Sách ra mắt tại Hội sách Ngày Sách Việt Nam tại Công viên Thống Nhất, Hà Nội. Cuốn Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn (NXB Văn học và Quảng Văn ấn hành) bàn về phương pháp giáo dục trẻ trong giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi của tác giả Ibuka Masaru, nhà sáng lập tập đoàn Sony kiêm nhà nghiên cứu giáo dục.
Dựa trên những nghiên cứu về sinh lý học của não bộ và di truyền học, Masaru khẳng định sự phát triển về trí tuệ và năng lực của trẻ được quyết định trong giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi. Từ đó, ông đưa ra những giải pháp để giúp các bậc cha mẹ tạo ra môi trường để trẻ có thể phát huy hết khả năng của mình.
Hoa hậu Ngô Phương Lan tại buổi ra mắt sách. Ảnh: Mi Ly |
Không thể “nhập khẩu” 100% một triết lý giáo dục
Hoa hậu Ngô Phương Lan cho biết, cô đã nghe về triết lý giáo dục này của người Nhật nhưng chưa có điều kiện tìm hiểu sâu. Mặc dù vậy, gia đình cô có bè bạn là người Nhật và cô rất có thiện cảm với phương pháp dạy con của họ.
“Vợ chồng tôi chưa có kế hoạch sinh con, nhưng quyết định đó sẽ là thời điểm mình có thể dành trọn thời gian đầy đủ và chất lượng cho con” – hoa hậu chia sẻ.
Ngô Phương Lan được nuôi dạy theo cách khá đặc biệt: đa quốc gia và đa văn hóa. 3 tuổi rưỡi, cô đã được bố mẹ đưa sang Mỹ, trải qua các nền giáo dục Mỹ, Anh, Pháp, Thụy Sĩ. Cô trải nghiệm nhiều nền văn hóa và luồng tư duy khác nhau của các nước.
Đến khi trưởng thành, cô lại kết hôn với Loz Whitaker, một người đàn ông sinh sống tại Việt Nam. Bởi vậy, con cái của Hoa hậu sau này sẽ lớn lên trong một gia đình đa văn hóa, pha trộn phương Tây và phương Đông.
Được hỏi về việc này, cô nói: “Tôi nghĩ không chỉ do các nền văn hóa khác nhau, mà kể cả khi bố mẹ có cùng quốc tịch, quan điểm về việc nuôi dạy con cũng có thể khác nhau. Bởi vậy, không chỉ các cặp vợ chồng Đông - Tây, mà mọi cặp vợ chồng đều phải cân bằng lẫn nhau khi nuôi dạy con”.
Đối với Hoa hậu, không thể nào “nhập khẩu 100%” một triết lý giáo dục từ một quốc gia khác vào Việt Nam. Chẳng hạn, thời gian qua, cô cùng nhóm làm việc có kế hoạch đưa hệ thống giáo dục toán tư duy của Mỹ vào nền giáo dục Việt Nam. Ban đầu, ý định là đưa 100% hệ thống đó vào Việt Nam, nhưng lại vấp phải sự khác biệt ở nền giáo dục Việt Nam, buộc phải có sự cải tiến thì chương trình mới phát huy tác dụng.
Chồng sẽ “ghen tị” vì tôi gắn bó với con hơn
“Sự khác biệt lớn nhất giữa cách giáo dục con trẻ ở Việt Nam và nước ngoài là gì?” – Thể Thao Văn Hóa đặt câu hỏi. Ngô Phương Lan cho biết: “Đó là sự tự lập. Các gia đình Việt Nam quanh tôi rất chiều con, làm hết mọi thứ cho con. Trong cuộc sống thường ngày, hình ảnh trẻ con chạy khắp nhà, khắp khu phố còn người lớn chạy theo đút cơm là rất phổ biến. Còn trong đời sống phương Tây không có chuyện đó”.
“Chồng tôi bảo: nếu mình có con, mình sẽ bảo con ngồi trên ghế tự ăn cơm. Chỉ khi ăn xong mới được đi chơi, hoặc nếu đã rời khỏi ghế tức là ăn xong rồi, nếu lúc sau đói mà quay trở lại thì phải bảo là đã quá giờ ăn rồi”. Chỉ như vậy, đứa trẻ mới có ý thức về bữa ăn và không dựa dẫm vào người lớn. “Đừng coi đứa trẻ chỉ là một đứa trẻ, mà hãy coi con như một con người, tôn trọng con từ lúc sinh ra” – cô nói.
Vợ chồng Ngô Phương Lan trong ảnh cưới. |
Văn hóa Việt Nam vẫn đặt nặng vai trò chăm sóc con nhỏ lên vai người mẹ, nhưng trong gia đình Ngô Phương Lan, vợ chồng cô dự định cân bằng vai trò của bố và mẹ. Thậm chí, chồng cô còn nói, người mẹ mang thai 9 tháng, trong thời gian đó đã kịp “làm thân” với con rồi. Còn người bố không có điều kiện đó, nên anh sẽ hơi ghen tị.
“Văn hóa của người Anh khuyến khích người bố sau khi có con nghỉ chăm sóc vợ con. Vì vậy, ông xã nói, sau đợt nghỉ 6 tháng của tôi sau khi sinh, anh cũng sẽ nghỉ tiếp 6 tháng nữa để chăm sóc con. Anh cũng hiểu tôi là người không làm việc là không chịu được” – hoa hậu kể.
Hình dung trong đầu là vậy, nhưng Ngô Phương Lan hiểu rằng, mọi lý thuyết cần áp dụng vào thực tế mới biết hay dở, nhất là trong môi trường đa văn hóa. Là một người phụ nữ Việt, cô vẫn ngày ngày chuẩn bị những kiến thức tốt nhất cho việc nuôi dạy đứa con tương lai.
Vợ chồng Ngô Phương Lan chia sẻ việc nhà ra sao?
“Tôi từng nói chồng tôi và bố chồng tôi đều là những người nấu ăn rất ngon” – Ngô Phương Lan tâm sự về đời sống hôn nhân – “Nên việc chăm sóc gia đình, chúng tôi chia sẻ một cách tự nhiên chứ không phải phân công rõ ràng. Sau mỗi ngày làm việc, người nào về trước thì có thể dọn dẹp nhà cửa. Khi đi du lịch, hai vợ chồng đều bàn bạc và cùng nhau quyết định”.