Chiều 13/3, Cục Quản lý lao động ngoài nước (thuộc Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội) thông tin cơ quan này vừa gửi công văn tới các công ty cử phái đoàn thực tập sinh sang làm việc ở Nhật Bản.
Theo nội dung công văn, Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu các công ty khẩn trương liên hệ, rà soát với các nghiệp đoàn tiếp nhận để tìm hiểu thông tin vụ việc. Nếu có thực tập sinh bị đưa vào làm việc ở khu vực cấm như đã nêu trên, các doanh nghiệp cần báo cáo và phối hợp với Ban quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thực tập sinh. Khẩn trương cử cán bộ sang Nhật Bản để giải quyết vụ việc.
Công nhân đang đo phóng xạ ở Fukushima. Ảnh: AFP. |
"Nghiêm cấm việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại các khu vực bị nhiễm xạ, bị nhiễm độc và khu vực đang có dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm", cơ quan này nêu rõ.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước còn đề nghị Ban quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản khẩn trương phối hợp với Bộ Tư pháp, Tổ chức thực tập kỹ năng người nước ngoài và làm việc với Liên đoàn lao động Nhật Bản để tìm hiểu rõ thông tin. Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản có phương án hỗ trợ cho doanh nghiệp giải quyết vụ việc nhằm bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của thực tập sinh.
Ngày 8/3, Nikkei đưa tin một nam thanh niên Việt Nam đến Nhật Bản theo chương trình tu nghiệp và bị công ty xây dựng tại tỉnh Iwate Iừa làm công việc tẩy rửa ở khu vực chịu ảnh hưởng của thảm họa phóng xạ năm 2011.
Người Nhật Bản vẫn đang loay hoay dọn dẹp hậu quả của thảm hoạ hạt nhân sau 7 năm. Ảnh: AP.
|
Anh này được gửi đến Koriyama, tỉnh Fukushima hơn 10 lần để dọn rửa các khu vực dân cư từ tháng 10/2015 đến tháng 3/2016. Sau đó, anh còn tham gia vào việc tháo dỡ một khu vực cách ly ở thị trấn Kawamata, Fukushima trước thời điểm lệnh hạn chế vì mức phóng xạ cao ở khu vực này được tháo dỡ.
Ngày 12/3, Đại sứ quan Việt Nam tại Nhật Bản cho biết cơ quan này đã làm việc với Bộ Tư pháp Nhật Bản. Phía Nhật Bản phản bác thông tin của tờ Nikkei đưa ra trước đó. Theo Bộ Tư pháp, các khu vực nhiễm phóng xạ đều được quây và bảo vệ nghiêm ngặt, muốn vào phải qua nhiều hàng rào bảo vệ và phải mặc đồ bảo hộ, đeo đồng hồ đo phóng xạ.
Khu vực nhóm công nhân được đưa đến là khu vực an toàn và có cả người Nhật lẫn người Việt Nam.