“Lời kêu gọi của Tổng thống Volodymyr Zelensky đã thúc đẩy chúng tôi lên đường”, Joe, một tài xế 48 tuổi người Pháp, nói với Politico hồi tháng 3. “Tôi không có oán thù với Nga. Tôi sẽ tới đó để bảo vệ loài người”.
Cũng như Joe, hàng nghìn tình nguyện viên nước ngoài đã rời quê hương để gia nhập Quân đoàn Quốc tế của Ukraine. Trong tâm trí họ là một mục tiêu rất rõ ràng: Trợ giúp quân đội Ukraine trước thế tiến công của Nga.
Nhưng trái ngược với sự rõ ràng ấy là ẩn số lớn đối với câu hỏi: Những người lính tình nguyện nước ngoài như Joe sẽ có tư cách pháp lý gì khi bị bắt làm tù binh.
Trong diễn biến mới nhất, tòa án của vùng ly khai Donetsk tại miền Đông Ukraine hôm 9/6 tuyên án tử hình với ba chiến binh nước ngoài tham gia chiến sự Ukraine, gồm 2 người Anh và một người Morocco.
Tù binh chiến tranh cũng có quyền lợi
Theo Công ước Geneva năm 1949, khi binh sĩ thuộc lực lượng vũ trang của một bên tham gia xung đột bị bên kia bắt sống, họ sẽ được coi là tù binh chiến tranh (POW) và nhận được nhiều đảm bảo pháp lý, như được đối xử nhân đạo, không bị trả thù, tra tấn và hạ nhục…
Điều 26 của Công ước Geneva năm 1949 thứ hai còn yêu cầu bên giam giữ tính đến chế độ ăn uống quen thuộc của POW trong bữa ăn hàng ngày. POW cũng không thể bị buộc phải làm công việc nguy hiểm hoặc hạ thấp nhân phẩm, và sức lao động của họ phải được trả công.
Những thành viên đầu tiên thuộc Quân đoàn Quốc tế của Ukraine tại Kyiv. Ảnh: Lục quân Ukraine. |
Tuy nhiên, nếu một người bị coi là lính đánh thuê bị bắt làm tù binh, họ sẽ không được hưởng các đảm bảo và quyền lợi pháp lý như POW. Chẳng hạn, nếu POW không thể bị truy tố chỉ vì hành động cầm súng chiến đấu, lính đánh thuê hoàn toàn có thể.
Nguyên nhân là luật pháp quốc tế, như Hiến chương Liên Hợp Quốc hay Công ước Chống lại việc tuyển mộ, sử dụng, tài trợ và đào tạo lính đánh thuê năm 1989 (ICRUFTM), nghiêm cấm hành vi sử dụng hoặc làm lính đánh thuê.
Dù không có tư cách POW, lính đánh thuê vẫn sẽ có một vài đảm bảo cơ bản như được đối xử nhân đạo khi bị bắt. Điều này được quy định trong điều 47 của nghị định thư bổ sung thứ nhất của Công ước Geneva năm 1949.
Câu hỏi lúc này là những người nước ngoài tình nguyện tham gia Quân đoàn Quốc tế của Ukraine sẽ được trao tư cách POW hay bị coi là lính đánh thuê? Vấn đề càng trở nên được quan tâm sau khi lực lượng ly khai thân Nga ở miền Đông Ukraine đã bắt giữ một số binh sĩ đến từ nước ngoài.
Binh sĩ chính quy hay lính đánh thuê?
Nhiều học giả phương Tây lập luận những người lính tình nguyện tham gia Quân đoàn Quốc tế cho Ukraine không phải lính đánh thuê, căn cứ vào pháp luật quốc tế.
Trước hết, để bị coi là lính đánh thuê, một chiến binh cần thỏa mãn toàn bộ 5 tiêu chí: Được tuyển mộ để chiến đấu, động cơ chủ yếu vì tư lợi và được hứa hẹn thu nhập cao hơn nhiều vị trí tương đương trong lực lượng vũ trang chính quy, không phải thành viên lực lượng vũ trang tham gia xung đột, không có quốc tịch của một bên tham gia xung đột, và không được nước khác cử đi làm nhiệm vụ chính thức.
Thành viên một đơn vị lính nước ngoài của Ukraine vào vị trí tại Sievierodonetsk hôm 2/6. Ảnh: Reuters. |
“Thành viên Quân đoàn Quốc tế của Ukraine không thỏa mãn các tiêu chí trên”, nhà nghiên cứu Petra Ditrichová và giáo sư Veronika Bílková viết trên Articles of War, ấn phẩm online chuyên bình luận khía cạnh pháp lý của chiến tranh hiện đại của Viện Lieber, Học viện West Point (Mỹ).
Hai chuyên gia chỉ ra rằng trước hết, Quân đoàn Quốc tế là một phần của Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ, thuộc Lực lượng Vũ trang Ukraine.
Ngoài ra, những người ngoại quốc trong Quân đoàn Quốc tế nhiều khả năng không gia nhập lực lượng này vì tư lợi hay họ được hứa hẹn mức thu nhập cao hơn nhiều so với cấp bậc tương đương trong lực lượng vũ trang Ukraine, hai chuyên gia nhận định.
Củng cố cho lập luận này là việc một số tình nguyện viên nước ngoài kể với Economist rằng mức thu nhập theo hợp đồng khi họ gia nhập Quân đoàn Quốc tế là 7.000 hryvnia/tháng (xấp xỉ 230 USD), ngang bằng binh sĩ Ukraine.
Website chính thức của Ukraine chiêu mộ cho Quân đoàn Quốc tế còn khuyến khích các tình nguyện viên tự mang theo trang bị, trừ súng, như áo chống đạn và mũ bảo hiểm…
Một người hút thuốc trước khi rời Ba Lan để chiến đấu tại Ukraine vào tháng 3. Ảnh: AFP. |
“Thành viên Quân đoàn Quốc tế Ukraine không phải lính đánh thuê. Họ là người chiến đấu có quyền tham gia trực tiếp vào hoạt động đối địch và nếu bị bắt, họ được quyền trao tư cách POW”, hai chuyên gia Ditrichová và Bílková viết.
Tuy nhiên, một yếu tố tạo ra ẩn số trong vấn đề tư cách pháp lý của tình nguyện viên nước ngoài cho Ukraine là việc Nga tuyên bố sẽ không coi những người này là lính chiến đấu hợp pháp.
“Cùng lắm họ có thể trông đợi vào việc bị truy tố như tội phạm”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov nói hôm 3/3, chỉ ít ngày sau khi Ukraine ra lời kêu gọi tình nguyện viên nước ngoài, theo TASS.
Rủi ro của sự không rõ ràng
Trên Foreign Policy, David Malet, giáo sư về tư pháp, luật học và tội phạm học thuộc Đại học Mỹ (Mỹ), cho rằng tuyên bố chính thức của Nga làm dấy lên “những câu hỏi đáng ngại, không chỉ về nguy cơ tình nguyện viên phải đối mặt, mà còn về rủi ro đất nước họ bị kéo thêm vào xung đột”.
Trước đó, trong cuộc chiến ở Chechnya, Nga từng thông báo bất cứ người ngoại quốc nào bị nghi chiến đấu cho phe khủng bố sẽ bị xử tử ngay tại chỗ. Đây cũng là điều xảy đến với một nhà làm phim người Canada bị nghi huấn luyện quân nổi dậy cách tạo bom vào năm 2004.
Willy Joseph Cancel, 22 tuổi, một công dân Mỹ tình nguyện chiến đấu cho phía Ukraine đã thiệt mạng trong giao tranh. Ảnh: Facebook/Willy Joseph Cancel. |
Trong cuộc giao tranh Ukraine, Nga cũng đã có hành động răn đe như lần tấn công bằng tên lửa vào căn cứ quân sự gần biên giới chung giữa Ukraine và Ba Lan vào ngày 13/3. Căn cứ này bị tấn công với căn cứ đây là “cơ sở đào tạo cho lính đánh thuê phương Tây”.
Hiện vẫn chưa rõ liệu chính quyền và người dân ở quê nhà của những tình nguyện viên nước ngoài tại Ukraine sẽ phản ứng thế nào khi họ thiệt mạng hoặc bị ngược đãi.
Theo giáo sư Malet, hầu hết quốc gia có công dân tới Ukraine tình nguyện, như Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh, cho tới nay chưa ra tuyên bố chính thức về việc liệu họ sẽ làm gì để giúp công dân được phóng thích nếu bị bắt hoặc có thể bị xử tử.
“Sự phẫn nộ của công chúng có thể sẽ không đẩy các chính quyền ấy đối đầu trực diện với Nga, nhưng sẽ khiến họ gặp khó khăn hơn khi ủng hộ các thỏa thuận xuống thang”, giáo sư Malet nói.