Ngày 1/12, Quốc lộ 5 Hà Nội - Hải Phòng (đường 5 cũ, dài 107 km) được Bộ Tài chính cho phép tăng gấp đôi mức phí, lên 30.000 - 160.000 đồng mỗi lượt. Và từ tháng 4/2016, mức phí tăng lên 45.000 - 200.000 đồng một lượt, gấp 3 lần mức cũ.
Lý giải mức thu này, lãnh đạo Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) cho hay, việc điều chỉnh phí là phù hợp với lộ trình vì mức được giữ nguyên suốt 10 năm qua.
Ngoài ra, đây là giải pháp nhằm tăng thêm nguồn thu, bảo đảm phương án tài chính cho dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Nếu Vidifi không được tăng phí Quốc lộ 5, phương án tài chính cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có thể bị phá sản.
Tương tự, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 29 km vốn cho chạy miễn phí cũng bắt đầu thu tiền sau khi cải tạo, nâng cấp mặt đường. Mức phí 45.000 - 180.000 đồng tùy loại phương tiện.
Liên danh Cienco1 - Minh Phát - Phương Thành trở thành nhà thầu BOT của dự án này với mức đầu tư giai đoạn 1 là 1.974 tỷ đồng để nâng cấp lên đường cao tốc; và giai đoạn 2 là 4.757 tỷ đồng để mở rộng thành 6 làn xe.
Báo Giao thông Vận tải dẫn lời Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường cho hay, việc thu phí hiện nay là để hoàn vốn giai đoạn 1, nâng cấp lên đường cao tốc và sau này sẽ thu phí giai đoạn 2 để hoàn vốn việc đầu tư mở rộng lên 6 làn xe. Dự kiến, tổng thời gian thu phí tạm tính là hơn 17 năm.
Dù tăng phí, mặt Quốc lộ 5 vẫn khá nham nhở, vật liệu ngổn ngang, nhiều đoạn lòng đường bị rào chắn phục vụ thi công. Ảnh: Hoàn Nguyễn. |
‘Ép’ doanh nghiệp đi cao tốc Hà Nội - Hải Phòng?
Cũng ngày 1/12, Bộ Giao thông Vận tải thông báo, sau khi thông xe cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đến ngày 25/2/2016 (thời điểm dự kiến nâng cấp xong Quốc lộ 5), xe tải trên 15 tấn từ cảng Đình Vũ đi theo đường đường cao tốc mới, không đi vào đường cũ.
Quyết định này vấp phải phản ứng. Ông Đoàn Thanh Hải, Giám đốc một công ty vận tải cho hay, việc ép doanh nghiệp đi cao tốc mới là chưa bám sát thực tế.
"Công ty hiện có 2 kho rộng hơn 12.000 m2 trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, với lượng hàng gửi lên tới 20.000 tấn. Nếu không cho xe vào đường cũ lấy và trả hàng thì doanh nghiệp sẽ bị chủ hàng phạt hợp đồng, mất đối tác, không thu hồi được công nợ", ông Hải chia sẻ.
Rồi ông nói thêm, trước đây mỗi xe đầu kéo đi và về trên Quốc lộ 5 mất 320.000 đồng, nhưng từ ngày 1/12 khoản phí này tăng gấp đôi. Trong khi đó, hàng tháng, doanh nghiệp của ông đã phải chi hơn 130 triệu đồng phí bảo trì đường bộ cho 100 xe đầu kéo.
Cùng chung nỗi lo, ông Nguyễn Minh Châu, Giám đốc Công ty Lê Chân cho hay, công ty có 50 xe đầu kéo, 6.000 m2 kho chứa nông sản và xưởng sửa chữa trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Khoản phí cho mỗi lượt đi về của xe container loại 40 feet trên cao tốc mới là 1.680.000 đồng.
“Mức giá này quá 'chát' trong khi chúng tôi không thể tăng giá cước vì chủ hàng không chấp thuận. Tháng 4/2016 tiếp tục tăng phí trên Quốc lộ 5. Đây thực sự là gánh nặng đè lên vai doanh nghiệp”, ông Châu bức xúc nói.
Lớp nhựa đường mới trải trên quốc lộ 5 mỏng, thi công dang dở. Ảnh: Hoàn Nguyễn. |
Đường chất lượng kém vẫn thu phí
Trên diễn đàn Otofun, thành viên tankist thẳng thắn cho rằng, Pháp Vân - Cầu Giẽ và Quốc lộ 5 là 2 trạm thu phí vô lý - thu phí tuyến đường để lấy kinh phí làm đường khác.
Theo thành viên này, tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ chưa đáng được thu phí do chất lượng thi công còn kém, có rất nhiều điểm đọng nước.
Còn thành viên khác lập luận, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ chưa mở rộng, mới xong giai đoạn 1, nâng cấp mặt đường mà đã dựng ngay trạm thu phí là điều khó chấp nhận.
"Mỗi lần về quê Ninh Bình nghĩ đến chuyện phí lại chả muốn về nữa, phí đường bộ 2 chiều 230.000 đồng, gần bằng tiền xăng 2 chiều. Tính ra 2.500 đồng/km, hơn cả tiền xăng xe", một tài xế than thở.
Trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đơn vị thi công để nhựa đường vãi khắp nơi, nhiều đoạn đọng nước sau khi mưa. Ảnh: Hoàn Nguyễn. |
Còn anh Thành Công (34 tuổi, Từ Liêm, Hà Nội) bức xúc: "Đường được thảm lại trên nền cũ, đầu tư không cao nhưng lại thu 45.000 đồng cho 28 km. Trong khi, gần 60 km cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được xây mới cũng chỉ thu 75.000 đồng?"
Nhà xe Văn Chương chạy tuyến Hương Sơn (Hà Tĩnh) - Hà Nội phản ánh, trên Quốc lộ 1 có nhiều trạm thu phí với giá đắt đỏ nhưng mặt đường và hệ thông biển báo giao thông không xứng đáng với lệ phí.
“Nhiều đoạn đường qua tồi tệ, như qua địa phận tỉnh Nghệ An đã bị sụt lún rạn nứt, đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ mưa thì ngập, đường vẫn đang thi công đã thu phí. Đi cao tốc mà hành khách kêu trời luôn. Đồng tiền dân bỏ ra trả phí cao thì phải được đi trên đường tương đương với giá trị chứ?”, ông Nguyễn Văn Lam - Chủ nhà xe Văn Chương bức xúc.