Đội xe tăng Nga thể hiện sức mạnh không đối thủ tại cuộc đua xe tăng hành tiến (Tank Biathlon) ở thao trường Alabino, ngoại ô Moscow. Trong quá trình thi đấu, xe tăng của đội Nga có lúc chạy với tốc độ tối đa tới 80 km/h. Họ bắn trúng mục tiêu với xác xuất gần như tuyệt đối.
Việc xe tăng của đội Nga thi đấu với hiệu suất vượt trội các đối thủ làm dấy lên nghi vấn xe tăng của họ “xịn” hơn các đội còn lại. Ở vòng loại, kíp thi đấu số 1 của đội Nga đã phá kỷ lục Tank Biathlon khi hoàn thành bài thi với thời gian chỉ 17 phút 50 giây.
Trong khi đó, theo Military Today, tốc độ tối đa về mặt lý thuyết của xe tăng T-72B3 khoảng 70 km/h. Việc xe tăng của Nga chạy với tốc độ quá nhanh khiến nhiều người nghi vấn động cơ trên xe tăng của họ mạnh hơn xe tăng các nước khác.
T-72B3 của Nga thi đấu tại Tank Biathlon 2020 (trước) rất giống với T-72B4 (sau) được giới thiệu tại Army Games 2016. Ảnh: Tvzvezda/Viltaly V. Kuzmin. |
Ngoại trừ đội Trung Quốc mang xe tăng Type-96B do họ sản xuất sang thi đấu và đội Belarus mang theo xe tăng T-72B3 (đời 2016) để tranh tài. Các đội còn lại đều dùng xe tăng T-72B3 (đời 2011) do nước chủ nhà Nga cung cấp.
Theo dõi xe tăng của đội Nga thi đấu, người ta phát hiện những điểm khác biệt đáng kể giữa xe tăng T-72B3 của đội Nga với xe tăng T-72B3 của các nước. Cụ thể, xe tăng của đội Nga sử dụng cụm cảm biến ngắm mục tiêu Sosna-U.
Theo Military Today, đây là hệ thống ngắm mục tiêu đa kênh được ổn định theo cả trục dọc và trục ngang. Ưu điểm của Sosna-U là bổ sung thêm cảm biến ảnh nhiệt Thales Catherine-FC của Pháp, kết hợp với máy đo xa laser giúp mở rộng phạm vi quan sát mục tiêu cỡ xe tăng lên cự ly 10 km vào ban ngày và 2,2 km vào ban đêm.
Cũng theo Military Today, phiên bản T-72B3 cũng được trang bị cảm biến Sosna-U, nhưng theo quan sát bằng mắt thường, cụm cảm biến này trên xe tăng của Nga lớn hơn so với xe tăng của các đội khác.
Ngoài ra, cụm cảm biến Sosna-U trên xe của đội Nga được "độ" riêng một cửa sập cơ khí để che chắn nước và bụi bẩn bám vào cảm biến. Cửa sập này có thể đóng mở từ trong xe mà không cần phải mở thủ công như các phiên bản trước của T-72.
Những điểm khác biệt ở hệ thống cảm biến (vòng tròn đỏ) trên T-72B3 của đội Nga (trước) và T-72B3 của các đội khác. Ảnh: Tvzvezda. |
Ở trên tháp pháo xe tăng Nga xuất hiện thêm cụm cảm biến khác đó là hệ thống quan sát toàn cảnh PK PAN dành cho trưởng xe. Theo Army Recognition, những cảm biến này chỉ có trên phiên bản T-72B3M, còn gọi là T-72B4.
Ngoài những nâng cấp về cảm biến, phiên bản T-72B4 được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực Kalina, tương tự xe tăng T-90, cho phép tiêu diệt mục tiêu với độ chính xác cao hơn.
Phiên bản T-72B4 được trang bị động cơ diesel V-92S2F, công suất 1.130 mã lực. Trong khi phiên bản T-72B3 (sản xuất năm 2011) chỉ được trang bị động cơ V-84-1, công suất 840 mã lực.
Việc xe tăng đội Nga chạy với tốc độ rất nhanh càng củng cố nghi vấn họ dùng xe tăng T-72 với động cơ mạnh hơn so với các nước khác. Đội Trung Quốc dùng xe tăng Type-96B được trang bị động cơ công suất 1.000-1.200 mã lực, nhưng thành tích thi đấu cũng không nhanh bằng đội Nga.
Với tư cách là đội chủ nhà, các kíp thi đấu của đội Nga quá quen thuộc với đường đua trên thao trường Alabino, việc họ đạt thành tích cao ở Tank Biathlon cũng dễ hiểu. Tuy nhiên, nghi vấn họ dùng xe tăng T-72B3 “xịn” hơn các đội khiến cuộc chơi kém phần gay cấn.