Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghịch lý thiếu hàng chục nghìn giáo viên vẫn lo giảm biên chế

Hai Bộ Nội vụ và Giáo dục thống nhất trình Thủ tướng xem xét, bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông trong năm học 2021-2022.

Tình trạng vừa thừa vừa thiếu giáo viên và mức lương cho đội ngũ này quá thấp là những nội dung chính được đề cập trong phiên giải trình của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội ngày 25/2. Phiên giải trình nhằm làm rõ việc thực hiện chính sách pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông.

Báo cáo tại phiên họp, lãnh đạo Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT cho biết đã làm việc và thống nhất trình Thủ tướng xem xét, bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông trong năm học 2021-2022.

Lo thiếu giáo viên trầm trọng

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa, hiện số lượng giáo viên mầm non, phổ thông vừa thừa 10.178 giáo viên, vừa thiếu 94.714 người. Nếu sắp xếp được số giáo viên thừa thì vẫn thiếu khoảng 84.000 giáo viên, trong khi vẫn phải tính giải pháp để tinh giản biên chế theo nghị quyết của Trung ương.

Vua thua,  vua thieu giao vien anh 1

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa. Ảnh: Đại biểu nhân dân.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho rằng biên chế “có giảm, nhưng không tinh”. "Làm thế nào để tinh giản đúng đối tượng và vẫn giữ được đội ngũ giáo viên có phẩm chất, năng lực nhiều hơn? Giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa để tinh giản biên chế hưởng lương Nhà nước sẽ được thực hiện thế nào?", ông Giang đặt vấn đề.

Trong khi đó, đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) băn khoăn khi mức lương giáo viên hiện nay quá thấp. Bà Ánh dẫn báo cáo cho thấy khoảng 50% giáo viên phổ thông có mức thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng, mức lương giáo viên của giáo viên khu vực đồng bằng có thâm niên công tác 30 năm khoảng 9-11 triệu đồng/tháng. Hệ số lương khởi điểm của giáo viên mầm non và tiểu học theo thông tư mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 2,1 nên lương giáo viên mới đi làm chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng.

"Chính sách tiền lương của đội ngũ nhà giáo hiện nay liệu có là động lực để họ yên tâm với nghề, thu hút nhà giáo giỏi? Cử tri ngành giáo dục băn khoăn, liệu lương của nhà giáo có được nâng lên, cải cách tiền lương bao giờ mới được thực hiện?", nữ đại biểu đặt câu hỏi.

Giải trình một số vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng giải quyết tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên liên quan tổng thể chính sách của quốc gia, các bộ ngành và địa phương. Thừa nhận tình trạng thiếu giáo viên ngày càng trầm trọng, ông Sơn cũng nhấn mạnh dù thiếu vẫn phải tinh giản 10% biên chế theo lộ trình đề ra.

Nêu thực tế vài năm mới có một đợt tuyển dụng nhưng vẫn tuyển không đủ, trong khi đó học sinh lại tăng cơ học gần nửa triệu người mỗi năm, ông Sơn cho biết hai Bộ Giáo dục và Nội vụ đã nhất kiến nghị tăng chỉ tiêu tuyển hơn 27.000 giáo viên, song chưa tiến hành các thủ tục.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Đại biểu nhân dân.
Vua thua,  vua thieu giao vien anh 2
Vua thua,  vua thieu giao vien anh 2

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Đại biểu nhân dân.

Bộ trưởng Giáo dục nhấn mạnh cần giải pháp tổng thể và ưu tiên giải pháp cấp bách, nếu không mức độ thiếu giáo viên ngày càng trầm trọng hơn, trong khi nhu cầu ngày càng nhiều và biên chế vẫn phải tinh giản.

Ông Sơn gợi mở cần điều động luân chuyển giữa các trường để tận dụng hơn 10.000 giáo viên thừa một cách hợp lý nhất; đồng thời lưu ý quan tâm vấn đề đẩy mạnh xã hội hóa, tăng tự chủ ở cơ sở giáo dục công lập.

Sẽ đề xuất nâng phụ cấp cho giáo viên

Làm rõ thêm vấn đề về chính sách cho giáo viên, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu quan điểm tinh giản biên chế không cào bằng, cơ học mà tùy tình hình, đặc điểm từng địa phương để đưa ra các con số, giải pháp phù hợp.

Bộ trưởng Nội vụ đề nghị Bộ Giáo dục sớm xây dựng và hoàn thiện chiến lược về giáo dục mầm non, phổ thông, đồng thời rà soát định mức học sinh, giáo viên trên lớp, quán triệt tinh thần phù hợp từng vùng; xã hội hóa, đẩy mạnh tự chủ giáo dục, giảm số người phải lo về lương của giáo viên mầm non.

Vua thua,  vua thieu giao vien anh 3

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Người đứng đầu ngành nội vụ thừa nhận chính sách tiền lương giáo viên còn bất cập và nghị quyết của Trung ương đã mở ra hướng cải cách chính sách tiền lương rất tốt, nhưng do tác động của dịch Covid-19, điều kiện kinh tế - xã hội đất nước khó khăn nên phải lùi thời điểm thực hiện.

Bà Trà cho rằng Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục cần phối hợp, sớm nghiên cứu, đề xuất, giải quyết trước mắt chế độ phụ cấp của giáo viên mầm non phù hợp lộ trình để thang bảng lương giáo viên mầm non không có khoảng cách quá xa so với mức trần lương và phụ cấp theo tinh thần của Nghị quyết 27 của Trung ương.

“Bộ Nội vụ sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ GD-ĐT đề xuất cấp có thẩm quyền để rà soát, xem xét, nghiên cứu đảm bảo nâng phụ cấp đối với giáo viên nói chung, trong đó ưu tiên giáo viên mầm non”, nữ Bộ trưởng cam kết.

Bài liên quan

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm