào phát triển kinh tế - chính trị - xã hội, vào công cuộc hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.