Ngày 5/7 tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2017, triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm.
Thông tin tại cuộc họp cho biết thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt 56,5% dự toán, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, có nhiều điểm nghẽn về chính sách tài khóa cần tháo gỡ để hỗ trợ đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% cả năm.
Ba điểm yếu lớn
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhìn nhận nền kinh tế có 3 điểm yếu lớn. Một là, giải ngân đầu tư công quá chậm, đạt chưa đến 30% kế hoạch cả năm. Hai là, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn, trung bình cứ 2 DN mới ra đời thì 1 DN ngừng hoạt động, phá sản. Ba là, các vấn đề căn cơ khác như tái cơ cấu ngân hàng, tái cơ cấu DN nhà nước, nợ công chậm tiến triển.
Nhấn mạnh đến thực trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định đây là yếu kém then chốt cần có giải pháp tháo gỡ.
Tính chung cả vốn chưa giải ngân từ năm ngoái chuyển sang, hiện có đến 300.000 tỷ đồng vốn đầu tư chưa giải ngân được. Đây là vốn mồi, khi đẩy ra nền kinh tế sẽ thu hút thêm 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư của xã hội. Ngân sách huy động được khá, có tiền nhưng lại không tiêu được, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, việc làm, thu nhập của người lao động, đến tăng trưởng kinh tế, ngân sách nhà nước và hiệu quả sử dụng vốn.
Trung bình 2 doanh nghiệp ra đời thì 1 doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản Ảnh: Tấn Thạnh. |
"Trách nhiệm này trước hết thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhưng ngành tài chính cũng phải chia sẻ một phần do phối hợp chưa tốt" - Phó thủ tướng lưu ý.
Ở góc độ địa phương, ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết tiến độ bố trí vốn năm 2017 rất muộn nên khó giải ngân. Đà Nẵng phải chờ đến ngày 28-4 mới được Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định giao vốn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng ách tắc đang nằm ở khâu giao vốn. Nếu đủ hồ sơ, Bộ Tài chính có thể giải ngân vốn ngay trong ngày, không cần đến 3 ngày như quy định vì tiền đang dư. Nút thắt trong thủ tục giải ngân vốn phát sinh từ năm 2016.
Khi đó, Bộ Tài chính đã kiến nghị sửa Luật Xây dựng và Luật Đầu tư công để tháo gỡ nhưng chưa có kết quả. Nay không thể chờ sửa luật mà cần sửa ngay nghị định để tháo gỡ vì giải ngân được, nền kinh tế có 1 triệu tỷ đồng vốn đầu tư, tạo dư địa cho thu ngân sách, tái cơ cấu, giải quyết nợ xấu của ngân hàng thương mại…
Còn nhiều dư địa
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Nguyễn Hữu Quang, nhìn nhận nợ công là vấn đề đang được cả xã hội quan tâm, cần nghiên cứu giải pháp tăng hiệu quả quản lý để bảo đảm trả nợ đúng hạn. Từ năm 2013, khả năng trả nợ đến hạn có vấn đề, Chính phủ phải đảo nợ, lần lượt là hơn 49.000 tỷ đồng, 77.000 tỷ đồng và trên 100.000 tỷ đồng trong các năm 2013, 2014 và 2015. Nợ công do 3 cơ quan quản lý nhưng Bộ Tài chính là đầu mối tổng hợp, tham mưu và báo cáo Chính phủ.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm 2017, không kể số thu từ tiền sử dụng đất, 11 địa phương đạt trên 52% và có 54 địa phương thu ngân sách cao hơn so với cùng kỳ năm 2016.
Tuy nhiên, vẫn còn 18 địa phương thu chưa bảo đảm tiến độ dự toán, 9 địa phương thu đạt thấp so với cùng kỳ, chủ yếu do một số ngành sản xuất công nghiệp có đóng góp số thu lớn cho ngân sách nhưng tăng trưởng thấp, thậm chí giảm so với cùng kỳ năm trước, như khai khoáng, thủy điện, sản xuất, lắp ráp ôtô, sản xuất điện thoại di động, sản xuất, chế biến thực phẩm.
Ông Trần Đình Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết ngân sách địa phương năm nay dự kiến hụt thu khoảng 1.600 tỷ đồng, chủ yếu do giảm thu từ sản xuất ôtô của Trường Hải. Cụ thể, Bộ Tài chính giao chỉ tiêu thu từ sản xuất ôtô 9.600 tỷ đồng nhưng khả năng chỉ thu được 6.700 tỷ đồng, bằng 70% do ảnh hưởng của chính sách cắt giảm thuế. Quảng Nam kiến nghị xem xét giảm thuế nhập khẩu linh kiện ôtô, xem xét mức thuế phù hợp đối với xe bán tải nhập khẩu từ Thái Lan để hỗ trợ ngành công nghiệp ôtô trong nước.
Ngành tài chính đánh giá vẫn còn dư địa để phấn đấu hoàn thành và vượt kế hoạch thu ngân sách 5%-8% thông qua tái cấu trúc thị trường tài chính, quản lý chặt nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế, đôn đốc thu nợ thuế, hỗ trợ khởi nghiệp, đẩy mạnh cổ phần hóa DN nhà nước, thoái vốn đầu tư ngoài ngành…
Nhiều tập đoàn kinh tế nộp thuế giảm
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cho biết 6 tháng đầu năm, số nợ đọng thuế cao hơn so với chỉ thị của Thủ tướng là 5% tổng thu. Ngành thuế đã phê bình, kiểm điểm trách nhiệm một số cục trưởng cục thuế chưa làm tốt công tác đôn đốc thu nợ thuế.
Thu nội địa chưa đạt 50%. Một trong những nguyên nhân quan trọng là các tập đoàn kinh tế có tăng trưởng cao trước đây nay đã giảm như Viettel, MobiFone, Vinataba, BIDV, DN rượu bia nước giải khát... do cạnh tranh gay gắt trên thị trường trong nước và quốc tế, làm ảnh hưởng đến thu ngân sách.