Gần đây, liên tiếp những thông tin liên quan đến các đại gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau phải rao bán tài sản để trả nợ và chuyển hướng kinh doanh cho doanh nghiệp mình.
“Vua cá tra” mắc nợ
CTCP Hùng Vương (HVG) được thành lập từ năm 2003 với số vốn điều lệ ban đầu chỉ 32 tỷ đồng và chính thức chuyển sang mô hình CTCP từ năm 2007 với tổng vốn khi đó đạt 120 tỷ đồng.
Kinh doanh từ thời điểm thị trường xuất khẩu thủy sản tại Việt Nam còn khá mới. Năm 2009, Hùng Vương phát triển mạnh nhờ có những hợp đồng xuất khẩu sang thị trường Đông Âu và Nga. Trong nhiều năm sau đó, Hùng Vương trở thành “vua cá tra” Việt Nam khi liên tục có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất nhì cả nước.
Để thực hiện tham vọng của mình, Hùng Vương đã tiến hành hàng loạt thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A). Việc mua lại cổ phần của CTCP Thủy sản Tắc Vân, CTCP Thực phẩm Sao Ta, CTCP Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng, cho thấy tham vọng của đại gia Dương Ngọc Minh không chỉ dừng lại ở con cá tra.
Tuy nhiên, chính tham vọng quá lớn của Hùng Vương được cho là lý do khiến đại gia thủy sản này đuối sức.
Cuối năm 2016 (theo niên độ kế toán của Hùng Vương) công ty bắt đầu có “hụt hơi”. Trong khi năm tài chính 2016 của Hùng Vương (từ 1/1/2015 đến 30/9/2016) ghi nhận khoản doanh thu tăng mạnh đạt gần 17.900 tỷ đồng, nhưng hàng loạt chi phí tăng cao khiến công ty chỉ báo lãi ròng hợp nhất vỏn vẹn 10 tỷ đồng, chỉ bằng 1/42 lần so với năm trước đó.
Thay vì khoản lãi 308 tỷ đồng như ban đầu, sau kiểm toán, các cổ đông công ty mẹ Hùng Vương đã phải chấp nhận gánh khoản lỗ ròng 49 tỷ đồng. Công ty cũng bắt đầu phải đối mặt với hàng chục nghìn tỷ đồng nợ phải trả.
Từ đầu năm nay, hàng loạt thông tin kém tích cực ập đến với “vua cá tra”, kết quả kinh doanh đi xuống, công ty báo lỗ ròng, cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo, hàng nghìn tỷ đồng nợ vay đến hạn trả.
Theo báo cáo tài chính mới nhất, kết thúc năm tài chính 2017, Hùng Vương lỗ ròng 132 tỷ đồng, gấp 3 lần số lỗ 49 tỷ đồng trong năm 2016. “Vua cá tra” cũng đang có khoản nợ tài chính ngắn hạn lên tới 7.200 tỷ đồng, tổng nợ phải trả của công ty cũng đã vượt mức 4 lần so với vốn chủ sở hữu.
Bán đất, bán “con” trả nợ
Là công ty xuất khẩu thủy sản hàng đầu trong nước, việc Hùng Vương gặp khó khăn trong kết quả kinh doanh phần nhiều đến từ việc biến động tỷ giá tại các quốc gia nhập khẩu hàng của công ty.
Như việc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) đã khiến giá cá tra nguyên liệu giảm 4.000 đồng/kg và giá xuất khẩu giảm 15%. Ngoài ra, 3 năm gần đây, thị trường châu Âu liên tiếp sụt giảm sản lượng nhập khẩu cá tra từ Việt Nam khi năm ngoái, chỉ đạt 283 triệu USD, giảm 2 triệu USD so với năm trước đó. Thị trường Mỹ vẫn tăng trưởng nhưng liên tục bị áp các loại thuế chống bán phá giá.
Quá nhiều khó khăn bủa vây, đại gia Dương Ngọc Minh đã phải nói lời chia tay với nhiều công ty tâm huyết của mình.
Mới đây nhất, Hùng Vương đã phải thông báo thoái toàn bộ vốn tại Thực phẩm Sao Ta để thu hồi nguồn tiền tập trung phát triển lĩnh vực chủ đạo. Sao Ta là công ty xuất khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam, và là đơn vị có kết quả kinh doanh hiệu quả nhất trong hệ thống của Hùng Vương. Thực phẩm Sao Ta cũng là công ty tâm huyết của đại gia họ Dương khi ông từng có nhiều năm gắn bó với ngành này trước khi đến với cá tra.
Trong giai đoạn Hùng Vương khó khăn, Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) cũng đã ngỏ ý mua lại Việt Thắng với giá 250 triệu USD, nhưng Hùng Vương đã từ chối.
Trong tháng 8 vừa qua, cũng chính khó khăn từ hoạt động kinh doanh và áp lực trả nợ mà Hùng Vương đã phải giải thể Công ty Địa ốc An Lạc để thanh ý 4 khu đất “vàng” tại TP.HCM nhằm thu hồi vốn.
Theo đó, Hùng Vương đã rao bán thanh lý hơn 20.000 m2 đất “vàng” tại TP.HCM của 4 khu đất thuộc sở hữu Công ty An Lạc. Công ty này cho biết các bất động sản này đều là đất sạch có vị trí đắc địa và sẵn sàng để phát triển các dự án. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại do đang cần tập trung nguồn lực để phát triển ngành nghề kinh doanh cốt lõi nên công ty quyết định thanh lý các bất động sản này.
Vừa qua, công ty đã bán thành công lô đất tại đường Phạm Đình Hổ (TP.HCM) và thu về gần 400 tỷ đồng, dự kiến những lô đất còn lại sẽ được trao tay trong thời gian tới.
“Đại gia” taxi đi chạy xe ôm
Trong lĩnh vực vận tải, Mai Linh và Vinasun đang là hai “đại gia” taxi truyền thống chịu rất nhiều ảnh hưởng từ sự đổ bộ của “cơn bão công nghệ” Uber, Grab.
Trước khi Uber, Grab gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2014 và bùng nổ vào đầu năm 2016. Mai Linh và Vinasun là 2 doanh nghiệp taxi truyền thống lớn nhất tại Việt Nam.
Mai Linh và Vinasun là hai "đại gia" taxi số 1 và số 2 tại Việt Nam. Biểu đồ: Phượng Nguyễn. |
Trong khi Mai Linh có địa bàn hoạt động rộng khắp cả nước với hơn 15.000 đầu xe taxi, thì Vinasun cũng không có đối thủ tại thị trường taxi phía Nam với doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, trước sức ép cạnh tranh khốc liệt của Uber, Grab kết quả kinh doanh của cả hai ông lớn taxi này đều đi xuống.
Cuối năm 2016, lần đầu tiên sau 5 năm, lợi nhuận của Vinasun đi xuống đạt 312 tỷ đồng. Tình trạng còn thê thảm hơn với Mai Linh khi công ty này phải báo lỗ 84 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh. Nếu không nhờ khoản lợi nhuận từ thanh lý xe cũ, Mai Linh đã không tránh khỏi kết quả lỗ ròng trong năm 2016.
Trong quý III vừa qua, kết qua doanh thu của Vinasun xuống thấp nhất kể từ năm 2011 trở lại đây. Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu toàn hệ thống của Vinasun đạt gần 2.451 tỷ đồng, giảm 29%, chỉ hoàn thành chưa tới 60% kế hoạch đề ra. Kết quả lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 146 tỷ đồng từ đầu năm, giảm gần 40%.
Để tự cứu chính mình, Vinasun đã phải thay đổi chiến lược kinh doanh từ việc thuê nhân viên lái taxi, phân chia chi phí sang mô hình nhượng quyền thương mại.
Với mô hình này, lái xe sẽ nhận toàn bộ doanh thu và trả cho Vinasun một khoản phí thuê cố định 600.000-800.000 đồng, đồng thời chi trả toàn bộ chi phí liên quan đến xe như xăng dầu, sửa chữa, bến bãi... Vinasun sẽ không phải nộp BHXH cho lái xe để tiết giảm chi phí.
Tính đến cuối tháng 9, Vinasun đã cắt giảm gần 10.000 lao động để giảm chi phí vận hành doanh nghiệp.
Không chỉ thu hẹp nhân lực, Vinasun cũng đang thu hẹp hoạt động với việc thanh lý xe tiếp tục được triển khai. Tổng tài sản của công ty đến 30/9 đã giảm 12% so với đầu năm, ghi nhận mức 2.841 tỷ đồng.
Trong khi đó với, Mai Linh cũng đã phải cắt giảm 6.000 nhân viên chỉ sau nửa đầu năm 2017 để giảm chi phí. Tuy nhiên, điều đó không giúp kết quả kinh doanh của công ty này khá hơn. Nửa đầu năm 2017, không chỉ doanh thu giảm so với cùng kỳ, khoản lợi nhuận khác (chủ yếu đến từ hoạt động thanh lý tài sản cố định, cụ thể là ôtô cũ) của Mai Linh đã giảm tới 16%.
Kết quả, toàn Tập đoàn Mai Linh chỉ thu về gần 29 tỷ đồng lãi sau thuế sau 6 tháng, chưa bằng 1/2 cùng kỳ. Thậm chí, tính đến hết ngày 30/6, Mai Linh còn đang có khoản lỗ lũy kế lên tới gần 800 tỷ đồng.
Trong nỗ lực tự cứu chính mình, bên cạnh việc thông qua kế hoạch hợp nhất bộ máy Mai Linh 3 miền về một Tập đoàn Mai Linh duy nhất, đại gia taxi truyền thống này cũng quyết định lấn sân vào thị trường xe ôm, bằng cách làm ứng dụng xe ôm công nghệ M.Bike.