Nguyễn Nhược Pháp (1914-1938), con trai học giả Nguyễn Văn Vĩnh, là một nhà thơ trữ tình với áng thơ bất hủ Chùa Hương. Sau khi được phổ nhạc, những vần thơ "Hôm qua em đi chùa Hương/ Hoa cỏ mờ hơi sương/ Cùng thầy me em em dậy/ Em vấn đầu soi gương" càng trở nên nổi tiếng hơn, với sức lan truyền mạnh mẽ.
Trong cuốn Thi nhân Việt Nam, Hoài Thành, Hoài Chân viết về Nguyễn Nhược Pháp: "Thơ in ra rất ít mà được người ta mến rất nhiều, tưởng không ai bằng Nguyễn Nhược Pháp.... Đọc thơ Nguyễn Nhược Pháp, lúc nào hình như cũng thoáng thấy bóng một người đương khúc khích cười. Nhưng cái cười của Nguyễn Nhược Pháp khác xa những lối bông lơn, khó chịu của các ông tú, từ Tú Suất, Tú Xương, đến Tú Mỡ. Nó hiền lành và thanh tao".
"Nội chừng ấy có lẽ cũng đủ cho nó có một địa vị trên thi đàn. Nhưng còn có điều này nữa mới thật quý: với Nguyễn Nhược Pháp nụ cười trên miệng bao giờ cũng kèm theo một ít cảm động trong lòng".
Hoa một mùa mới ra mắt được coi là một toàn tập của Nguyễn Nhược Pháp. |
Ngoài sáng tác thơ, Nguyễn Nhược Pháp còn viết truyện ngắn, kịch và là tác giả của nhiều bài phê bình văn học thể hiện một nhãn quan tinh tế. Tuy chỉ sống đến 24 tuổi, Nguyễn Nhược Pháp để lại khối tác phẩm khiến chúng ta thán phục một tài năng đã chớm nở từ rất sớm và đạt được nhiều thành tựu đáng kể.
Mới đây, các tác phẩm của ông được tập hợp trong cuốn Hoa một mùa (NXB Phụ Nữ phát hành). Sách gồm tất cả sáng tác gồm truyện ngắn, kịch, thơ, phê bình văn học dịch từ nguyên bản tiếng Pháp.
Sách giới thiệu ba truyện ngắn của Nguyễn Nhược Pháp: Tình trẻ thơ, Mẹ và con, Bức thư; sáu vở kịch: Một chiều Chủ nhật, Khỏi nấc, Sầm Sơn, Bữa cơm, Người học vẽ, Người lao. Truyện ngắn và kịch của Nguyễn Nhược Pháp lấy chủ đề chung là các câu chuyện trong gia đình buổi giao thời với những xung đột mâu thuẫn giữa bố mẹ và con cái, giữa vợ và chồng, giữa bạn bè đồng trang lứa. Lời văn giản dị mà hóm hỉnh, kín đáo bộc lộ tính cách của nhân vật.
Trong khi đó, 10 bài thơ cho thấy tác giả tập trung vào các nhân vật trong truyền thuyết, lịch sử qua đó thể hiện những tâm tư của mình. Các bài thơ trong sách gồm: Chùa Hương, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Mỵ Châu, Giếng Trọng Thủy, Tay ngà, Mỵ Ê, Một buổi chiều xuân, Nguyễn Thị Kim khóc Lê Chiêu Thống, Đi cống, Mây.
10 bài phê bình của Nguyễn Nhược Pháp viết bằng tiếng Pháp được dịch, và đưa vào sách, gồm bài viết về Thế Lữ, Nguyễn Công Hoan, truyện Vua Hàm Nghi, Đời mưa gió, bài thơ Vần và điệu, viết về sân khấu kịch thời đó... Ở thể loại phê bình, Nguyễn Nhược Pháp chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu của từng tác phẩm, tác giả. Các bài phê bình được viết ở độ tuổi ngoài đôi mươi cho thấy sự sắc sảo, kiến thức rộng của người mà lâu nay vẫn được gọi là "nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp".
Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp. Ảnh: Tư liệu gia đình. |
Với khối tác phẩm như vậy, Nguyễn Nhược Pháp được cho là "một chàng trai trẻ nhưng nhìn cuộc đời theo cách của người già".
Bên cạnh các tác phẩm, cuốn sách còn có phần phụ lục bàn về Nguyễn Nhược Pháp của các bạn văn cùng thời, lớp hậu thế khi nhìn vào trước tác của ông.
Hoa một mùa mang lại cái nhìn toàn cảnh về sáng tác, qua đó thấy được tài năng của Nguyễn Nhược Pháp. Cuốn sách phần nào cho thấy đời sống xã hội Việt Nam buổi giao thời, giúp ta cảm nhận đâu đó một tâm hồn nghệ sĩ đa cảm, lặng lẽ quan sát đời sống và sáng tác.
Cuốn sách được biên soạn bởi Nguyễn Lân Bình (cháu nội học giả Nguyễn Văn Vĩnh, người gọi Nguyễn Nhược Pháp bằng bác ruột). Nhiều năm qua, ông Lân Bình đã dành tâm huyết, công sức để sưu tầm, gìn giữ và phát triển di sản mà học giả Nguyễn Văn Vĩnh để lại.
Khi thực hiện xong cuốn Hoa một mùa, ông Lân Bình chia sẻ cảm xúc: "Hôm nay, tôi hoàn thành cuốn sách thứ sáu, nhờ ý tưởng từ bộ sách dự kiến nhiều tập, và cuốn sách này chắc là duy nhất, gồm hầu hết sáng tác văn học của người bác ruột, nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, lòng dạ tôi mênh mang tự hào. Tôi đã dâng cuốn sách trước phần mộ của ông và thưa rằng: 'Chúng con biết ơn ông, biết ơn những giá trị văn hóa mà ông đã để lại cho đời, và đã giúp chúng con ngẩng cao đầu'".