Joel Bautista qua đời ở thủ đô Lima hồi đầu tháng 5 vì bệnh tim. Gia đình Bautista khi đó liên hệ 4 nghĩa trang để tìm chỗ cho người đã khuất, nhưng không có kết quả.
Sau 4 ngày tuyệt vọng, họ quyết định chôn ông Bautista dưới một cái hố đào ngay trong vườn.
Bi kịch của gia đình Bautista cũng là câu chuyện của nhiều gia đình khác trên khắp Peru. Trong bối cảnh đất nước oằn mình chống đỡ đại dịch Covid-19, Peru giờ đây đối mặt thêm một cuộc khủng hoảng, đó là các nghĩa trang không còn chỗ trống.
Hôm 31/5, chính phủ Peru công bố con số điều chỉnh về bệnh nhân Covid-19 tử vong. Theo đó, nước này có hơn 180.000 người chết vì virus corona.
Kết cục này là điều các chuyên gia đã lường trước. Sau lần điều chỉnh số liệu, Peru nay trở thành nước có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 trên đầu người cao hơn bất kỳ quốc gia nào, với 5.484 người chết trên một triệu người cư trú, theo AFP.
Sự yếu kém của hệ thống y tế, phản ứng sai lầm của nhà chức trách, cùng thói quen sinh hoạt của người dân Peru là những tác nhân khiến quốc gia Nam Mỹ rơi vào thảm cảnh.
Nghĩa trang San Juan Bautista ở thành phố Iquitos, Peru. Ảnh: AP. |
Hệ thống y tế sụp đổ
Với mỗi 100.000 dân, Peru lại có khoảng 500 người chết vì Covid-19. Tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở Peru cao gấp đôi so với Mỹ, mà nguyên nhân đầu tiên đến từ hệ thống chăm sóc y tế yếu kém.
"Trong suốt nhiều thập kỷ, hệ thống y tế của chúng ta thiếu sự đầu tư, các đơn vị sơ cứu yếu kém, còn bệnh viện thì lạc hậu. Khi dịch bệnh ập đến, các chuyên gia y tế chỉ nhận được đồng lương bèo bọt, các bệnh viện thiếu giường chăm sóc tích cực", cựu Bộ trưởng Y tế Peru Patricia Garcia nói, theo BBC.
Chi tiêu cho y tế của Peru vào năm 2000 chiếm 4,5% tổng sản phẩm quốc nội. Hiện nay, con số này tăng lên 5%. Thế nhưng, chi ngân sách được đánh giá là không đủ để bù đắp cho gánh nặng chăm sóc y tế, như điều trị bệnh béo phì, vốn đã đặt hệ thống chăm sóc sức khỏe dưới gánh nặng.
Peru có 1.656 giường chăm sóc tích cực cho tổng cộng 33 triệu dân. Làm một phép so sánh, quốc gia láng giềng Colombia có đến 1.800 giường chăm sóc tích cực ở thủ đô Bogota - đô thị với chỉ 8 triệu dân. Mà ngay cả Colombia lúc này cũng đang chật vật đối phó với Covid-19.
"Khi tạo ra thêm những áp lực mới cho hệ thống chăm sóc y tế vốn đang trên bờ vực sụp đổ, hệ thống đó chắc chắn sẽ sụp đổ", chuyên gia dịch tễ học Mateo Prochazka nói.
Ông Prochazka cho biết thách thức lớn nhất Peru đối mặt lúc này là không có đủ giường bệnh tại các cơ sở y tế.
Hệ thống chăm sóc y tế của Peru sụp đổ vì Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Đại dịch Covid-19 đã đẩy toàn bộ hệ thống y tế ở Peru tới giới hạn. Rất nhiều ca tử vong ở Peru dường như thuộc về những người chết vì những căn bệnh khác không phải Covid-19, nhưng họ không được điều trị bởi hệ thống y tế đã sụp đổ.
Chủ tịch Liên minh Y tế Peru, ông Godofredo Talavera, cho biết tỷ lệ tử vong tăng đột biến sau điều chỉnh thống kê không phải điều quá bất ngờ.
"Chúng tôi tin điều này xảy ra bởi hệ thống y tế không có trang thiết bị cần thiết để chăm sóc bệnh nhân. Chính phủ không hỗ trợ dưỡng khí hay giường chăm sóc tích cực. Chúng tôi lúc này không có đủ vaccine. Lớp phòng vệ đầu tiên không được kích hoạt", ông Talavera nói.
Thiếu mọi nguồn lực
Tương tự nhiều quốc gia Nam Mỹ, Peru có đầy đủ các đặc điểm khiến mọi nỗ lực phòng chống đại dịch đều trở thành vấn đề phức tạp, đó là điều kiện địa lý và dân cư đa dạng, đói nghèo trầm trọng, nhà ở chật chội, nhiều thế hệ chung sống, cũng như thiếu cơ sở vật chất xét nghiệm.
Có điều, những đặc điểm trên ở Peru thậm chí tồi tệ hơn các nước láng giềng khác.
Tại Peru, khoảng 75% lực lượng lao động có việc làm không ổn định, làm việc theo thỏa thuận ngắn hạn.
Điều này đồng nghĩa người lao động phải đánh liều ra bên ngoài kiếm việc, hoặc sẽ chết đói trong thời gian phong tỏa. Đa phần người dân đặt cược với sức khỏe vì miếng ăn.
Theo truyền thống, người dân Peru đi chợ hoặc siêu thị mỗi ngày. Trong thời đại dịch, phong tục này vẫn không thay đổi. Và ngay cả dù muốn, đến 40% hộ gia đình Peru không thể tích trữ đồ ăn bởi họ không có tủ lạnh.
Hệ quả tất yếu là các khu chợ và siêu thị trở thành nơi trung gian truyền bệnh lớn. 86% người ở các khu chợ tại thủ đô Lima xét nghiệm dương tính với virus trong làn sóng dịch bệnh đầu tiên giữa năm ngoái.
Các bệnh viện ở Peru đang rơi vào cảnh thiếu dưỡng khí. Ảnh: Reuters. |
Nhà chức trách Peru nhận ra vấn đề nhưng không thể đóng cửa các khu chợ bởi nhu cầu cung cấp thực phẩm cho người dân.
Chính phủ Peru bị chỉ trích vì đã không làm theo khuyến nghị của các nhà khoa học. Khi dịch bệnh mới bùng phát, Peru cũng truy vết các ca lây nhiễm và cách ly người tiếp xúc gần.
Nhưng trước khi có thể kiểm soát hoàn toàn tình hình, nước này đã từ bỏ truy vết.
Các chuyên gia cũng cho biết Peru gặp vấn đề với hệ thống xét nghiệm. Nước này phụ thuộc chủ yếu vào xét nghiệm máu, thay vì tiến hành xét nghiệm PCR diện rộng - loại xét nghiệm đáng tin cậy nhất.
Trong những ngày đầu dịch bệnh bùng phát, Peru mua hàng triệu thiết bị xét nghiệm giá rẻ của Trung Quốc, hoạt động theo cơ chế xác định kháng thể chứ không phải nhận diện ca dương tính, AP đưa tin.
Không ít thiết bị xét nghiệm như thế đã được chứng minh không đạt tiêu chuẩn, và cho ra kết quả không đáng tin cậy.
Chính phủ Peru mở hầu bao chi 12% GDP để hỗ trợ cho các cá nhân và doanh nghiệp chịu thiệt hại bởi phong tỏa. Khoản hỗ trợ này giúp nhiều người có thể ở trong nhà, giúp ngăn dịch bệnh lan rộng.
Nhưng dù chính phủ hào phóng, điều kiện cơ sở hạ tầng lại không cho phép chính sách này phát huy hiệu quả tối đa.
38% người trưởng thành Peru không có tài khoản ngân hàng, khiến các khoản hỗ trợ không thể đến tay họ kịp thời.
Nhiều người phải xếp hàng ở các ngân hàng để rút tiền trợ cấp, tạo ra thêm một nguồn lây virus có nguy cơ cao.
Một trong những yếu tố khiến Peru thất bại trong kiềm chế dịch bệnh là chính phủ "không thể mang những thông điệp đơn giản nhất tới công chúng", Camille Webb, chuyên gia bệnh truyền nhiễm từ Viện Y khoa nhiệt đới Humboldt, nhận xét.
Tới nay, Peru vẫn chưa có các chiến dịch trên vô tuyến để khuyến cáo người dân giãn cách xã hội cũng như tuân thủ các biện pháp vệ sinh khác.
Nghĩa trang không còn chỗ chôn
Cuộc khủng hoảng nghĩa trang hết chỗ chôn ảnh hưởng tới toàn dân, không chỉ riêng người thân của bệnh nhân tử vong vì Covid-19. Nhiều gia đình không còn lựa chọn nào khác ngoài tự đào những huyệt mộ xung quanh các khu nghĩa trang.
Ngay cả khi tìm được chỗ trống trong nghĩa trang, việc chôn cất cũng là một gánh nặng tài chính không nhỏ, đặc biệt với các gia đình đã bần cùng vì Covid-19.
Chi phí chôn cất trong nghĩa trang ở ngoại ô thủ đô Lima lên đến 1.200 USD, cao gầp 5 lần lương tháng tối thiểu 244 USD.
Các nghĩa trang ở Peru đang đối mặt cuộc khủng hoảng thiếu chỗ chôn người chết. Ảnh: Reuters. |
Victor Coba, người đàn ông 72 tuổi sống ở Lima, đã tự đào huyệt mộ cho bản thân, vợ và 4 người họ hàng khác dưới chân một ngọn đồi trọc tại phía bắc thành phố.
Ông quyết định làm vậy sau khi theo dõi bản tin và biết hàng chục hàng xóm đã qua đời vì Covid-19.
"Khi mà người thân không tìm được nơi an nghỉ cho họ, cũng không có tiền để chôn cất đàng hoàng, tâm lý lo sợ là điều dễ hiểu", ông Coba nói.