Người ta mê văn của “Me-xừ Long” vì văn của anh hài hước, đọc vào cứ cười rinh rích. Nhưng người ta càng thích hơn vì anh có nhiều trải nghiệm, nhiều ký ức hay, đọc vào, mọi người nhìn thấy chính mình trong những con chữ ấy.
“Me-xừ Long” viết hay, bởi vì anh có đến 15 năm làm phóng viên, rồi biên tập viên ở báo Hoa Học Trò dưới bút danh cũng là tên thật Hoàng Tuấn Long. Nhưng anh còn viết hấp dẫn, vì bằng chứng là từ khi anh bắt đầu tung hoành trên Facebook, bài nào trên trang Facebook mang tên “Long Bé Nhỏ” của anh viết cũng được nhận vô số like, comment, share…
Tập tản văn hài hước Ngơ đi một tí, vui lên một tí vừa được NXB Thế giới phát hành. |
Đi nhiều, lại chăm lọ mọ, nên anh biết nhiều chỗ ăn, chỗ chơi, và mỗi bức ảnh, mỗi post chia sẻ kinh nghiệm du lịch của anh cũng được cộng đồng mạng rất thích. Nhưng người ta vẫn chờ đợi những bức ảnh “quái dị” của anh như những đoản văn hài hước của anh vậy.
Sống trên mạng lâu năm, trở thành một “chuyên gia” viết lách, nên anh có cách viết rất… khôn. Tự gọi mình là “Me-xừ Long”, anh không phê phán ai, không đấu tố, chỉ trích ai, mà thường đem đàn ông, đàn bà ra phê chung chung, tự bôi xấu bản thân mình, kể lể về cảnh sợ vợ, thương vợ… Thế là chị em phụ nữ thi nhau “tag” bạn bè điên đảo, thành ra anh đã hot càng thêm hot.
Nhìn thấy anh xuất hiện trên Facebook đã thấy hài, cái đầu trọc lóc, cặp môi dày, người to dềnh dàng, nhưng lại đặt tên trên Facebook là Long Bé Nhỏ đã hài hước. Anh cũng là người có tài “đạo diễn hình ảnh”, khi chụp những bức ảnh gây cười, từ một chiếc quần đùi hoa, một đôi dép tổ ong hồng, một dáng đứng “ngơ ngơ” cạnh các thắng cảnh trời Tây, đến các cảnh quét rác lau nhà, nghe vợ giảng giải khác.
Rồi như nhiều hot Facebooker khác, người ta muốn anh tập hợp bài viết để ra sách. Anh cũng cân nhắc hồi lâu, lựa đi chọn lại tiêu đề, cuối cùng chốt lại với cái tên “Ngơ đi một tí, vui lên một tí - Đời rất dễ sống”.
Đây là cuốn tạp văn hài hước gồm nhiều đoản văn ngắn được sắp xếp ngẫu hứng. Đó là câu chuyện gia đình, chuyện đường phố, chuyện một thành phố với những nhân vật quen thuộc quanh chúng ta, nhưng cũng có thể là những nơi xa lạ với những con người thú vị. Nhưng chủ đề nào cũng được “Me-xừ Long” nhìn qua lăng kính hài hước, hơi cường điệu một chút, hơi “bôi bác” bản thân một chút, nhưng luôn đọng lại những dư âm về sự nhân ái, về cách xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người.
Các khuyết điểm của “Me-xừ Long“ đều được tác giả phóng đại lên như soi chiếu dưới kính hiển vi, khiến người đọc thích thú, nhưng sau đó, ngẫm lại, người ta mới thấy đâu đó có nét quen thuộc của chính mình.
Ví dụ anh nói về cái tính hay đổ lỗi cho người khác: “Đi xe đụng vào người khác thì “Tại anh, chị phanh gấp quá!”. Say cả chấy bò lên máy bay, nôn lung tung thì “Tại tiếp viên bố trí ít túi nôn quá!”. Thậm chí “Bác sĩ bảo cưới” thì cũng “Em bị con vợ em nó bẫy”... Suốt ngày mang tư tưởng nạn nhân thế bảo sao chả mấy khi cảm thấy hạnh phúc.
Hãy như Me-xừ Long Bé Nhỏ! Tất cả mọi chuyện xảy ra đều là tại mình! Tại mình đã hiền khô dễ thương lại còn đẹp và quyến rũ nên ông trời ghen ghét bắt phải truân chuyên, hi hi”.
Bên cạnh nhân vật nam, nhân vật nữ đại diện cho các bà vợ cũng hiện ra với những nhân tố gây cười, qua những tính cách tiêu biểu như thói nhỏ mọn, hay tị nạnh, ghen tuông, đua đòi, cũng khiến nhiều chị em “nóng gáy”, nhưng dễ dàng bỏ qua vì nó… chung quá, giống nhiều người quá, chắc… chẳng phải mình.
Và qua thủ pháp cường điệu hóa đến mức phi lý, đọng lại từ các trang tản văn ấy là tiếng cười vui vẻ, là triết lý phải “ngơ đi một tí” để cố gắng hóa giải những ác ý giữa con người nhằm sống "vui lên một tí" trong đời sống đô thị chật hẹp, bon chen hôm nay.