Hoàng Lê nhất thống chí, hay còn có tên khác là An Nam nhất thống chí, được nhiều người biết vì được đưa vào chương trình phổ thông trung học. Sách do Ngô gia văn phái soạn vào những năm đầu triều Nguyễn, sau khi vua Gia Long lên ngôi.
Trước đó, vào thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, tại Đàng trong, Bảng Trung hầu Nguyễn Khoa Chiêm đã biên soạn bộ truyện lịch sử chương hồi có tên Nam Triều công nghiệp diễn chí, hay còn gọi là Việt Nam khai quốc chí truyện, kể về chuyện từ chúa Nguyễn Hoàng vào khai phá vùng đất Thuận, Quảng, cho đến đời Chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Tần. Bộ sách được hoàn thành khoảng năm 1719.
Như vậy, các nhà nghiên cứu Hán Nôm tạm xác định bộ truyện Hoan Châu ký, hay còn có tên là Thiên Nam liệt truyện, do tác giả Nguyễn Cảnh thị (tức người họ Nguyễn Cảnh), biên soạn vào khoảng niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1705) đời Lê, là cuốn tiểu thuyết lịch sử chương hồi sớm nhất của nước ta.
Hoan Châu ký kể về 273 năm dưới thời vua Lê - chúa Trịnh, là cuốn tiểu thuyết lịch sử chương hồi đầu tiên của Việt Nam. |
Cuốn Hoan Châu ký vừa được NXB Thế giới xuất bản, theo bản dịch của dịch giả Nguyễn Thị Thảo, Giáo sư Trần Nghĩa khảo đính và giới thiệu.
Cuốn sách được làm theo dạng tiểu thuyết chương hồi, mở đầu mỗi hồi thường là một đôi câu đối, kết thúc mỗi tiết (phần nhỏ trong hồi) và mỗi hồi thường có câu chuyển tiếp kiểu "muốn biết sự việc thế nào, chờ xem hồi sau phân giải".
Tác giả cuốn sách hiện chưa được biết tên chính xác, là người thuộc dòng họ Nguyễn Cảnh. Đây là dòng họ lớn, vốn gốc ở Đông Triều, Quảng Ninh, di cư vào Nghệ An từ thời Hồ, có nhiều bậc tổ tiên đã tham gia cuộc trung hưng của nhà hậu Lê và có nhiều danh nhân như Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan, Liên Quận công Nguyễn Cảnh Quế, Thư Quận công Nguyễn Cảnh Kiên, Thắng Quận công Nguyễn Cảnh Hà...
Dù là sách của một dòng họ kể về sự tích tổ tiên, nhưng dòng họ đó có nhiều nhân vật liên quan đến quốc sự, nên người soạn Hoan Châu ký đã nỗ lực để tác phẩm của mình thành một cuốn dã sử, một tập sử tư nhân bên cạnh chính sử. Do đó, ngoài tính chất là một bộ tiểu thuyết, một tập dã sử, Hoan Châu ký còn là một cuốn gia phổ, kể về tám thế hệ liên tiếp của dòng họ Nguyễn Cảnh, từ thủy tổ là Nguyễn Cảnh Lữ, đến thế hệ thứ tám là Nguyễn Cảnh Hà. Tên sách cũng cho biết nội dung bao hàm rất nhiều sự vật, nhân vật nổi bật của đất Hoan Châu (Nghệ An ngày nay) trong suốt một quá trình lịch sử.
Nội dung Hoan Châu ký mở đầu từ cuối thời nhà Hồ, khi quân Minh sang xâm lược nước ta, thủy tổ dòng họ Nguyễn Cảnh là Lữ chạy loạn vào Nghệ An. Đến khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, người thuộc đời thứ tư của dòng Nguyễn Cảnh là Nguyễn Cảnh Huy, cùng con là Hoan theo Nguyễn Kim phò vua Lê Trang Tông khởi cuộc trung hưng, lập nhiều chiến công, được phong đến tước quận công, cho đến khi công cuộc trung hưng hoàn toàn thắng lợi.
Lời bạt của sách viết: "Chuyện kể ra đây khởi từ năm Bính Tuất (1406) triều Nhuận Hồ, đến năm Mậu Ngọ (1678) thuộc niên hiệu Vĩnh Trị của bản triểu (đời vua Lê Hy Tông), cộng cả thảy 273 năm sự tích".
Nhân vật của Hoan Châu ký bao gồm hầu hết nhân vật lịch sử nước ta các thế kỷ XVI, XVII, gồm các vua Lê từ Trang Tông đến Hy Tông, các chúa Trịnh từ Trịnh Kiểm đến Trịnh Tráng, các vị tướng triều Lê như Nguyễn Kim, Nguyễn Cảnh Hoan, Nguyễn Hoàng, Phạm Công Tích, Hoàng Đình Ái, Trịnh Cối, Lê Cập Đệ. Bên phía nhà Mạc có các vua từ Mạc Đăng Dung đến Mạc Kính Vũ, các tướng như Lê Bá Ly, Nguyễn Kính, Nguyễn Quyện, Phạm Tử Nghi, Trạng nguyên Nguyễn Thuyến...
Hoan Châu ký ghi nhận đầy đủ các sự kiện quan trọng diễn ra trên đất Việt Nam thời bấy giờ. Văn chương của Hoan Châu ký khá gần gũi với độc giả thích đọc tiểu thuyết dã sử, khi tác giả đã sử dụng khá hợp lý những điển tích cổ Việt Nam, Trung Quốc. Tác phẩm đã có những đoạn đối thoại sinh động, hấp dẫn, nhưng chưa nhiều.
Theo phân tích của Giáo sư Trần Nghĩa, có nhiều sự kiện Hoan Châu ký chép đầy đủ, tỷ mỉ hơn chính sử, như sự kiện Trịnh Kiểm sai hàng tướng nhà Mạc là Lê Bá Ly cùng bọn Vũ Văn Mật tiến đánh Thăng Long năm 1551, danh sách những người đòi phế truất Trịnh Cối, cử Trịnh Tùng thay lĩnh binh quyền năm 1570, việc bắt vua Mạc Mậu Hợp tại chùa Mô Khuê ở Phượng Nhãn năm 1601...
Mặc dù có một số hạn chế như việc tiểu thuyết hóa khiến có chi tiết đã được hư cấu, nhưng Hoan Châu ký vẫn là một cuốn sách có giá trị về các mặt văn học, sử học và gia phổ học. Và khi chưa tìm được tiểu thuyết lịch sử chương hồi nào ra đời sớm hơn, thì cuốn sách vẫn được coi là sự khởi đầu của một loại hình tiểu thuyết mới của văn học Việt Nam sau giai đoạn tiểu thuyết truyền kỳ, trước khi tiểu thuyết chương hồi nước ta bắt đầu phát triền từ thế kỷ XVIII trở về sau, mà Hoàng Lê nhất thống chí là một đỉnh cao.