Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghịch lý tiến sĩ Stanford về nước làm công chức cấp huyện

Tiến sĩ tốt nghiệp Đại học Stanford (Mỹ) gây chấn động mạng xã hội Trung Quốc khi có tên trong danh sách trúng tuyển công chức cấp huyện.

Su Zhen lấy bằng tiến sĩ Vật lý ứng dụng tại Đại học Stanford (Mỹ). Ảnh: Weibo.

Mới đây, thành phố Tô Châu (tỉnh An Huy, Trung Quốc) công bố danh sách trúng tuyển công chức cấp huyện. Tiến sĩ Vật lý ứng dụng Su Zhen đã có tên trong danh sách này.

Theo Sixth Tone, Tô Châu không phải là nơi làm việc lý tưởng. Đây là thành phố có mức thu nhập bình quân đầu người thấp nhất tỉnh An Huy. Trong khi đó, Su Zhen có bằng cử nhân ngành Vật lý tại Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, sau đó lấy bằng tiến sĩ Vật lý ứng dụng tại Đại học Stanford (Mỹ). Theo bảng xếp hạng QS 2024, Đại học Stanford xếp thứ 5 thế giới.

Một người có trình độ học vấn như Su Zhen nộp đơn xin việc vào làm công chức tại Tô Châu là việc khó tưởng tượng. Trong số 434 ứng viên trúng tuyển, Su Zhen là người duy nhất có bằng tiến sĩ.

Theo chia sẻ của một quan chức địa phương, trước Su, chưa có ai tốt nghiệp trường đại học danh tiếng nước ngoài nộp đơn xin việc vào chính quyền cấp huyện ở Tô Châu. Được biết, Su sinh ra và lớn lên tại đây.

Theo mô tả công việc, Su sẽ tham gia vào các dự án dịch vụ công ích ở địa phương, như chương trình thúc đẩy hồi sinh nông thôn. Anh được yêu cầu cam kết làm việc tại huyện tối thiểu 5 năm.

Quyết định nộp đơn xin việc vào một vị trí công chức "mờ nhạt" của Su đã trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội.

Một hashtag liên quan trên nền tảng Weibo đã thu hút hơn 160 triệu lượt xem, với nhiều bình luận cho rằng câu chuyện này cho thấy thị trường việc làm của Trung Quốc đang mất cân bằng như thế nào. Cạnh tranh khốc liệt để giành được việc làm trong cơ quan hành chính nhà nước của Trung Quốc dường như đã lên một "tầm cao" mới.

"Đây là một ví dụ về nền giáo dục quá mức và phân bổ nguồn lực không phù hợp", một người dùng viết, cho rằng những nhân tài như Su nên cống hiến cho nghiên cứu khoa học và công nghệ.

viec lam Trung Quoc anh 1

Cạnh tranh giành việc làm trong khu vực hành chính công ở Trung Quốc khốc liệt hơn trong những năm gần đây. Ảnh: Sixth Tone.

Những người khác cũng chỉ ra xu hướng chọn làm công chức ở giới trẻ Trung Quốc ngày càng tăng. "Cuối cùng thì biên chế vẫn là đích đến", một người dùng bình luận.

Tuy nhiên, một số người lại bày tỏ ủng hộ quyết định của Su Zhen, nhấn mạnh lựa chọn con đường sự nghiệp là quyền của mỗi cá nhân và những nơi như huyện Linh Bi - nơi Su Zhen sẽ công tác - sẽ hưởng lợi khi có những công chức tài năng như vậy.

"Những người có trình độ học vấn cao có thể đóng góp cho địa phương và chia sẻ với các thị trấn lân cận khác. Chẳng phải đó mới là ý nghĩa của giáo dục sao?", một người dùng bình luận.

Su Zhen không phải trường hợp duy nhất tốt nghiệp đại học hàng đầu thế giới nộp đơn vào công chức. Tháng 3/2024, một sinh viên tốt nghiệp Harvard đã nhận công việc tại Phòng Giáo dục huyện Yuhang, tỉnh Chiết Giang. Cơ quan này cũng được cho là đã tuyển dụng một số sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học danh tiếng của Trung Quốc.

Cạnh tranh giành việc làm trong khu vực hành chính công ở Trung Quốc khốc liệt hơn trong những năm gần đây. Năm ngoái, hơn 2,6 triệu người đăng ký tham gia kỳ thi công chức - con số cao nhất từ trước đến nay.

Theo khảo sát của nền tảng tuyển dụng Zhilian Zhaopin, gần một nửa số sinh viên tốt nghiệp năm nay cho biết họ nhắm đến các công việc tại các doanh nghiệp nhà nước; 15% thích làm việc tại các cơ quan chính phủ, trong khi chỉ có 20% mong muốn làm việc cho các công ty tư nhân.

Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?

Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.

Hơn 2 triệu người tranh nhau 'bát cơm sắt' ở Trung Quốc

Chán cảnh học cao học rồi lại cất bằng một xó vì không tìm được việc, người trẻ Trung Quốc tìm đến kỳ thi công chức với mong muốn tìm được công việc ổn định dù lương không cao.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm