2020 là năm bắt đầu một thập kỷ mới, nhưng cũng là năm khó khăn với toàn thế giới. Vì đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới chịu nhiều ảnh hưởng, đời sống người dân khó khăn và rất nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa.
Đi ngược với những nền kinh tế khác của thế giới, ngành công nghiệp không khói - tức ngành công nghiệp xuất khẩu văn hóa, âm nhạc - của Hàn Quốc vẫn phát triển mạnh mẽ và mang về lợi nhuận không tưởng. SCMP gọi tình cảnh trên là "nghịch lý Kpop".
Giải pháp khi không thể lưu diễn toàn cầu
Bắt đầu từ tháng 3, hàng loạt tour diễn ở Hàn Quốc và quốc tế của các nhóm nhạc phải hủy bỏ vì tốc độ lây lan của dịch Covid-19, có thể đến như các đêm nhạc của BTS, concert đầu tay của The Boyz, buổi trình diễn riêng ở Mỹ của Everglow, loạt chương trình trao giải âm nhạc... Ngành công nghiệp âm nhạc gần như đóng băng, các công ty giải trí cũng lao đao.
Tuy nhiên, sau đó, BTS là một trong những nghệ sĩ tiên phong trong việc chuyển hướng sang tổ chức hòa nhạc trực tuyến. Đêm nhạc trực tuyến đầu tiên của BTS thành công ngoài sức mong đợi, thu hút hơn 750.000 tài khoản trên toàn cầu theo dõi, đã mở ra cánh cửa mới của ngành công nghiệp Kpop. Không lâu sau đó, nhóm nhạc 7 thành viên tiếp tục gây chú ý khi thu hút 993.000 người xem buổi hòa nhạc trên nền tảng phát trực tuyến của Mỹ có tên Kiswe.
BTS là cái tên tiên phong trong việc chuyển sang tổ chức concert trực tuyến. |
Thực tế, trước đây, một số buổi diễn của nghệ sĩ Kpop cũng phát trực tiếp trên mạng nhưng chất lượng hình ảnh không cao vì chỉ được truyền đi dưới dạng sóng livestream. Ngoài ra, dù phát trực tiếp, các công ty giải trí chưa bao giờ đặt nặng lượng người theo dõi trên mạng mà chú trọng vào số khán giả mua vé để có mặt trực tiếp tại địa điểm tổ chức hơn.
Với mục đích phát triển hệ thống concert trực tuyến, nhiều ứng dụng phát trực tiếp và hệ thống sân khấu thiên về hình ảnh đồ họa đã ra đời. Thậm chí, hai "ông lớn" SM và JYP còn bắt tay thành lập Beyond LIVE Corporation (BLC) – công ty đầu tiên ở Hàn Quốc chịu trách nhiệm toàn bộ quy trình trong một buổi hòa nhạc trực tuyến.
Học tập theo mô hình trên, trong suốt năm 2020, hàng chục nhóm nhạc, nghệ sĩ solo đã tổ chức concert phát sóng trực tuyến qua các nền tảng mạng. Không chỉ gói gọn trong phạm vi Kpop, các nhóm nhạc thần tượng còn góp mặt trong các sự kiện âm nhạc toàn cầu, chẳng hạn BTS tham gia Dear Class of 2020 hay SuperM biểu diễn tại buổi hòa nhạc Global Citizen One World: Together at Home.
Thậm chí, các sự kiện trò chuyện, ký tặng người hâm mộ - một "đặc sản" của Kpop luôn xuất hiện vào thời kỳ nghệ sĩ quảng bá album mới - cũng được chuyển sang hình thức trực tuyến. Thay vì trực tiếp ký tặng, các nghệ sĩ Kpop sẽ gọi video call cho fan may mắn và trò chuyện riêng trong khoảng thời gian nhất định.
Các sự kiện âm nhạc quy mô lớn, quy tụ hàng chục nghệ sĩ cũng được tổ chức đều đặn mỗi tháng để giúp người hâm mộ tận hưởng âm nhạc và giao lưu cùng thần tượng.
Cách làm trên của nghệ sĩ Kpop đã làm thay đổi ngành công nghệp âm nhạc Hàn Quốc nói riêng và thế giới nói chung. Nối tiếp sau thần tượng Hàn Quốc, các nghệ sĩ quốc tế cũng tổ chức buổi hòa nhạc qua mạng Internet, gần nhất của thể kể đến show Studio 2054 của Dua Lipa.
Hàng chục nghệ sĩ Hàn Quốc chuyển sang tổ chức concert trực tuyến trong năm 2020. |
Tất nhiên, các buổi hòa nhạc trên đều mang về lợi nhuận cho nghệ sĩ và đơn vị tổ chức. Người hâm mộ vẫn phải bỏ tiền mua quyền truy cập vào hệ thống của nền tảng trực tuyến để theo dõi thần tượng.
Tất nhiên số tiền này nhỏ hơn khoản họ phải bỏ ra nếu đến tham dự đêm nhạc thực tế, thường chỉ bằng 1/3 hoặc một nửa giá vé đêm nhạc offline. Do giá vé rẻ hơn, càng có nhiều khán giả tham gia vào các đêm nhạc trực tuyến, mang lại nguồn lợi nhuận hàng triệu, thậm chí chục triệu USD cho đơn vị tổ chức.
Bùng nổ doanh số đĩa cứng
Ngoài mua quyền truy cập từ các nền tảng phát sóng, người hâm mộ còn có một cách khác để giao lưu trực tuyến với thần tượng. Đó là mua album nhạc (đĩa cứng) để giành được quyền tham dự bốc thăm, ai may mắn sẽ được thần tượng gọi video call tới trò chuyện.
Thêm vào đó, một số ý kiến cho rằng việc các quốc gia đóng cửa và hạn chế tụ tập đông người khiến người hâm mộ rơi vào tình trạng "không có chỗ tiêu tiền", bởi những năm trước đó rất nhiều fan Kpop thường dành một khoản tiền không nhỏ để di chuyển tới các quốc gia, địa phương khác xem concert của thần tượng.
Vì vậy, người hâm mộ có xu hướng tiêu khoản tiền trên vào việc mua album.
NCT, BlackPink, TWICE, Seventeen... gia nhập hàng ngũ nhóm nhạc triệu bản trong mùa dịch. |
Và rõ ràng, doanh số bán album của các nhóm nhạc Kpop cũng tăng vọt sau một năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đầu tháng 12, Hiệp hội Nội dung Âm nhạc Hàn Quốc đã công bố tổng doanh số đĩa nhạc của năm 2020 là 40,2 triệu bản, tăng 64% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài BTS, có thêm 7 nhóm bán được trên một triệu album trong năm qua, gồm Seventeen, NCT, BlackPink, NCT, IZ*ONE, TWICE và Baek Hyun (EXO).
Một báo cáo của Cục Hải quan Hàn Quốc cho thấy tổng số tiền thu được từ việc bán đĩa nhạc Kpop ra nước ngoài (chỉ tính đến đầu tháng 11) đã tăng 72% so với cùng kỳ năm 2019. Theo SCMP, tính đến cuối tháng 12 - tức chỉ một tháng sau đó, doanh thu từ việc bán đĩa Kpop ra nước ngoài đã tăng từ 70 triệu USD (năm 2019) lên 123 triệu USD (năm 2020), tỷ lệ tăng tới 94,4%.
Những thành tích trên cho thấy ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trái lại càng phát triển mạnh mẽ hơn.
Thời điểm cuối năm 2020, ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc một lần nữa rơi vào hỗn loạn khi nhiều thần tượng xác nhận mắc Covid-19, dẫn đến nhiều buổi lễ trao giải phải hủy bỏ, các công ty giải trí và nghệ sĩ phải hủy bỏ lịch trình để cách ly.
Tuy nhiên, công bằng mà nói, điều này không quá đáng lo ngại. Bởi dù có xáo trộn, guồng quay công nghiệp của Kpop vẫn xoay đều theo cách riêng và mang lại doanh thu tăng vượt trội, bất chấp ngành giải trí thế giới đang nghiêng ngả vì Covid-19.
Ngành công nghiệp Kpop phát triển vượt trội trong thời điểm kinh tế thế giới lao đao vì Covid-19. |