Nghịch lý chuyển nhượng ở Việt Nam
Nếu như ở nước ngoài, giá trị cầu thủ được xác định bằng tiền lương và mức phí để giải phóng hợp đồng, thì ở ta cái thể hiện giá trị cầu thủ chính là tiền mà người ta gọi nôm na là “lót tay”.
>>Phía sau những hợp đồng chuyển nhượng tiền tỷ
ĐTLA đã không thể giữ chân Việt Thắng (Ảnh: Đất Việt) |
Mới đây, trao đổi với báo giới về vấn đề này, ông Võ Quốc Thắng – Chủ tịch CLB ĐTLA cho biết: “Các CLB ở ta vẫn tỏ ra rất thiếu chuyên nghiệp trong việc chuyển nhượng, thay vì liên hệ với CLB chủ quản họ lại tiếp cận các cầu thủ với những lời hứa hợp đồng béo bở, khiến tâm lý các cầu thủ không ổn định… Vì thế giá trị cầu thủ được định một cách không đúng bản chất, chứ thực ra ở Việt Nam bây giờ không có cầu thủ nào có giá trên 2 tỷ cả.”
Ở kỳ chuyển nhượng này, bầu Thắng của ĐTLA đã phải cay đắng nhìn hai cầu thủ trụ cột của mình ra đi dù đều đang còn thời hạn hợp đồng vì không thể giữ nổi “cái đầu” của họ. Việt Thắng được hứa hẹn khoản tiền 6 tỷ/3 năm thi đấu cho Ninh Bình, còn con số mà XMHP sẵn sàng trả cho tiền đạo người Brazil Antonio lên đến gần cả triệu đô.
Tuy nhiên, vấn đề là cả Việt Thắng lẫn Antonio đều chưa kết thúc hợp đồng với ĐTLA. Việt Thắng mãi đến 2/2010 mới đáo hạn, còn Antonio thì còn tới 3 năm hợp đồng nữa và đang được bầu Thắng chuẩn bị làm thủ tục nhập tịch. Khi V-League đang diễn ra, Antonio từng nói thẳng với bầu Thắng rằng có đội bóng sẵn sang bỏ ra 800.000 USD để bồi thường hợp đồng, rồi bày tỏ nguyện vọng ra đi. Thế là mấy trận sau đó cầu thủ này bỏ bê tập luyện và thi đấu khiến bầu Thắng phải “dọa” kỷ luật mới yên. Còn Việt Thắng thì lại “dám” tuyên bố trên báo chí về trường hợp ra đi của mình để rồi những trận đấu còn lại của ĐTLA anh ngồi trên ghế dự bị.
Molina cũng dùng "bài" quậy phá để đường chính tới Bình Dương |
SHB.Đà Nẵng của HLV nổi tiếng kỷ luật “sắt” Lê Huỳnh Đức cũng gặp phải trường hợp tương tự. Mặc dù vừa mới được gia hạn hợp đồng 2 năm nhưng sau khi hàng loạt các CLB nhảy vào tiếp cận, Molina bắt đầu “dở chứng” để được ra đi. Liên tiếp những lần sau đó anh cố tình vi phạm kỷ luật, và cuối cùng vì không chịu nổi cầu thủ này Huỳnh Đức đã phải ra tay “trảm” Molina. Nhưng có lẽ Đức không ngờ rằng chính điều đó đã khiến SHB.Đà Nẵng không nhận được một “cắc” nào từ Bình Dương, còn Molina đủng đỉnh đút túi hơn 100.000 USD tiền lót tay cùng mức lương lên đến 8.000 USD/tháng.
SHB.Đà Nẵng và ĐTLA là những đại gia mà còn phải “méo mặt” thì các đội bóng nghèo như Đồng Tháp, Nam Định, Thanh Hóa, Quân Khu 4… đã phải “uất hận” bao nhiêu lần khi nhìn những cầu thủ của mình cố tình nổi loạn để được ra đi. Tấm gương của những Lazaro, Timothy, Aniekan… vẫn còn hiện hữu.
Mới đây, ở Châu Âu, CLB Chelsea đã lãnh hậu quả nặng nề khi bị FIFA cấm tham gia thị trường chuyển nhượng hai năm vì hành động “đi đêm” để mua một cầu thủ trẻ từ CLB một đội bóng nhỏ. Bản án giành cho đội bóng thành London được xem là lời cảnh tỉnh đối với các đội bóng lớn nhằm bảo vệ các đội bóng nhỏ trước nguy cơ bị "rút ruột". Còn ở Việt Nam khi mà hệ thống luật định vẫn còn nhiều chỗ hở, và khi mà thị trường chuyển nhượng vẫn chưa thực sự đi vào quy củ, bát nháo, thì việc “đi đêm” giữa các CLB và cầu thủ vẫn cứ diễn ra như chuyện thường ngày. Có lẽ, con đường lên chuyên của bóng đá Việt Nam sau 9 năm vẫn còn nhiều gian nan.
Lê Thương
Theo Bưu điện Việt Nam