Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Nghịch lý tại quốc gia không còn thích sinh con trai

Mặc dù bất bình đẳng giới vẫn còn là vấn đề nhức nhối tại Hàn Quốc, đây lại là quốc gia châu Á đầu tiên đưa được tỷ số giới tính khi sinh về mức tự nhiên thành công.

Trong thập niên qua, Hàn Quốc đã thành công duy trì cân bằng tỷ số giới tính khi sinh. Gần đây nhất, dữ liệu do Cơ quan Thống kê Hàn Quốc công bố cho thấy cứ 100 bé gái sẽ có 104,7 bé trai được sinh ra vào năm 2022. Theo Korea Times, điều này là nhờ tâm lý “thích trai hơn gái” tồn tại lâu nay ở Hàn Quốc đang suy giảm.

Xu hướng “ưa con trai” được minh chứng ​​thông qua số lượng con thứ 3 trong các gia đình. Tuy nhiên, vào năm 2022, tỷ lệ con thứ 3 là con trai so với con gái tại Hàn Quốc chạm mức thấp kỷ lục với chỉ 105,4/100. Tỷ lệ này từng đạt tới 209,7/100 vào năm 1993.

Theo Pew Research, tỷ số giới tính tự nhiên khi sinh là 105 bé trai/100 bé gái.

Dẫu vậy, Hàn Quốc vẫn đang đối mặt với tình trạng bất bình đẳng giới. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng Hàn Quốc thứ 102/156 về bình đẳng giới. Nước này cũng có khoảng cách tiền lương theo giới cao nhất trong nhóm OECD suốt 26 năm qua.

“Hàn Quốc là ví dụ cho thấy bất bình đẳng giới có thể cùng tồn tại với tỷ số giới tính tự nhiên”, Monica Das Gupta - giáo sư nghiên cứu, khoa Xã hội học tại Đại học Maryland (Mỹ) - nhận định với Zing.

Một nghiên cứu của bà liên kết mối quan hệ giữa bất bình đẳng giới và tâm lý “thích đẻ con trai” tại quốc gia này. Theo đó, người Hàn Quốc đang thay đổi quan điểm về giới tính con cái trong chăm sóc cha mẹ.

ty le sinh han quoc anh 1

Bà Monica Das Gupta hiện là giáo sư nghiên cứu thuộc khoa Xã hội học tại Đại học Maryland (Mỹ). Bà Gupta là nhà nhân chủng học và nhân khẩu học có các nghiên cứu liên quan đến các khía cạnh khác nhau về dân số, nghèo đói và phát triển. Ảnh: Trend News Agency.

“Trong nền kinh tế ngày nay, mọi người đều tích lũy tiền cho tuổi già, có bảo hiểm y tế quốc gia và các chương trình lương hưu ngày càng được củng cố. Họ cảm thấy con gái hỗ trợ tốt hơn con trai và con dâu, và sự phân hóa giới tính trong thị trường lao động khiến phụ nữ dễ dàng có thời gian chăm sóc cha mẹ già hơn”, bà nêu.

Nam giới Hàn Quốc, cùng với Nhật Bản, làm việc nhiều giờ và có mức độ tham gia “việc không lương” - chủ yếu là việc nhà - thấp nhất trong nhóm các nước OECD.

Mặc dù đã có một số chính sách đối phó với tình trạng này, xu hướng thiên vị giới tính trong trả lương và cơ hội thăng tiến vẫn tồn tại rõ ràng trong xã hội Hàn Quốc. Do đó, con gái thường có thời gian chăm sóc cha mẹ, trong khi con trai được kỳ vọng thành công trong sự nghiệp và làm việc chăm chỉ, theo bà Das Gupta.

“Từ phá bỏ thai nhi nữ đến ưa thích con gái”

Lý giải nguyên nhân dẫn đến nghịch lý tại quốc gia Đông Á này, giáo sư Gupta cho biết sự suy giảm tâm lý ưa thích con trai bắt nguồn từ những chuyển biến sâu rộng về kinh tế và xã hội.

ty le sinh han quoc anh 2

Tỷ lệ bé trai được sinh tương ứng với 100 bé gái. Đồ họa: Korea Times.

Trong nghiên cứu mang tên “‘Không phải ưu tiên mà là yêu thương’: Từ phá bỏ thai nhi nữ đến ưa thích con gái ở Hàn Quốc”, được thực hiện cùng giáo sư Heeran Chung, bà Gupta chỉ ra sự suy giảm tâm lý thích con trai ở Hàn Quốc có liên quan đến sự phát triển nhanh chóng về giáo dục và đô thị hóa.

“Một loạt chính sách công đã được thực hiện góp phần giảm tâm lý ưa thích con trai. Trong đó, hầu hết là chính sách thúc đẩy phát triển, số khác tập trung vào những mục tiêu cụ thể hơn, chẳng hạn thúc đẩy bình đẳng giới hoặc cấm sử dụng công nghệ phát hiện giới tính”, bà viết.

Nghiên cứu dẫn chứng phụ nữ Hàn được tiếp cận giáo dục và chính thức tham gia lực lượng lao động. Từ những năm 1970, các chiến dịch truyền thông đại chúng giảm tâm lý ưa thích con trai được triển khai. Giới chức cũng áp dụng một loạt cải cách pháp lý nhằm cải thiện bình đẳng giới trong gia đình và cộng đồng.

“Tuy nhiên, tác động của các chính sách này tới tâm lý ưa thích con trai khó có thể được đánh giá một cách chính xác, vì chúng hầu như được thực hiện trên toàn quốc”, bà viết.

Trong khi đó, những chuyển biến về kinh tế và phúc lợi xã hội dường như tạo ra khác biệt rõ rệt hơn giữa các khu vực.

“Người lao động ở khu vực thành thị có thể tiết kiệm hưu trí thay vì phụ thuộc vào con trai. Việc thành lập bảo hiểm y tế quốc dân và từng bước mở rộng kế hoạch lương hưu cũng làm xói mòn sự phụ thuộc tài chính của cha mẹ vào con trai khi họ về già”, bà cho hay.

ty le sinh han quoc anh 3

Sự chuyển biến về kinh tế, xã hội khiến tâm lý ưa thích con trai giảm tại Hàn Quốc. Ảnh: AA/picture alliance.

Những chuyển biến sâu rộng về kinh tế và xã hội này đã mang lại sự thay đổi mang tính quy luật, lan truyền nhanh chóng từ thành thị đến nông thôn, từ tầng lớp có trình độ học vấn cao đến thấp nhất.

Bên cạnh đó, bà Gupta nhận định quá trình đô thị hóa nhanh chóng cũng tạo ra môi trường dễ thay đổi hơn, “trong đó trẻ em cả hai giới đều có thể sống gần cha mẹ tùy thuộc vào hoàn cảnh của họ - hoàn toàn khác với khuôn mẫu truyền thống buộc phụ nữ chung sống và phục vụ gia đình chồng”.

“Việc cha mẹ nhận được sự hỗ trợ từ con cái phụ thuộc nhiều hơn vào bản chất mối quan hệ giữa họ, hơn là vấn đề về giới tính”, bà cho hay.

Vị giáo sư Đại học Maryland cũng trích dẫn các nghiên cứu nhân chủng học chỉ ra vào những năm 1990, phụ nữ tự do hơn nhiều trong việc duy trì mối quan hệ với gia đình. Điều này làm giảm khoảng cách giữa giá trị của con gái và con trai đối với cha mẹ.

“Quá trình hiện đại hóa nhanh chóng cũng góp phần xóa bỏ nỗi sợ hãi về sự trừng phạt với những người không (có con trai) nối dõi tông đường và chăm sóc tổ tiên”, bà viết.

Niềm tin này rất mạnh mẽ vào những năm 1980, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Tuy nhiên, không giống người sống ở nông thôn bị ảnh hưởng bởi áp lực tuân theo mong đợi của dòng tộc, cư dân thành thị sống và làm việc trong môi trường khách quan hơn.

Dù thành công trong việc duy trì cân bằng tỷ số giới tính khi sinh, Hàn Quốc vẫn là quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất trong nhiều năm qua.

Dữ liệu được Cơ quan Số liệu Hàn Quốc công bố ngày 22/2 cho thấy cứ 100 phụ nữ Hàn Quốc thì chỉ có 78 trẻ em được sinh ra, giảm so với mức 81 trẻ được ghi nhận vào năm 2021. Bên cạnh đó, số trẻ em được sinh ra trong năm 2022 cũng giảm 4,4%, xuống còn 249.000 trẻ.

Bà Gupta cho rằng đây là điểm khác biệt.

“Ở những xã hội có tâm lý ưa thích con trai, mức sinh thấp sẽ làm tăng nỗ lực loại bỏ con gái trước hoặc sau khi sinh, vì cha mẹ có ít cơ hội sinh con trai hơn. Tuy nhiên, ở Hàn Quốc tâm lý ưa thích con trai (gần như) biến mất. Đó là lý do họ có tỷ số giới tính khi sinh ở mức tự nhiên, mặc dù mức sinh rất thấp”, bà nói.

Khi siết chặt quy định là chưa đủ

Không chỉ là vấn đề từng tồn tại ở Hàn Quốc, tâm lý thích con trai có nguồn gốc xã hội, kinh tế và văn hóa ăn sâu tại nhiều nước Đông và Nam Á khác, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ.

Trong báo cáo năm 2007 của Ngân hàng Thế giới, Hàn Quốc được công nhận là "quốc gia châu Á đầu tiên đảo ngược xu hướng gia tăng tỷ số giới tính khi sinh".

Ngược lại, theo Statista, vào năm 2021, Trung Quốc có tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh cao nhất thế giới, với 110 bé trai/100 bé gái. Với Ấn Độ, con số này là 108 bé trai/100 bé gái.

ty le sinh han quoc anh 4

Hàn Quốc có tỷ số giới tính khi sinh ở mức tự nhiên. Ảnh: Reuters.

Theo East West Center, sự kết hợp giữa tâm lý thích con trai với công nghệ hiện đại đặt ra tình thế tiến thoái lưỡng nan về xã hội, kinh tế và đạo đức cho các nhà hoạch định chính sách.

Mặc dù cả Ấn Độ, Hàn Quốc lẫn Trung Quốc đều ra những quy định nghiêm ngặt cấm sàng lọc giới tính trước khi sinh nhằm bảo vệ trẻ em gái, East West Center nhận định những quy định này rất khó thực thi.

Ngoài ra, luật pháp ở những quốc gia này dường như không có nhiều ảnh hưởng với hành động phá thai lựa chọn giới tính. Một số nhà quan sát tin những quy định hà khắc chỉ khiến các thủ tục xác định giới tính “chui” nở rộ và đắt đỏ hơn.

Đồng quan điểm, bà Gupta cho rằng “không có bằng chứng ở bất kỳ quốc gia nào cho thấy việc cấm công bố giới tính thai nhi (hoặc cấm phá thai nhi nữ) có tác động đến tỷ số giới tính khi sinh”.

Bà dẫn chứng nỗ lực cấm phá thai lựa chọn giới tính mạnh mẽ trong chương trình “Chăm sóc trẻ em gái” ở Trung Quốc đã không thể hạ thấp tỷ số giới tính khi sinh.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng điều quan trọng là chính phủ Trung Quốc và Ấn Độ phải giải quyết thái độ coi trọng nam giới và ưa thích con trai vốn là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tử vong cao ở phụ nữ và phá thai lựa chọn giới tính.

Theo cây bút Carla Power, “nhiều nhà hoạt động cho rằng nạn phá thai nhi nữ gắn liền với xã hội tiêu dùng tại Ấn Độ trong suốt 15 năm qua. Nếu một người có thể đặt mua một chiếc BMW, họ cũng có thể đòi hỏi một đứa con trai”.

Cả chính phủ Trung Quốc và Ấn Độ đang cố gắng thay đổi nhận thức này. Tại Trung Quốc, chính phủ đã thực hiện các chiến dịch truyền thông nhấn mạnh giá trị của con gái, đồng thời tiến hành chương trình quốc gia cung cấp lợi ích giáo dục, y tế và việc làm cho những gia đình có 1-2 con gái và không có con trai.

Tại Ấn Độ, chính phủ nước này cung cấp hỗ trợ cho những phụ nữ vô gia cư nuôi con gái với số tiền gấp đôi những người có con trai.

Những chương trình này trái ngược với Hàn Quốc - nơi có các chính sách tích cực ủng hộ sự thống trị của nam giới, và hiện không cung cấp ưu đãi tài chính hoặc tiến hành chiến dịch truyền thông củng cố vị thế phụ nữ và trẻ em gái.

Điều này cho thấy Trung Quốc và Ấn Độ có thể đạt được tỷ số sinh cân bằng trước khi họ đạt được mức phát triển kinh tế cao như Hàn Quốc hiện tại.

Những cuốn sách để hiểu về Hàn Quốc

Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về Hàn Quốc - một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.

Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Ngoại hình thu hút là chưa đủ với một giảng viên ngôi sao Hàn Quốc

Trả lời Zing, chuyên gia cho rằng sự nổi tiếng của giảng viên ngôi sao tại Hàn Quốc xuất phát từ nhiều yếu tố như ngoại hình, phong cách giảng dạy và sự phổ biến của Internet.

'Cơn đau đầu' chung của Trung - Nhật - Hàn

Chia sẻ với Zing, chuyên gia cho rằng Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đều đang đối mặt với “cơn đau đầu” vì tỷ lệ sinh thấp xuất phát từ nhiều vấn đề chung.

Phương Linh - Hải Linh

Bạn có thể quan tâm