Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghiên cứu giải mã huyền thoại về những con voi say

Con người và một số động vật có đột biến gene trong quá trình lịch sử để có khả năng chuyển hoá cồn, nhưng ở những loài khác, trong đó có voi, đột biến này không xảy ra.

Theo New York Times, con người không phải là loại động vật duy nhất có khả năng say rượu.

Một số loài chim ăn trái cây hoặc nhựa cây lên men có thể rơi khỏi cành cây hoặc tệ hơn là đâm vào cửa sổ khi đang bay. Nai sừng tấm thường xuyên bị kẹt vào các bụi cây sau khi ăn táo chín quá đà.

Voi de say ruou hon nguoi anh 1

Chim robin ăn quả trên cây hải đường ở Canada, chúng được cho là có thể bị say rượu từ quả của cây này lên men. Ảnh: New York Times.

150 con voi tràn vào nhà máy bia

Mặc dù vậy, trong vương quốc động vật thì voi mới là loài say rượu nổi tiếng nhất. Một bài báo khoa học từng mô tả những người huấn luyện voi (quản tượng) thưởng cho chúng bia và những đồ uống có cồn khác, với một con voi được cho là từng uống đến 30 chai bia mỗi ngày vào thế kỷ 18.

Vào năm 1974, một đàn voi 150 con ở Tây Bengal, Ấn Độ, đã tràn vào một nhà máy sản xuất bia, sau đó bị say, lên cơn cuồng nộ phá huỷ các ngôi nhà và khiến 5 người thiệt mạng.

Mặc dù tồn tại những câu chuyện như vậy, các nhà khoa học từ lâu đã đặt câu hỏi rằng liệu động vật - đặc biệt là các loài có kích thước lớn như voi và nai sừng tấm - có thực bị say như con người hay không.

Vào năm 2006, các nhà nghiên cứu tính toán rằng dựa trên lượng rượu cần thiết để một người trưởng thành bị say, một con voi sẽ cần uống 27 lít rượu với độ cồn ethanol 7% để lâm vào trạng thái tương tự.

Nhưng vấn đề là không tồn tại một lượng rượu lớn như vậy trong tự nhiên, và những con voi say rượu, theo các nhà khoa học, chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng.

Nghiên cứu mới gần đây đã làm rõ hơn vấn đề này. Được công bố trên tạo chí khoa học Biology Letters, nghiên cứu cho rằng những nhà khoa học trước đây đã mắc sai lầm khi mặc định là voi cẩn phải uống lượng rượu tỷ lệ thuận với trọng lượng cơ thể để say như con người.

Trên thực tế, voi rất dễ say rượu vì chúng - và nhiều động vật có vú khác - thiếu một loại enzyme đặc biệt giúp chuyển hoá nhanh ethanol. Phát hiện này đã nêu bật lên sự cần thiết phải xem xét các loài dựa trên đặc điểm của từng loài thay vì giả định dựa trên con người.

Voi de say ruou hon nguoi anh 2

Một đàn voi hoang dã được cho là say rượu và tấn công vào ngôi làng ở Tundi, Ấn Độ hồi năm 2006. Ảnh: AP.

"Bạn không thể giả định rằng con người cũng giống như mọi loại động vật có vú khác, và khả năng sinh lý của tất cả các loài động vật có vú là tương đương nhau", ông Mareike Janiak, tiến sĩ về nhân chủng học tiến hoá tại Đại học Calgary, tác giả chính của nghiên cứu, nhận định.

"Chỉ đơn giản tăng tỷ lệ cho phù hợp với trọng lượng cơ thể không thể xoá đi những khác biệt giữa các loài động vật có vú với nhau", ông Janiak nói thêm.

Voi say rượu dễ hơn người

Con người, tinh tinh, khỉ bonobo và khỉ đột có khả năng uống nhiều rượu vì một đột biến gene cho phép cơ thể những loài này chuyển hoá ethanol nhanh hơn 40 lần so với các loài linh trưởng khác.

Đột biến xảy ra vào khoảng 10 triệu năm trước, trùng với sự thay đổi của tổ tiên loài người, từ sống trên cây xuống sống dưới mặt đất - thời điểm chế độ ăn uống được bổ sung các loại quả rụng lâu ngày và lên men.

Để kiểm tra xem các loài vật khác có tiến hoá để có sự thích nghi này hay không, tiến sĩ Janiak và các đồng nghiệp đã phân tích bộ gene của 85 loài động vật có vú ăn tạp, và xác định gene chuyển hoá ethanol ở 79 loài.

Nhưng họ xác định đột biến tương tự như của con người chỉ xảy ra ở 6 loài - chủ yếu là những loài ăn nhiều trái cây và mật hoa, trong đó có vượn cáo.

Nhưng hầu hết động vật có vú khác không có đột biết này, và ở một số loài bao gồm chó, voi và bò, gene chuyển hoá ethanol đã mất hết chức năng.

Bà Amanda Melin, nhà sinh học phân tử của Đại học Calgary, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết thống kê của nhóm cho thấy các loài ăn lá cây hoặc ăn thịt thường bị mất chức năng gene chuyển hoá ethanol này.

Một số kết quả cũng khá bất ngờ, chuột chù cây tiêu thụ lượng lớn mật hoa có hàm lượng ethanol tương đương với bia nhẹ, nhưng chúng không bao giờ có dấu hiệu bị sau rượu.

Loài này cũng không chia sẻ cùng một đột biến gene để sản xuất enzyme như con người. Điều này ngụ ý rằng có thể chúng có một đột biến khác giúp chuyển hoá ethanol.

Ông Nathaniel Dominy, nhà nhân chủng học sinh học tại Đại học Darthmouth, người không tham gia vào nghiên cứu, cho rằng phát hiện mới đã làm nổi bật sự thích nghi của loài người bằng cách đặt hiệu quả chuyển hoá vào một bối cảnh rộng hơn của tiến hoá. Ông cũng cho rằng nghiên cứu thể hiện sức mạnh của sinh học so sánh vì đã làm nổi bật các đặc điểm di truyền cụ thể.

Voi de say ruou hon nguoi anh 3

Đười ươi là loài có thể chuyển hoá ethanol cùng tốc độ với con người. Ảnh: AP.

Ông Chris Thouless, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của tổ chức Save the Elephants ở Kenya, cho rằng phát hiện mới về khả năng uống rượu của voi là "thú vị nhưng khó hiểu". Ông Thouless cho biết voi rừng ngày nay vẫn tìm kiếm và ăn trái cây, mặc dù tổ tiên của chúng chuyển thành loại ăn cỏ vào khoảng 8 triệu năm trước.

"Có thể chúng đã mất khả năng chuyển hoá cồn ethanol một cách hiệu quả, nhưng tiếp tục hoặc giữ lại khả năng tìm kiếm trái cây", ông Thouless nhận định và so sánh việc này với việc có những người dễ say nhưng vẫn thích đi nhậu.

Cảnh tượng chưa từng thấy ở Thung lũng chết

Sự vắng mặt của du khách ở khu bảo tồn Yosemite dường như đã tạo điều kiện cho các loài động vật hoang dã ở đây phát triển mạnh, một cảnh tượng chưa từng thấy trước đây.

Người đàn ông chạy theo 2 con hổ Bengal siêu hiếm trên đường ở Mexico

Hai con hổ sổng chuồng từ một người nuôi tư nhân đã bị cơ quan chức năng Mexico bắt lại. Người này đã không chứng minh được việc nuôi động vật hoang dã hợp pháp.

Sơn Trần

Bạn có thể quan tâm