Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tạp chí tri thức trực tuyến

Nghịch lý của hai 'tân binh' V-League 2009

Là tân binh V-League nhưng giữa T&T HN và QK4 đã kịp có một mối lương duyên sâu sắc. Hai đội bóng với 2 hoàn cảnh, 2 mục tiêu, nhưng cùng chung một quyết tâm mãnh liệt.

Nghịch lý của hai ''tân binh'' V-League 2009

Là tân binh V-League nhưng giữa T&T HN và QK4 đã kịp có một mối lương duyên sâu sắc. Hai đội bóng với 2 hoàn cảnh, 2 mục tiêu, nhưng cùng chung một quyết tâm mãnh liệt.

Nhà giàu mơ leo cao

Trong kỳ chuyển nhượng trước thềm V-League, T&T HN nổi lên như là một đại gia tiêu tiền như nước. Gần 10 tỉ đồng đổi lại riêng 1 chữ ký của Công Vinh. Gần 1 tỉ cho Hồng Minh, khoảng gần nửa tỉ cho Minh Đức, Tiến Dũng. Các bản hợp đồng khác thuộc diện "làng nhàng" như Huy Thái, Trọng Hải... cũng tính bằng trăm triệu.

Không ai bất ngờ với sự bạo tay của bầu Hiển. Năm ngoái, khi còn đá hạng Nhất, T&T HN đã chi cả núi tiền phục vụ mục tiêu thăng hạng. Nay mục tiêu ấy đã hoàn thành, họ lại hướng đến một cái đích khác cao hơn: top 3 V-League.

Ai cũng biết leo vào nhóm có huy chương giải đấu chuyên nghiệp chẳng phải chuyện đùa. Thể Công, cũng là một tân binh giải trước, đã chơi gần trọn vẹn cả mùa ở phong độ rất cao nhưng chung cuộc vẫn trôi tận thứ 8. Mà xét về truyền thống thì T&T HN nào sánh được với Thể Công!

Công Vinh (vàng) sẽ là niềm hy vọng đưa T&T HN vào Top 3 V-League

Tuy nhiên, những người T&T HN vẫn rất lạc quan. Họ có những cơ sở để hiện thực hoá tham vọng của ông bầu quen tiêu tiền tấn.

Mặc dù đội bóng của HLV Triệu Quang Hà chỉ thắng sát nút ở trận mở màn cúp QG trước Quảng Ngãi, một trận thắng lộ ra nhiều thứ cần khắc phục, nhưng trong tay họ vẫn còn nhiều vũ khí khác chưa "xài" đến. Nếu thu xếp ổn thoả thủ tục về giấy phép hành nghề cho các cầu thủ ngoại, T&T HN sẽ là một trong những đội có ngoại binh chất lượng nhất tại V-League 2009.

Còn xét về nội binh, rõ ràng lực lượng của T&T HN cũng đáng "đồng tiền bát gạo". Họ có thể không đồng đều như Bình Dương, không ổn định như ĐT.LA, không có chiều sâu như HA.GL với nhiều cầu thủ Thái đã được Việt hoá... Nhưng đại diện bóng đá thủ đô cũng không thiếu cá nhân nổi bật như Công Vinh hay Hồng Sơn, cộng thêm lối đá "năng nhặt chặt bị" mà Quang Hà sẽ vận dụng ngay từ những vòng đấu đầu tiên.

Ở T&T HN bây giờ người ta không nhắc tới từ trụ hạng, điều mà các tân binh bao giờ cũng nghĩ đến trước nhất. Đó có thể là một động thái "liều" và "chảnh", nhưng hợp lý. Cả chục tỉ đồng đổ ra chỉ để trụ hạng thì rõ ràng là không tương xứng. (Thực tế thì T&T HN cũng đã vô địch cả 2 giải giao hữu do họ tổ chức và tại Ninh Bình).

Chỉ có điều, T&T HN cần tránh bước vào vết xe đổ của HP.HN năm vừa rồi. HP.HN cũng mua sắm mạnh tay, cũng dốc hầu bao khiến các đối thủ "hoa mắt", cũng đặt những chỉ tiêu đa dạng, nhưng rốt cuộc chỉ vì yếu khâu quản lý mà phải ngậm ngùi rớt hạng.

Để thoát khỏi cái tiếng "nhà giàu xổi" hay "trọc phú", đối với T&T HN vẫn là một thách thức. Thậm chí thách thức này còn lớn hơn cả việc vượt qua các đại gia V-League trong những trận đấu tay đôi...

Nhà nghèo mơ khỏi ngã

Nếu xét ở khía cạnh áp lực của đồng tiền thì QK4 hầu như... khỏi cần lo lắng. Bởi vì ngay cả khi đã lên chuyên nghiệp, QK4 vẫn cứ là đội bóng nghèo nhất Việt Nam.

Cho dù QK4 không phải "nặng đầu" lo toan khâu tài trợ như người anh em SLNA, nhưng khoản tiền thực tế rót cho các cầu thủ là khá ít ỏi. Riêng chi phí làm lại sân bãi đủ tiêu chuẩn tối thiểu đã tiêu tốn của QK4 một phần lớn quỹ dành cho cả mùa.

Thử làm một phép so sánh nhỏ. Lương tháng của Công Vinh là 40 triệu. Nó đủ để trả lương tháng cho gần hết đội QK4. Và nó thậm chí còn lớn hơn nhiều so với khoản tiền thưởng Tết mà cả đội QK4 được hưởng (mỗi cầu thủ 600.000 đồng).

Mặc dù vậy, ở QK4, như bao đời nay vẫn thế, đồng tiền không đóng vai trò chính trong thành tích. Sở trường của QK4 là tinh thần chiến đấu và tính kỷ luật, thứ không tiền nào mua nổi.

HLV Vũ Quang Bảo xác định: mỗi trận đấu của QK4 là một trận chung kết!

Tết vừa rồi, rất ít HLV làm được như Vũ Quang Bảo. Ấy là giữ quân ăn Tết xa nhà. Cả đội QK4 tập luyện xuyên giao thừa ở Thành Long trong sự ngạc nhiên lẫn khâm phục của nhiều nhà cầm quân khác.

Các cầu thủ QK4 dù rất nhớ nhà nhưng đều tuân thủ giáo án của ông Bảo. Ông tâm sự với lính: "Quân khu ta nghèo, chỉ cho đội bóng đi tập huấn được chuyến này thôi. Giải đã cận kề, nếu các cháu về nhà ăn Tết thì mọi công sức từ đầu đến giờ có khi đổ đi cả".

Để yên lòng quân, lãnh đạo QK4 đã tổ chức chúc Tết, tặng quà các gia đình cầu thủ. Đổi lại, toàn đội tràn đầy khí thế vào trận để khẳng định rằng QK4 nghèo nhưng đầy nghị lực. Sự hy sinh của đội bóng đã bắt đầu có kết quả: đó là chiến thắng 1-0 trước Quảng Ninh ngay trên sân khách ở vòng 1 cúp QG.

Tất nhiên, V-League là một sân chơi khác. Hơn ai hết, ông Bảo hiểu rằng đội bóng của ông là chỗ để tất cả các đối thủ trông vào... kiếm điểm. QK4 không có nhiều tiền để mua ngoại binh hàng "xịn", thậm chí còn bị Ninh Bình "rút ruột" tiền đạo Suleiman.

Nhưng khó khăn là thứ mà QK4 đã quá quen. Họ biết cách vượt khó nhờ ngọn lửa quyết tâm, mỗi trận đấu là một trận... chung kết ngược.

Chỉ có điều, sẽ là phản tác dụng nếu ngọn lửa ấy lại thiêu chính các cầu thủ QK4. Từ năm ngoái đến năm nay, QK4 gặp T&T HN trận nào, dù là chính thức hay giao hữu, cũng đều có thẻ đỏ. Vừa rồi, QK4 thắng Quảng Ninh nhưng cũng không tránh khỏi Sơn Hà bị truất quyền thi đấu.

Lối đá mà người ta hay gán cho QK4 - chém đinh chặt sắt - có thể giúp họ đứng vững trong những trận cầu quyết liệt, nhưng cũng có thể khiến họ không còn lực lượng để đi hết cả chặng đường dài... Đó là thứ mà ông Bảo phải tính toán, nếu muốn tồn tại được ở giải đấu khắc nghiệt này.

Theo Vietnamnet

Theo Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm