Ngày 30/10/2015, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) công bố phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ của Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) cho các nhà đầu tư chiến lược. Theo đó, đơn vị này dự kiến phát hành khoảng 59 triệu cổ phiếu, với giá chào bán 28.000 đồng. Thời gian chậm nhất cho các nhà đầu tư đăng ký mua cổ phiếu là ngày 31/12/2015.
Trong công văn công bố việc phát hành trên, HAG cũng cho biết có 2 nhà đầu tư tiềm năng đăng ký mua tất cả lượng cổ phiếu trên, bao gồm Công ty TNHH đầu tư Cao su Cường Thịnh và Công ty TNHH đầu tư Cao su An Thịnh, thành lập tháng 3/2014. Và mới đây, giao dịch này đã được công bố hoàn thành, thu về cho HAG số tiền 1.652 tỷ đồng.
Vào thời điểm đăng ký mua cổ phiếu HNG của hai cổ đông chiến lược trên, giá mỗi cổ phần của công ty con HAG là hơn 30.000 đồng một đơn vị. Tuy nhiên, hiện tại, thị giá của cổ phiếu này đã xuống dưới mệnh giá. Điều đó cũng khiến hai cổ đông chiến lược nhận một khoản "lỗ" 1.000 tỷ đồng ngay khi cổ phiếu về đến tài khoản.
Nhà đầu tư đang thiếu kiên nhẫn với cổ phiếu của Hoàng Anh Gia Lai, khi các mức đáy liên tục bị "thủng". Ảnh: H.Dịu. |
Đánh giá về thương vụ có phần kỳ lạ này, phó giám đốc một công ty chứng khoán cho rằng, không thể tính toán lãi lỗ với một giao dịch của cổ đông chiến lược. "Đầu tư chiến lược vào doanh nghiệp là nhìn thấy lợi nhuận lâu dài, chứ không chỉ nhìn vào thị giá cổ phiếu. Hơn thế nữa, thời điểm đặt mua và thời điểm chuyển cổ phiếu cách khá xa, nên đong đếm giá trước và sau như trường hợp này là chưa hợp lý".
Lãnh đạo quỹ đầu tư nước ngoài, cũng là cổ đông của Hoàng Anh Gia Lai thì cho rằng, đây không thể là một giao dịch ảo. Bởi theo cơ chế của thị trường chứng khoán Việt Nam trong quá trình phát hành riêng lẻ cổ phiếu, một bên chắc chắn phải có quyền phát hành, có cổ phiếu; một bên chắc chắn phải có tiền thì giao dịch mới được hoàn thành.
"Tài khoản phải thể hiện có tiền và có sự chuyển giao tài sản thì giao dịch mới được ghi nhận là đã thực hiện. Việc giao dịch cổ phiếu trên sàn phải qua rất nhiều khâu, nhiều bước, qua nhiều đơn vị như Ủy ban chứng khoán, Trung tâm lưu ký và phải chịu sự quản chế của luật", vị này chia sẻ.
Với câu hỏi đây liệu có thể là tiền "tay trái tay phải" của doanh nghiệp đưa ra để giữ giá cổ phiếu, vị này cho rằng, dù nhận định này đúng hay sai thì đều là tín hiệu tốt cho doanh nghiệp.
"Nếu nhận định sai, chứng tỏ vẫn có nhà đầu tư chiến lược rất quan tâm đến công ty. Nếu nhận định đúng, điều này chứng tỏ công ty vẫn còn có tiền để bung mua cổ phiếu. Hơn nữa, hành động này cho thấy chủ doanh nghiệp dám bỏ tiền từ 'tay trái' - tiền túi của mình - để bỏ vào 'tay phải' - cổ phiếu đang có thị giá rất thấp. Đó vẫn là giao dịch thực", lãnh đạo quỹ đầu tư này chia sẻ.
Thực tế, đây không phải lần đầu cổ phiếu công ty bầu Đức mất giá. Trong nhiều trường hợp tương tự trước đó, Hoàng Anh Gia Lai thậm chí đã chi tiền để mua vào cổ phiếu quỹ, như một động thái giữ giá cổ phiếu. Tuy nhiên, cổ đông của công ty này lại đánh giá, thực hiện một giao dịch cổ phiếu quỹ kiểu tương tự trong thời điểm này là bước đi không khôn ngoan.
"Nếu bỏ một chút tiền ra để mua cổ phiếu quỹ mà thu lại được hiệu quả tốt, thì nên bỏ; nhưng thị trường hiện tại đang mất kiểm soát thì không nên. Nhà đầu tư nào không đủ kiên nhẫn thì nên bán, còn doanh nghiệp không nên mua thêm cổ phiếu quỹ.
Cách tốt nhất là nên đổ tiền tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh, như vậy sẽ có lợi hơn. Thực sự không doanh nghiệp nào muốn giá cổ phiếu xuống quá thấp, bầu Đức chắc chắn cũng như thế. Nhưng khi thị trường đang điều tiết quá mạnh như hiện nay, bầu Đức cũng không thể giải quyết được", cổ đông của HAG cho hay.