Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngoại giao kịch tính và 20 bước đi 'huyền thoại' của TT Trump

Sau khi bắt tay ông Kim, TT Trump làm nên lịch sử bằng việc đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên, trong khi các nhà quan sát nghi ngờ hiệu quả thật sự của cuộc gặp bất ngờ ngày 30/6.

15h45 ngày 30/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump bước qua gờ bê tông đánh dấu ranh giới phân định hai miền Triều Tiên, sải bước cùng nhà lãnh đạo Kim Jong Un trên lãnh thổ của một quốc gia mà từ lâu đã bị cộng đồng quốc tế cô lập vì tham vọng hạt nhân của mình.

Sự kiện này diễn ra một cách rất tự nhiên, được phát sóng trực tiếp trên truyền hình, đánh dấu một cấp độ mới trong bản năng trình diễn của ông Trump và quan điểm cá nhân của tổng thống Mỹ: coi ngoại giao như một bài kiểm tra các kỹ năng giao tiếp.

20 buoc chan lich su cua ong Trump anh 1
Ông Trump ghi tên mình vào lịch sử khi trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên. Ảnh: Reuters.

"Thực tế mới"

Sau cuộc gặp, ông Trump nói rằng ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán, vốn bế tắc sau cuộc gặp gần đây nhất hồi tháng hai.

Đây đã là cuộc gặp thứ ba của hai nhà lãnh đạo, lần này nó diễn ra tại Khu phi quân sự (DMZ), vùng biên giới được vũ trang dày đặc nhất thế giới. Nó diễn ra chỉ một ngày sau khi ông Trump đề cập đến khả năng bắt tay ông Kim ở biên giới và tuyên bố ông sẵn lòng đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên.

"Ông có muốn tôi bước qua không? Tôi sẵn lòng làm điều đó", tổng thống Mỹ đã nói vậy khi bắt tay nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Sau khi bước chân lên lãnh thổ Triều Tiên, ông Trump và ông Kim tiếp tục bắt tay, trao nhau những cái vỗ vai trong vòng một phút trước khi quay trở lại Hàn Quốc.

"Tôi chưa từng nghĩ sẽ gặp ngài ở đây", ông Kim nói thông qua phiên dịch, với biểu cảm rất vui mừng.

Sau đó, ông Trump chia sẻ mình "tự hào vì đã bước qua ranh giới" và cảm ơn ông Kim vì đã xuất hiện trong cuộc gặp. Tổng thống Mỹ gửi lời mời nhà lãnh đạo Triều Tiên tới Nhà Trắng vào thời điểm thích hợp, dù thừa nhận rằng điều đó khó diễn ra trong một sớm một chiều.

Ông Kim cho biết mình bất ngờ với yêu cầu gặp mặt của ông Trump và chấp nhận lời đề nghị vì "mối quan hệ tuyệt vời" giữa hai người, và tầm quan trọng của cuộc gặp diễn ra ở biên giới.

"Tôi cho rằng việc gặp nhau ở đây, giữa hai nước từng có quá khứ thù địch, chúng tôi đang cho thế giới thấy rằng chúng ta đang có một thực tế mới và cũng có một cuộc gặp tích cực ở phía trước", ông Kim tuyên bố.

Sau cái bắt tay lịch sử, hai nhà lãnh đạo gặp riêng trong Nhà Tự do ở DMZ trong gần một giờ đồng hồ, thời gian đáng kể so với tuyên bố trước đó của ông Trump rằng cuộc gặp với ông Kim "chỉ nhiều hơn cái bắt tay một chút".

20 buoc chan lich su cua ong Trump anh 2
Hai nhà lãnh đạo nhất trí về việc nối lại quá trình đàm phán phi hạt nhân hóa, vốn đã bị đình trệ sau cuộc gặp hồi tháng 2. Ảnh: AP.

Khoảnh khắc này đánh dấu một cột mốc trong lịch sử quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên, nhưng giới quan sát không chắc nó có ý nghĩa nào lớn hơn là một màn thể hiện của tình hữu nghị.

Chính phủ Triều Tiên ca ngợi cuộc gặp và cái bắt tay lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo, gọi đây là "một sự kiện tuyệt vời", theo KCNA. Cũng theo truyền thông nhà nước Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong Un cho rằng chính "mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với ông Trump đã giúp tạo ra cuộc gặp gỡ kịch tính như vậy".

KCNA cũng giải thích quyết định "táo bạo" của ông Kim và ông Trump đã giúp tạo dựng "lòng tin chưa từng có tiền lệ giữa hai quốc gia từng đối đầu với sự thù địch sâu sắc".

"Không rõ ông Trump muốn đạt được điều gì"

Dù cuộc gặp kéo dài hơn kỳ vọng, không thỏa thuận nào được đưa ra ngoài cam kết bắt đầu lại các cuộc đàm phán. Như chính ông Trump đã nói sau đó, ông cũng không vội vã trong việc loại bỏ kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ và động thái lịch sử của ông Trump cũng giúp phá vỡ thế bế tắc đàm phán, vốn chưa thể giải quyết sau lần gặp nhau gần đây nhất giữa hai nhà lãnh đạo 4 tháng trước.

Ông Trump tuyên bố các nhóm đàm phán sẽ bắt đầu làm việc trở lại trong vài tuần nữa và nói "chúc may mắn" với người đứng đầu phái đoàn Mỹ, đặc phái viên Stephen Biegun.

Ít phút trước cuộc gặp, ông Trump cùng người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae In đã bước lên một đài quan sát tại DMZ để nhìn về phía Triều Tiên.

"Mọi thứ đã từng rất, rất nguy hiểm. Sau cuộc gặp đầu tiên của chúng tôi, sự nguy hiểm đã biến mất", ông Trump tuyên bố.

Sau cuộc gặp, tổng thống Mỹ cũng không quên chỉ trích giới truyền thông, cho rằng ông đã không được thừa nhận công lao sau khi cải thiện mối quan hệ với Bình Nhưỡng.

20 buoc chan lich su cua ong Trump anh 3
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tại Khu phi quân sự (DMZ), phần nằm bên phía Hàn Quốc. Ảnh: AP.

"Khi họ nói là không có gì khác biệt, thì đã có một khác biệt rất lớn. Tôi nhắn điều đó với báo chí, họ chẳng có sự trân trọng nào cho những gì đã được thực hiện, hoàn toàn không có", ông Trump chỉ trích và ca ngợi cuộc gặp là "lịch sử", "huyền thoại".

Việc một tổng thống Mỹ bước qua khu vực được vũ trang dày đặc để đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên là điều trước đây chẳng ai nghĩ tới. Nhưng điều đó lại hoàn toàn phù hợp với phong cách ngoại giao cá nhân và năng khiếu tạo nên những điều kịch tính của ông Trump.

"Tôi không rõ là Tổng thống Trump đang cố gắng đạt được điều gì, vì trong khi tất cả những sự kiện này diễn ra, không có sự suy giảm nào trong kho dự trữ vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa của Triều Tiên", ông Joseph Yun, cựu đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên dưới thời ông Trump và hiện là nhà phân tích của CNN, nhận định.

Cố bắt chuyện với lãnh đạo G20, con gái ông Trump hứng 'mưa chỉ trích'

Sau đoạn clip cho thấy Ivanka Trump cố bắt chuyện với bốn lãnh đạo tham dự G20, con gái ông Trump hứng mưa chỉ trích từ cộng đồng mạng, cho rằng cô "làm tổn hại vị thế" của Mỹ.

Mỹ, Triều Tiên bí mật họp giữa khuya chuẩn bị cuộc gặp Trump - Kim

Cuộc gặp lịch sử giữa ông Donald Trump và ông Kim Jong Un tại biên giới liên Triều ngày 30/6 được lên kế hoạch tổ chức sau cuộc họp vào phút chót của quan chức Mỹ và Triều Tiên.





Sơn Trần

Theo CNN

Bạn có thể quan tâm