Trong bài phân tích trên tờ Fourfourtwo, chuyên gia nghiên cứu bóng đá châu John Duerden tin rằng đang có một nghịch lý tồn tại trong cách phân chia suất dự AFC Champions League, theo đó, những đội bóng đến từ vùng trũng như Việt Nam hay Thái Lan vô tình phải chịu một sự đàn áp vì những điều luật cố hữu.
Theo thời gian, điều này tạo ra một sự mất cân bằng nếu không muốn nói là đầy bất công.
Chiếc vòng kim cô của bóng đá ĐNÁ
Không có nhiều cơ hội cho Muangthong xuất hiện ở AFC Champions League. |
Hai tiếng trước giờ bóng lăn trận đấu giữa Muangthong United (Thái Lan) và Johor Darul Ta'zim (Malaysia), một không khí cuồng nhiệt do các cổ động viên chủ nhà tạo ra ở ngoại ô phía Bắc thủ đô Bangkok (Thái Lan). Khi trận đấu diễn ra, người ta nhìn thấy lượng fan hùng hậu trong trang phục truyền thống của Muangthong nhuộm đỏ Yamaha Ultras Stand.
Không chịu kém cạnh CĐV chủ nhà, người hâm mộ JDT cũng cho thấy tình cảm bất diệt với đội bóng con cưng. Họ cổ vũ liên tục suốt 120 phút đầy kịch tính, căng thẳng và xuất hiện nhiều pha bóng đẹp. Đáng nói, đây mới là trận đấu thuộc vòng "gửi xe" ở AFC Champions League, nhưng không khí đã náo nhiệt không khác nào một trận chung kết.
Nghịch lý cũng xuất hiện khi hai đội bóng lớn của ĐNÁ phải loại nhau từ vòng loại. Rồi cả khi Muangthong vào đến vòng play-off nhờ đánh bại Johor Darul Ta'zim với tỷ số 3-0 trên chấm luân lưu 11 mét, khả năng đi tiếp vẫn chưa có gì sáng sủa. Vào 9/2, họ phải chạm trán Shanghai SIPG hùng mạnh do HLV nổi tiếng Sven-Göran Eriksson dẫn dắt.
Vẫn còn thử thách lớn trước mắt đội bóng Thái Lan. |
Với JDT, họ có quyền trách khứ số phận vì để thua sau loạt sút phạt đền cân não, nhưng người thắng cuộc cũng chưa thể nở nụ cười sớm bởi tham vọng của Muangthong có thể bị Shanghai SIPG đặt dấu chấm hết. Chiếu sang mặt bằng chung của bóng đá châu Á, không có JDT hay Muangthong sẽ trở thành thiếu sót rất đáng tiếc bởi các trận đấu mất đi những đêm đầy cảm xúc, hào hứng, và cả tính bất ngờ...
Lúc này, cách phân chia suất dự AFC Champions League của ban tổ chức trở thành nguyên nhân khiến bóng đá ĐNÁ vướng chiếc vòng kim cô. Tại châu Âu, Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) chọn đội dự Champions League dựa vào kết quả, còn LĐBĐ châu Á (AFC) lại dựa vào những gì ngoài đường biên khi một CLB phải thỏa mãn ba tiêu chí do AFC đưa ra.
Một là, thứ hạng quốc gia là thành viên AFC. Hai là, tiêu chí dự AFC Champions League và giấy phép của các CLB trong việc đảm bảo đủ những điều kiện tham dự sân chơi danh giá nhất châu lục. Nói nôm na, những đội thuộc các giải đấu nhà giàu theo quan điểm của AFC sẽ có nhiều cơ hội hơn các đối thủ thuộc những quốc gia khác.
AFC Champions League được ưu tiên riêng cho những đội bóng của Nhật, Hàn Quốc, và Trung Đông. |
Dù đang có thay đổi mang tính mở rộng các đội dự AFC Champions League trong thời gian qua, song, bấy nhiêu không ảnh hưởng đáng kể đến cơ hội dự giải của các đại diện ĐNÁ. Thống kê cho thấy có 17 quốc gia sở hữu những đại diện góp mặt ở AFC Champions League, tuy nhiên, con số thực tế chỉ có 11 gương mặt sở hữu các đội bóng xuất hiện ở vòng bảng.
Trong bối cảnh 16 đội dự AFC Champions League thuộc về nhóm các quốc gia ở Trung Đông, điều này đồng nghĩa chỉ còn 10 suất chia cho Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Australia. Như vậy, cơ hội cho các đại diện ĐNÁ không còn nhiều, bất chấp việc ban tổ chức đã tạo ra những vòng play-off.
Kỳ thực, rất khó để chứng kiến các đại diện hùng mạnh của châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc hay Australia cùng thất bại ở vòng play-off.
Tương lai nào cho bóng đá ĐNÁ?
Theo John Duerden, bóng đá ĐNÁ đang phát triển rất mạnh mẽ. Họ cũng sở hữu thế hệ CĐV cuồng nhiệt. Ngoài ra, các kênh truyền hình cũng thường xuyên trực tiếp các trận đấu thuộc AFC Champions League để phục vụ thị hiếu khán giả. Dù vậy, người yêu bóng đá tại đây thường xuyên phải theo dõi các đội bóng nước ngoài nhiều hơn đại diện đến từ nước mình.
AFC cần những thay đổi để bóng đá ĐNÁ được dịp phát triển ở sân chơi này. |
Tại Hàn Quốc, làng bóng đá nước này gặt hái được thành công bậc nhất ở châu Á khi chinh phục nhiều danh hiệu cao quý. Tuy nhiên, NHM lại không quan tâm đến giải K.League nhiều như mong đợi. Các trận đấu còn không được chiếu trên truyền hình thường xuyên và chỉ có may mắn mỉm cười thì người xem mới được theo dõi giải K.League diễn ra trùng vào mùa bóng rổ.
Ngoài ra, dư luận cũng không hào hứng với giải quốc nội lẫn AFC Champions League, theo đó, chỉ tới lúc đại diện của họ tiến sâu thì sự chú ý mới bắt đầu lan tỏa. Điều tương tự diễn ra ở Nhật Bản. Rất nhiều lần, người ta nhìn thấy những hàng ghế trống ở các khán đài khi mùa giải bắt đầu.
Dù vậy, sẽ là mất mát rất lớn nếu AFC Champions League giảm bớt suất của Nhật Bản và Hàn Quốc để trao cơ hội cho các đội bóng khác, tuy nhiên, cần có một sự công bằng được tạo ra theo thời gian. Bóng đá vốn chứa đựng rất nhiều điều bất ngờ, vì vậy, người ta không thể cứ làm theo một quy luật cố hữu để rồi giết chết hy vọng cho những điều mới lạ.
Có thể trình độ và đẳng cấp các đội bóng thuộc ĐNÁ còn chưa bằng khu vực Trung Đông hay Đông Á, song, sự tiến bộ của Buriram United (Thái Lan), Muangthong hay Becamex Bình Dương là rất đáng ghi nhận. Việc góp mặt ở AFC Champions League thường xuyên sẽ giúp họ tích lũy kinh nghiệm để từ đó có thêm sự tự tin lẫn quyết tâm tạo ra những cơn địa chấn ở sân chơi tầm châu lục.
Lúc này, AFC phải chăng đang cần một sự thay đổi để mở ra cơ hội nhiều hơn ở AFC Champions League cho bóng đá ĐNÁ?