"Được rồi, hãy làm thôi".
Với những lời nói đó, một bước đi có chủ ý và một cái vỗ nhẹ vào cánh tay của ông Kim Jong Un, Tổng thống Donald Trump đã trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên bước vào Triều Tiên hôm 30/6. Hai nhà lãnh đạo làm nên lịch sử tại Khu phi quân sự (DMZ), vùng biên giới được vũ trang nghiêm ngặt nhất thế giới.
Theo AP, khoảnh khắc kịch tính này là không thể tưởng tượng được chỉ hai năm trước, khi hai người chỉ trích và đe dọa lẫn nhau.
Ba giờ dừng chân của ông Trump tại DMZ, trong đó có khoảng 80 phút dành cho ông Kim, là một màn trình diễn ngoại giao biểu tượng cho các cuốn sách lịch sử nhưng cũng là một cảnh tượng hỗn loạn phản ánh bản chất của lời mời vào phút chót đến nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Những hình ảnh chưa từng có
Sau đó, không rõ liệu cuộc họp có diễn ra thực chất hơn hay không. Trái với khoảnh khắc thu hút sự chú ý và những hình ảnh chưa từng có, thành tích thực chất duy nhất ông Trump đạt được là bắt đầu lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa mà chính ông đã thực hiện vào tháng 2 trong hội nghị thượng đỉnh lần trước với ông Kim tại Việt Nam.
Ông Trump từ lâu đã lên kế hoạch cho chuyến thăm DMZ, kể từ năm 2017 khi một chuyến đi theo lịch trình bị hủy bỏ do sương mù. Tuy nhiên, các trợ lý cho biết lời mời công khai, đề nghị gặp ông Kim ở DMZ, là một lời mời tự phát. Trong phong cách Trump điển hình, nó bắt đầu với một tweet.
"Tôi sẽ gặp ông ấy tại Biên giới/DMZ chỉ để bắt tay ông ấy và nói Xin chào (?)!", ông Trump đăng trên Twitter khoảng 30 giờ trước chuyến thăm.
Sự bí mật bao quanh chuyến viếng thăm hai năm trước được thay thế bằng cơn lốc truyền thông do tổng thống khởi xướng.
Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đi bộ về phía Triều Tiên tại làng biên giới Bàn Môn Điếm ở Khu phi quân sự, ngày 30/6. Ảnh: AP. |
Ông Trump cho biết Triều Tiên đã nhanh chóng phản hồi và bày tỏ sự quan tâm đến lời mời. Các quan chức Mỹ và Triều Tiên đã dành phần lớn buổi tối 29/6 và đầu ngày 30/6 để cố gắng vượt qua các rào cản hậu cần và an ninh lớn đối với lịch trình gấp rút như vậy.
Ngay cả ông Kim dường như cũng không thể kiềm chế sự ngạc nhiên của mình khi cuộc họp diễn ra.
"Tôi không bao giờ nghĩ sẽ gặp ông ở nơi này", ông nói với ông Trump khi họ bắt tay nhau trên tấm bê tông đánh dấu Đường phân giới quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.
Chính ông Trump là người đầu tiên đề xuất ý tưởng đi vào Triều Tiên. "Ông có muốn tôi bước qua không?", ông hỏi ông Kim khi người phiên dịch chuyển lời của ông sang tiếng Triều Tiên. "Ông có muốn tôi làm thế không?", ông hỏi.
Ông Kim vẫy ông Trump, trả lời thông qua phiên dịch viên của riêng mình: "Nếu ngài tiến lên, ngài sẽ là tổng thống Mỹ đầu tiên vượt qua biên giới".
Ngôi sao truyền hình tỏa sáng
Khi ông Trump bước những bước đầu tiên, cựu ngôi sao truyền hình thực tế đã nhanh chóng chuyển sang làm chủ sân khấu chương trình do chính ông tạo ra.
"Đi nào", ông nói với ông Kim, vỗ vào khuỷu tay của ông, khi họ đi cạnh nhau 10 bước về phía Triều Tiên.
Sau một lúc, họ quay lại đối mặt với báo chí đang chờ ở Hàn Quốc.
Ông Trump đã hộ tống ông Kim trở về Hàn Quốc khi các phóng viên và nhân viên an ninh Triều Tiên xô đẩy nhau, các nhân viên tìm cách đẩy và ngăn chặn báo chí ghi lại khoảnh khắc.
Tổng thống Donald Trump gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại làng biên giới Bàn Môn Điếm ở Khu phi quân sự, Hàn Quốc, ngày 30/6. Ảnh: AP. |
Sự chen lấn dữ dội hơn khi các nhà lãnh đạo chuyển đến Nhà Tự do ở phía nam Bàn Môn Điếm, nơi họ đưa ra những nhận xét ngắn gọn cho các phóng viên và sau đó gặp nhau trong khoảng 50 phút. Một nhiếp ảnh gia đã bị đánh gục xuống đất và một phóng viên dường như đã khóc.
Hình ảnh ghi lại từ camera cho thấy các phóng viên đổ xô chạy theo hai lãnh đạo, chen lấn với nhân viên an ninh và xô đẩy nhau để có góc quay chụp đẹp.
Tại một thời điểm, thư ký báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham đến kiểm tra một bảo vệ Triều Tiên đang chặn các phóng viên ra khỏi phòng trong khi các quan chức an ninh khác cố gắng phong tỏa khu vực. Cô la lên "Không", "Dừng lại", "Cần trợ giúp" khi bị xô đẩy bởi những nhân viên Triều Tiên trong lúc dẫn đoàn báo chí Nhà Trắng vào phòng họp báo của hai nhà lãnh đạo.
New York Times miêu tả những tiếng la "Các anh! Các anh! Thôi nào!" vang lên khi các phóng viên ảnh yêu cầu nhân viên quay phim bên phía Triều Tiên thôi đứng chắn ống kính của họ. Hai người quay phim kiên quyết với nhiệm vụ của họ, dù việc đó đồng nghĩa là che khuất tầm nhìn của các phóng viên khác.
Grisham rời đi với những vết bầm từ cuộc va chạm. Mật vụ Mỹ đã can thiệp vào vụ xô đẩy.
Tổng thống đã trò chuyện tại Nhà Tự do với ông Kim cùng con gái và con rể của ông, Ivanka Trump và Jared Kushner, cả hai đều là cố vấn cấp cao của Nhà Trắng. Chánh văn phòng Mick Mulvaney chờ đợi cùng các phụ tá khác.
Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, người hoài nghi về các cuộc đàm phán với ông Kim, đang trên đường đến Ulaanbaatar để thảo luận với các quan chức Mông Cổ về các vấn đề an ninh khu vực.
Tại một thời điểm, Ivanka Trump và Kushner dừng lại để vào một trong những túp lều màu xanh nằm giữa biên giới hai miền Triều Tiên. Khi được một phóng viên hỏi về chuyến đi tới Triều Tiên, cô trả lời "Siêu thực".
Và một phần tiếp theo có thể xuất hiện trong tập phim: Ông Trump nói với các phóng viên rằng ông đã mời ông Kim đến Washington.