Cầu Bình Triệu, phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức). Ảnh: An Huy |
Nội dung trên vừa được Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông Vận tải và các sở, ngành tham mưu, đề xuất UBND TP.
Trước đó, trong công văn gửi UBND TP.HCM và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải nhìn nhận sông Sài Gòn là tuyến vận tải thủy nội địa quan trọng ở khu vực Đông Nam Bộ, phục vụ vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương đến các cảng biển khu vực TP.HCM và khu bến Cái Mép (cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu).
Đoạn từ ngã ba rạch Thị Nghè đến cầu Bình Triệu dài 15,1 km và đoạn từ cầu Bình Triệu đến hạ lưu đập Dầu Tiếng dài 114,9 km, đều có quy hoạch tĩnh không cao 7-9,5 m.
Hiện tuyến sông đã được nâng cấp hệ thống báo hiệu, cho phép phương tiện lưu thông cả ngày lẫn đêm với mật độ phương tiện lớn, gồm nhiều chủng loại khác nhau, trong đó có tàu vận tải contairner 3 lớp sức chở 5.000 tấn.
Theo số liệu rà soát của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, cầu Bình Triệu 1 thuộc đoạn tuyến từ cầu Bình Triệu đến hạ lưu đập Dầu Tiếng có kết cấu bê tông cốt thép, được xây dựng trước năm 1975, sửa chữa năm 2010. Hiện tĩnh không đứng tại cầu chỉ đạt 5,5 m, không đảm quy hoạch cấp II theo quy định.
Cầu Bình Triệu 1 nằm trên quốc lộ 13 đã được Bộ Giao thông Vận tải giao UBND TP.HCM quản lý từ năm 2004. Hiện UBND TP.HCM đã bố trí vốn cho công tác nghiên cứu, đầu tư nâng cấp cầu.
Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND TP.HCM sớm bố trí nguồn vốn để thực hiện dự án nâng cấp tĩnh không cầu Bình Triệu 1. Việc này giúp thông thuyền, thúc đẩy vận tải container trên sông Sài Gòn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực.
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.