2015 có lẽ là một năm không có nhiều niềm vui đối với bầu Đức, khi Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG) của ông liên tiếp gặp khó trong hoạt động kinh doanh, tài chính cũng như tai tiếng. Những kỳ vọng của nhà đầu tư về việc Tập đoàn lấn sân đa ngành trong chu kỳ kinh tế mới đang đặt ra sức ép cho doanh nghiệp này khi hiệu quả chăn nuôi bò, cao su, mía đường và cả bất động sản đều cho thấy dấu hiệu giảm sút. Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) sẽ làm gì để vượt cạn, nhất là khi vẫn còn đó gánh nặng nợ hàng chục nghìn tỷ đồng?
Long đong cổ phiếu HAG
Cổ phiếu HAG của Tập đoàn HAGL đã giảm trở lại sau 2 phiên tăng trần để thoát khỏi mức đáy kỷ lục: 7.900 đồng/cổ phiếu (22/1/2016). Tính ra, cổ phiếu HAG đã giảm rất sâu trong vòng 1 năm qua, hơn 60,5% và đang ở ngưỡng thấp nhất tính từ khi tập đoàn này lên sàn vào năm 2008. HAG dường như rất trầy trật trong nỗ lực vượt đáy, một điều chưa từng thấy ở cổ phiếu blue-chip này.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán HVS Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự sa sút đáng kể của cổ phiếu HAG chính là khoản nợ phình to, do tập đoàn này mở rộng ngành nghề kinh doanh. Tính đến cuối quý III/2015, báo cáo tài chính hợp nhất đã cho thấy HAGL nợ hơn 30.700 tỷ đồng, chiếm trên 64% tổng tài sản. Số nợ đã liên tục gia tăng qua các quý. Trong đó, riêng tổng nợ vay lên đến trên 25.400 tỷ đồng.
Các khoản vay của HAGL giai đoạn 9 tháng đầu năm 2015.
|
Dù đa số nợ vay của HAGL là trung hạn và dài hạn (hơn 16.800 tỷ đồng) nhưng con số nợ quá lớn vẫn tạo áp lực nặng nề lên doanh nghiệp. Về lãi vay, chỉ tính trong 3 quý đầu năm 2015, Tập đoàn đã phải trả gần 750 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi cùng kỳ. Doanh nghiệp này cũng đang đối mặt với nhiều khoản vay dài hạn đang chuyển sang ngắn hạn. Đó là các khoản vay trái phiếu chuyển đổi (1.100 tỷ đồng), trái phiếu hoán đổi (1.130 tỷ đồng), nợ vay dài hạn trái phiếu đến hạn phải trả (hơn 2.850 tỷ đồng). Ngoài ra, theo ước tính của Công ty Chứng khoán VPBS, 50% nợ dài hạn của HAGL sẽ đến hạn trả vào năm 2016-2017.
Lãnh đạo của HAGL đã tìm cách tái cơ cấu các khoản nợ. Chẳng hạn, các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2015 được xem là điển hình của việc Tập đoàn chuyển các khoản nợ ngắn hạn tại các ngân hàng thành nợ dài hạn. Hay doanh nghiệp đã thương lượng để thay đổi các điều khoản trong phát hành trái phiếu chuyển đổi cho Northbrooks Investments Pte Ltd (thời hạn phát hành bắt đầu từ năm 2010 và thời hạn phải trả nợ là cuối tháng 8/2015) theo hướng gia tăng thêm kỳ hạn 2 năm, chỉ trả mức lãi cố định 3%/năm. Cuối năm ngoái, trong nghị quyết Hội đồng Quản trị, HAGL cho biết sẽ làm việc với các trái chủ, tổ chức tín dụng để đưa ra các phương án tái cấu trúc kỳ hạn vay phù hợp.
Đã có lúc lãnh đạo của HAGL lo ngại tình hình trả nợ có thể sẽ gặp khó khăn trong tương lai, và gửi văn bản báo trước để mong Ngân hàng Nhà nước có hướng hỗ trợ. Nhằm nắm rõ tình hình và có căn cứ giải quyết, cơ quan thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước đã gửi công văn yêu cầu các ngân hàng đang cho HAGL vay báo cáo chi tiết, đánh giá toàn bộ tình hình sản xuất đầu tư kinh doanh của tập đoàn này, nêu những khó khăn trong quá trình cho vay, thu hồi nợ và đề xuất các biện pháp cho vay, thu nợ.
Cơ cấu doanh thu thuần của HAGL 9 tháng đầu năm 2015 . |
Chính công văn này mà thị trường lại rộ lên thông tin HAGL bị Ngân hàng Nhà nước thanh tra. Phải đến gần đây, khi Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lên tiếng bác bỏ tin đồn trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí thì câu chuyện mới tạm lắng.
Giá cổ phiếu HAG đã tăng nhẹ trở lại nhờ những thông tin có lợi, được đưa ra từ quan chức Ngân hàng Nhà nước như cân đối nợ với tài sản của HAGL không có vấn đề gì. Các khoản đầu tư, vay nợ đều có tài sản thế chấp; nợ trung dài hạn khá lớn và đều là nợ nhóm 1 (tức là dư nợ đủ chuẩn, có khả năng thu hồi gốc và lãi đúng thời hạn). Đồng thời, thông điệp đưa ra từ Ngân hàng Nhà nước là sẽ có hướng xử lý sao cho không để ngân hàng thiệt hại nhưng vẫn chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Tương lai của HAG
Theo trưởng phòng môi giới tại một công ty chứng khoán lớn ở TP HCM (không muốn nêu tên), để đi tìm lời giải cho câu hỏi “Cổ phiếu HAG có thể phục hồi trong năm nay và sớm vượt lên mệnh giá hay không?” là rất khó. Bởi thị trường vẫn chưa nhìn thấy sự khởi sắc trong đường hướng xử lý nợ của HAGL. Những khoản nợ mà Tập đoàn đã tái cơ cấu được trong năm 2015 theo hướng gia hạn, chuyển đổi... mới chỉ chiếm một phần trong tổng nợ của doanh nghiệp này.
Kịch bản được nhiều người nghĩ tới là HAGL có thể sẽ phải bán bớt tài sản để xử lý các khoản nợ. Thực tế, trong năm 2015, tập đoàn này từng xúc tiến bán 50% cổ phần ở Nhà Hoàng Anh (một công ty con đang nắm 100% cổ phần ở HAGL Myanmar) cho Rowsley, một công ty bất động sản của tỷ phú người Singapore. Nhưng thương vụ bất thành do HAGL không đồng ý cho Rowsley đầu tư trực tiếp vào HAGL Myanmar như mong muốn của Rowsley.
Lý do là thuế suất trên lợi nhuận chuyển nhượng vốn tại Myanmar quá cao (40%). Trong mục tiêu sắp tới, Tập đoàn sẽ tiếp tục tìm kiếm những đối tác khác để đẩy mạnh việc bán cổ phần này.
Đối với những tài sản khác, giới phân tích cho rằng HAGL có thể sẽ khó thanh lý hơn. Bởi đặc điểm của tài sản nông nghiệp như diện tích cao su, cọ, mía đường... là khó bán và khó bán được với giá cao, nhất là trong điều kiện các mặt hàng đường, dầu cọ, cao su... đều rớt giá mạnh. Do đó, xử lý nợ sẽ là bài toán rất khó cho Tập đoàn.
Tương lai ở HAGL còn phụ thuộc vào triển vọng kinh doanh. Hiện tại, doanh thu của doanh nghiệp này đến từ nhiều nguồn, trong đó chăn nuôi bò là nguồn thu mới và đóng vai trò then chốt, góp hơn 41% tổng doanh thu 9 tháng đầu năm 2015. Nhờ đó, HAGL đã gần đạt mục tiêu doanh thu đề ra cho cả năm 2015. Với đà này, Tập đoàn đã lên kế hoạch đẩy mạnh đầu tư chăn nuôi bò, khi dự kiến nâng tổng số đàn bò thịt lên hơn 200.000 con vào năm 2016, từ mức khoảng 100.000 con hiện tại.
Tuy nhiên, việc Vissan, một công ty kinh doanh thực phẩm, dừng mua bò của HAGL ngay sau lần hợp tác đầu tiên vào tháng 2/2015, đã khiến cho chiến lược chăn nuôi bò của Tập đoàn không xuôi chèo mát mái như dự tính.
Hiện tại, mỗi ngày HAGL xuất chuồng 300 con bò thịt và theo các thông tin đăng tải, 2/3 lượng bò thịt của Tập đoàn được bán ở các lò mổ ở Hà Nội, còn lại được tiêu thụ ở các địa phương khác và xuất khẩu.
Về lâu dài, bò của HAGL sẽ phải cạnh tranh mạnh với bò Mỹ, Úc, New Zealand, những quốc gia có ưu thế về chất lượng và sẽ hưởng lợi thêm về ưu đãi thuế khi các hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực. Đây sẽ là thách thức cho hoạt động chăn nuôi bò của HAGL trong thời gian tới và có thể tác động mạnh đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp này.
Chăn nuôi bò đóng góp hơn 41% tổng doanh thu 9 tháng đầu năm 2015 của HAGL.
|
Trong khi đó, sản phẩm đường - từng được kỳ vọng sẽ tạo lợi thế kinh doanh cho HAGL - hiện cũng đang diễn biến không mấy thuận lợi. Giá đường không khả quan, lượng tồn kho trong nước tăng cao và Tập đoàn phải cạnh tranh với những sản phẩm đường ngoại nhập khác. Đối với thị trường quốc tế, sản phẩm đường của Tập đoàn gặp nhiều trở ngại do đường ở các nước như Thái Lan có giá cả và hiệu suất khai thác vượt trội hơn.
Vì thế, 9 tháng đầu năm 2015, doanh thu từ đường của HAGL bị sụt giảm khá rõ so với cùng kỳ năm trước và xếp sau bò, bất động sản trong cơ cấu đóng góp doanh thu. Trong khi 2 năm trước đó, ngành đường luôn dẫn đầu và góp trên 30% doanh thu của tập đoàn này. Cho đến nay, chưa thấy chiến lược mới nào của HAGL trong kinh doanh ngành đường và dường như vẫn phụ thuộc khá lớn vào sự điều chỉnh giá cả của thị trường.
HAGL cũng tiếp tục gặp khó trong lĩnh vực cao su khi giá mủ cao su, từ mức cao hơn 5.000 USD/tấn ở thời điểm tập đoàn đầu tư, rớt xuống quanh mức 1.500 USD/tấn. Tình trạng này đã kéo dài 3 năm nay. Với giá thành sản xuất mỗi tấn mủ cao su là 1.200-1.400 USD, doanh nghiệp gần như đang khai thác mủ trong tình trạng huề vốn, trong khi chi phí bỏ ra cho việc trồng và chăm sóc 42.500 ha là rất lớn.
Theo báo cáo thường niên năm 2014, trong các khoản vay hàng ngàn tỷ đồng từ phát hành trái phiếu và vay ngân hàng, đều dành phần cho đầu tư cao su. Bởi thế, dù chiến lược năm 2015 của HAGL là dừng đầu tư mới vào cao su thì những áp lực của lãi vay, nợ gốc vẫn đè nặng trên vai doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực thủy điện, HAGL có 2 dự án lớn là Nậm Kông 2 và Nậm Kông 3 (Lào). Theo báo cáo cuối năm ngoái từ Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), dự án Nậm Kông 2 dự kiến sẽ đem lại dòng tiền cho Tập đoàn từ năm 2016 và ước góp khoảng 270 tỷ đồng vào doanh thu năm nay. Riêng dự án Nậm Kông 3 phải đợi xây dựng xong vào cuối năm 2017.
Ở lĩnh vực bất động sản, một lợi thế của HAGL cũng không phải là “dễ thở”. Chiến lược toàn cầu hóa cho thấy nước cờ bạo gan và đón đầu của ông chủ tập đoàn này. Khi nhìn vào Khu phức hợp tại Myanmar của Tập đoàn dự kiến sẽ bắt đầu tạo ra doanh thu, lợi nhuận trong giai đoạn năm 2016-2017, nhiều nhà đầu tư có phần phấn khởi. Bởi lẽ, theo thông tin từ Tập đoàn, tỉ lệ lấp đầy của trung tâm thương mại lên đến 95%. Dự án lại có vị trí đắc địa nên dễ dàng cho thuê và cho thuê giá cao.
Nhưng trong lĩnh vực này, HAGL lại đang có nhiều mối lo. Đó là việc Tập đoàn phải tìm kiếm vốn để tiếp tục triển khai các hoạt động đầu tư tại Myanmar, là rủi ro do tham gia dự án ở thời điểm bất động sản Myanmar nóng sốt. Cùng đó là biến động chính trị, những thay đổi liên tục ở vùng đất này dễ đặt Tập đoàn vào những tình thế bất ngờ. Chẳng hạn, Myanmar đã cấp lại 33 ha đất tại địa điểm mới cho 5 nhà phát triển bất động sản, sau khi đình chỉ các dự án của họ vì lý do gần khu tôn giáo. Tất cả đang gây sức ép lên các sản phẩm của HAGL tại Myanmar.
Có vẻ như HAGL chưa được may mắn trong việc nắm bắt các chu kỳ tăng trưởng của những ngành mà Tập đoàn tham gia. Những kỳ vọng đặt ra về doanh thu, lợi nhuận cho cao su, dầu cọ, mía đường... ít nhiều bị trật đường ray. Ba năm trở lại đây, thị trường chứng kiến không ít lần HAGL bị căng thẳng và cũng bấy nhiêu lần, tài xoay sở của lãnh đạo Tập đoàn được thể hiện.
Nhiều nhà đầu tư đã tham gia bắt đáy với giao dịch hàng trăm tỷ đồng trong các phiên biến động gần đây của cổ phiếu HAG, bởi tin tưởng khả năng cầm quân của những người đứng đầu Tập đoàn. VPBS cũng cho rằng, lợi nhuận của HAGL sẽ đạt bước ngoặt vào giai đoạn 2018-2019, thời điểm mà cao su, các đồn điền dầu cọ... được khai thác đầy đủ. Tuy nhiên, niềm tin sẽ tăng lên đáng kể nếu tình hình khách quan ủng hộ và HAGL nhận được sự hậu thuẫn từ các nguồn lực bên ngoài.