Với mục tiêu hạn chế nhập siêu, Thông tư 20/2011-BCT ra đời từ tháng 5/2011 bất chấp sự phản đối của nhiều doanh nghiệp (DN) và một số bộ ngành vì trái luật. Câu chuyện về thông tư này đang nóng trở lại, khi thời hạn gỡ bỏ hàng nghìn giấy phép con từ 1/7 đến gần.
Đủ chiêu làm cũ xe mới
Chia sẻ với báo Lao Động, đại diện một đơn vị nhập khẩu cho biết, từ hơn 200 DN nhập xe, sau 5 năm áp dụng Thông tư 20, số lượng các đơn vị nhập khẩu xe hiện chỉ còn hơn 1/10, và không ít trong số đó đang dùng đủ chiêu để đưa xe về nước.
Nhiều xe sang được "làm cũ" để lách thông tư về nước. |
Nếu có "quan hệ tốt", một số DN nhập khẩu có thể đưa xe về nước qua đường Việt kiều hồi hương, nhưng số lượng rất giới hạn nên thường chỉ tập trung vào các dòng xe siêu sang. Số còn lại phải tìm cách biến xe mới thành cũ, bằng cách mua mới ở nước ngoài rồi buộc phải sử dụng trong ít nhất 6 tháng, hoặc thậm chí thuê người chạy xe để có đủ hoặc gần đủ số công-tơ-mét (10.000 km) theo quy định. Sau khi đã đủ "độ cũ", xe mới được nhập khẩu về nước và chịu thuế tuyệt đối, khiến tổng số tiền thuế cao hơn hẳn các xe mới cùng chủng loại.
Có một số xe vận hành vài nghìn km rồi tiến hành phù phép công-tơ-mét để qua mặt cơ quan chức năng. Điều này khiến Cục Đăng kiểm gặp khá nhiều khó khăn trong công tác giám định. Một số xe bị phát hiện "chưa đủ cũ" đã phải tái xuất ra nước ngoài khiến DN "tốn đơn tốn kép".
Dù có đưa được xe về nước nhưng những cách lách luật trên cùng hàng loạt loại thuế phí đã khiến giá xe nhập bị đẩy cao và chủng loại xe bị hạn chế.
Phân phối độc quyền, người mua không có nhiều lựa chọn
Ngày 27/6, trao đổi với báo Lao Động, ông Nguyễn Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thiên An Phúc, cho rằng cần gỡ bỏ cả hai quy định trong Thông tư 20/2011-BTC vì trong 267 ngành nghề kinh doanh theo quy định của Luật DN và Luật Đầu tư không có điều kiện kinh doanh ôtô.
Việc áp dụng Thông tư 20 không chỉ trái với luật mà còn đẩy thị trường xe vào thế độc quyền. Do đó, khách hàng không thể có lựa chọn và giá xe lại cao, bởi hầu hết các nhà phân phối chính hãng đều bị ép doanh số 1 tháng phải bán bao nhiêu xe và "các loại xe ế cũng phải phân phối".
Làm cũ xe mới bán với giá cao. |
Theo ông Tuấn, vì phải chịu nhiều ràng buộc nên nhà phân phối xe chính hãng không thể nhanh chóng đưa các phiên bản mới nhất về nước, các trang bị trên xe cũng khiêm tốn.
Còn theo ông L. đại diện một nhà nhập khẩu lâu năm khác, do các nhà phân phối xe chính hãng, đặc biệt là xe sang phải chịu những điều kiện ngặt nghèo, như trang bị từ bàn ghế, tới thiết bị sửa chữa cho showroom phải nhập nguyên chiếc từ chính hãng nên các chi phí ngoài sản phẩm đó lại âm thầm đổ vào giá, đẩy giá xe lên cao. Tiền chênh đó sẽ chảy ra nước ngoài chứ không vào ngân sách còn khách hàng phải mua xe giá cao.
Khi được hỏi về việc sẽ đảm bảo chất lượng sản phẩm và quyền lợi bảo hành cho khách hàng thế nào, ông Tuấn hay, đại diện Công ty TNHH Bảo Tín Sơn Tùng cho rằng mọi khách hàng mua xe đều được bảo hành và có thể yêu cầu hỗ trợ bảo hành sửa chữa 24/7. Các showroom nhập khẩu cũng có sự liên kết để hỗ trợ bảo hành cho khách hàng. Khi xe lỗi, các nhà nhập khẩu cũng tiến hành triệu hồi theo quy định vì ở Việt Nam, chưa có chính sách bảo hành toàn cầu cho mặt hàng ôtô.
Trái luật, Thông tư 20 có bị gỡ bỏ?
Liên quan tới tính hợp hiến của Thông tư 20/2011-BTC, phát biểu tại Hội nghị “Điều kiện kinh doanh: Nhận diện và kiến nghị” do VCCI tổ chức ngày 14/6, các luật sư tham dự đều cho rằng, tất cả các điều kiện kinh doanh ban hành trong các thông tư của các bộ ngành trong đó có Thông tư 20 là “vi phạm pháp luật”.
Cụ thể, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã quy định tại Khoản 5, Điều 7: “Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh”. Nhưng đến nay có khoảng 4.000 điều kiện kinh doanh cấp từ thông tư trở xuống được ban hành trong suốt nhiều năm qua, và “Hiển nhiên là hàng nghìn điều kiện kinh doanh đang được quy định tại các thông tư hiện đang tồn tại là trái luật”.
Về việc Thông tư 20 có thể được nâng cấp thành nghị định, luật sư Trần Vũ Hải cho rằng, đó là “hợp thức hóa cái sai trái”, và nếu muốn tôn trọng luật thì phải bỏ tất cả các điều kiện kinh doanh trong các thông tư”.
Còn theo nhận định của VCCI, nhập khẩu ôtô không thuộc 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định theo luật. Do vậy, Thông tư 20 của Bộ Công Thương là trái luật và ngày 1/7 tới đây cần thiết phải bãi bỏ.
Trước sức ép gỡ bỏ các giấy phép con, một nguồn tin bộ Công Thương cho biết, bộ đã đệ trình Chính phủ 2 phương án liên quan tới Thông tư 20/2011-BCT, trong đó có phương án bỏ quy định này.
Nguồn tin từ Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Bộ đã báo cáo Chính phủ về việc bỏ Thông tư 19 - một trong quy định liên quan tới Thông tư 20/2011-BCT về quy định nhà xưởng bảo hành của các đơn vị nhập khẩu xe và đang chờ quyết định cuối cùng. Hiện chưa rõ Thông tư 20 có hoàn toàn được dỡ bỏ hay không.