Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghi vấn nguồn phóng xạ thất lạc bị chôn sâu trong bãi rác

Người quản lý một bãi chôn lấp chất thải rắn công nghiệp đã nhìn thấy khối kim loại giống nguồn phóng xạ bị mất. Anh này báo công an và sau đó chôn vật lạ vào bãi rác.

Chiều 7/4, đại diện Sở khoa học Công nghệ, Công an huyện Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu) cùng đoàn chuyên gia Bộ KH-CN tiến hành xác minh, tìm nguồn phóng xạ bị chôn lấp tại một bãi xử lý chất thải rắn. 

Trước đó,  sáng cùng ngày, anh Trần Văn Toàn gọi đến Sở Khoa học công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu thông báo nguồn phóng xạ bị chôn lấp tại bãi rác. Anh Toàn là người quản lý bãi chôn lấp chất thải rắn công nghiệp, thuộc Công ty TNHH Kbec Vina (huyện Tân Thành).

Anh Trần Văn Toàn, báo ngành chức năng nhưng sau đó chôn vật thể nghi có nguồn phóng xạ Co-60. Ảnh: Ngọc An

Theo anh Toàn, 6 tháng trước, anh và một số công nhân làm việc trong bãi rác phát hiện trụ kim loại bọc thép trắng. Trên vỏ trụ kim loại có nhãn hiệu cảnh báo nguy hiểm màu vàng và các dòng chữ nước ngoài. 

"Lúc phát hiện vật lạ, chúng tôi nghi ngờ là kíp nổ của đạn pháo nên đã trình báo lên Công an xã Tóc Tiên. Công an tiến hành kiểm tra và xác định vật trên không chứa chất nổ nên bàn giao lại cho bãi rác xử lý. Thấy nhãn hiệu cảnh báo nguy hiểm, chúng tôi đã chôn xuống bãi rác ở độ sâu 3-4m", anh Toàn cho biết. 

Nhận được tin báo, đoàn chuyên gia Bộ KHCN và ngành chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có mặt, sử dụng thiết bị dò sóng phóng xạ để tìm. Tuy nhiên, do bị chôn lấp quá sâu nên thiết bị dò tìm không phát huy hiệu quả. Một chuyên gia thuộc Bộ KHCN cho biết, thiết bị tìm kiếm chỉ có hiệu lực trong bán kính 2 m. Do vậy, ngành chức năng đang làm việc với đơn vị quản lý bãi rác để "khai quật" thêm. 

Vật thể nghi nguồn phóng xạ Co-60 bị chôn vùi tại Bãi chôn lấp chất thải rắn công nghiệp, thuộc Công ty TNHH Kbec Vina. Ảnh: Ngọc An

Ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng An toàn Bức xạ và Hạt nhân của Bộ KHCN cho hay, thiết bị phóng xạ Co-60 của công ty thép Pomina 3 thất lạc có cấu tạo vỏ bọc bằng chì. "Vì khối lượng chì của nguồn phóng xạ lên đến gần chục kg nên khả năng người nhặt được sẽ phá bỏ để lấy chì. Do vậy, các mũi tìm kiếm hiện đang ưu tiên vào những nhà máy xử lý, nấu chì trên địa bàn huyện Tân Thành và không loại trừ ở Đồng Nai, Bình Dương", ông Tấn cho hay.

Cũng theo ông Tấn, việc người quản lý bãi rác thông báo chôn vật thể giống nguồn phóng xạ bị mất vào khoảng 6 tháng trước trong khi công ty Pomina 3 khai báo mất từ giữa tháng 3. Do vậy, các ngành chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và đoàn chuyên gia thuộc Bộ KHCN đang chờ Cơ quan Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiến hành điều tra mở rộng vụ việc. 

 

Ngày 7/4, các chuyên gia đã sử dụng thiết bị dò sóng phóng xạ hiện đại để tìm kiếm vật thất lạc tại các vựa phế liệu, bãi rác, nhà máy thu gom, chế biến, xử lý rác thải công nghiệp nhưng vẫn chưa có kết quả. Ảnh: Ngọc An

Trước đó, ngày 25/3 cán bộ công ty Công ty Cổ phần thép Pomina 3 (đóng tại Khu công nghiệp Phú Mỹ I, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) thông báo nguồn phóng xạ loại Co-60 (nguồn phóng xạ thuộc nhóm 4) bị mất. Đến ngày 1/4, đại diện công ty Pomina 3 đã báo cáo sự việc lên Sở khoa học Công nghệ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Công an Đồn Khu công nghiệp.

Nguồn phóng xạ Co-60 được công ty Pomina 3 nhập về từ năm 2010 và lắp ráp vào hệ thống dây chuyền nhà máy lò đúc số 3 để đo mức thép lỏng. Nguồn này có hoạt độ phóng xạ khoảng 2,33 mCi. Ở khoảng cách tiếp xúc 10 cm, nguồn này có thể gây ra liều chiếu xạ khoảng 2,5 mSv/giờ (liều chiếu xạ cho phép đối với một người bình thường trong một năm là 1 mSv) nên rất nguy hiểm cho người tiếp xúc. 

Trong trường hợp tiếp xúc nguồn phóng xạ này ở cự ly 10 cm hoặc trực tiếp cầm nắm, nguồn phóng xạ thì phần da người đó sẽ bị bỏng rộp và gặp các bệnh liên quan đến dạ dày, tiêu hóa. Nếu bị chiếu xạ lâu, người tiếp xúc có thể bị các loại bệnh ung thư phát triển gây hại. 

Vũng Tàu khẩn cấp truy tìm nguồn phóng xạ bị thất lạc

Một nguồn phóng xạ nguy hiểm ở nhà máy thép Pomina ở huyện Tân Thành đã bị thất lạc từ giữa tháng 3 nhưng nửa tháng sau mới được trình báo.

Ngọc An

Bạn có thể quan tâm