Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Nghị sĩ Ukraine: ‘Tôi chỉ mong có một buổi tối bình yên’

Nghị sĩ Ukraine Yevhenii Bragar nói với Zing rằng Moscow mắc sai lầm chiến lược khi mở chiến dịch quân sự ở Kyiv, đồng thời khẳng định sẽ cùng người dân bảo vệ tổ quốc đến cùng.

Nga tan cong Ukraine anh 1

Nói về cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra ở Ukraine, ông Yevhenii Bragar, Chủ tịch nhóm nghị sĩ hữu nghị Ukraine - Việt Nam tại Quốc hội Ukraine, nhận định thế giới hiện đại không chấp nhận đường lối quân sự quyết liệt. "Do vậy, nếu họ giương vũ khí trước tức là họ đã thua”, ông nói.

Ông Bragar kể vào thời gian đầu khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự, tiếng còi báo động vang suốt đêm.

“Thời gian đầu, mỗi ngày tôi nghe tầm 6-8 tiếng còi báo động. Nga thường không kích vào ban đêm, đặc biệt là thời điểm 1-3h. Tuy nhiên, tình hình hiện đã cải thiện hơn một chút. Vào lúc này, tôi chỉ mong mình có một buổi tối bình yên”, ông nói với Zing.

Nga tan cong Ukraine anh 2

Nghị sĩ Ukraine Yevhenii Bragar. Ảnh: NVCC.

Giao tranh giữa Nga và Ukraine đã bước sang ngày thứ 14. Sau 3 lần gặp nhau ở biên giới Belarus, đoàn đàm phán hai nước vẫn chưa đạt được thỏa thuận ngừng bắn.

Trong vòng đàm phán gần nhất hôm 7/3, hai bên chỉ đạt được những bước tiến nhỏ trong việc mở hành lang nhân đạo, cung cấp viện trợ và sơ tán dân thường.

“Mặc dù đã trải qua một số vòng đàm phán, tình thế vẫn bế tắc”, ông Bragar nói. Việc Nga muốn Ukraine công nhận khu vực Crimea là của họ, và cả yêu cầu công nhận độc lập của Donetsk và Lugansk, là điều không thể chấp nhận được với người Ukraine, ông khẳng định.

“Đây là đất của chúng tôi, là lãnh thổ của chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi không thể từ bỏ người dân của mình được. Người Nga muốn chúng tôi thỏa hiệp với điều này, nhưng chúng tôi quyết nói không trong các cuộc đàm phán”, ông cho biết thêm.

Trong một bài phỏng vấn gần đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Kyiv không còn thúc ép yêu cầu gia nhập NATO và sẵn sàng “thỏa hiệp” về tình trạng hai vùng lãnh thổ ly khai để xoa dịu Moscow, AFP đưa tin hôm 8/3.

Quyết định bám trụ tại Kyiv

Bragar cho biết ông hiện sinh hoạt tại căn hộ ở thủ đô. Bất cứ khi nào tiếng còi báo động vang lên, ông sẽ di chuyển đến bến tàu điện ngầm cách nhà khoảng 3 phút đi bộ.

Theo chia sẻ của ông, nhiều người dân Ukraine không thể có một giấc ngủ yên vì tiếng còi này. Đó là vấn đề lớn nhất của các thành phố hiện nay, ông nhận định.

Ông Bragar đã phải bịt kín cửa sổ bằng băng dính để phòng trường hợp mảnh thủy tinh của cửa sổ vỡ vụn bởi những cuộc tấn công. Ông chia sẻ mình phải làm vậy sau khi có một vụ nổ lớn xảy ra ở gần nhà. Đường phố khá yên tĩnh, nhưng vẫn sáng đèn.

Trước tình hình căng thẳng hiện nay, những người hàng xóm của ông Bragar đối mặt với ba lựa chọn chính. Nhiều người đã gia nhập lực lượng chiến đấu, vài người rời khỏi thành phố, trong khi một số người vẫn ở lại Kyiv.

“Hai căn hộ gần nhà tôi vẫn lựa chọn ở lại, bất chấp tình hình hiện tại. Nhiều người bạn của tôi gia nhập quân địa phương, tham gia vào Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ. Họ đang chiến đấu”, ông nói.

Nga tan cong Ukraine anh 3

Người dân Ukraine tháo chạy khỏi vùng xung đột. Ảnh: AP.

Gia đình của ông hiện ở khu vực ngoại ô thủ đô Kyiv. Trong khi đó, bố ông Bragar đã tham gia lực lượng chiến đấu tại địa phương.

Trong khi nhiều người lựa chọn di tản để đảm bảo sự an toàn, ông Bragar vẫn bám trụ lại thủ đô Kyiv.

“Tôi quyết định ở lại bởi tôi là một nghị sĩ, tôi làm việc cho quốc hội. Quốc gia tôi đang gặp khó khăn. Vì vậy, tôi phải làm việc để giúp đỡ lực lượng Ukraine chống lại Nga”, ông khẳng định.

Khi nhìn lại khoảng thời gian gần hai tuần qua, ông Bragar nhận định lựa chọn khó khăn nhất có lẽ là việc quyết định phải đưa gia đình đi sơ tán hay ở lại, và nếu đi thì phải đi đâu.

“Trong khi nhiều người tìm mọi cách để rời khỏi Ukraine, gia đình tôi vẫn ở lại Kyiv, dù tôi từng khuyên họ nên di tản về phía tây. Đó thực sự là quyết định khó khăn, và cũng đáng sợ nữa”, ông nói.

Ông cho biết bản thân cùng nhiều người dân khác tại thủ đô đã phải đối mặt tình huống khan hiếm một số mặt hàng, song tình hình đã được cải thiện.

“Chúng tôi không sẵn sàng cho cuộc chiến này. Chúng tôi không nghĩ rằng xung đột sẽ xảy ra, bởi quân số mà Nga triển khai gần biên giới là không đủ để có thể kiểm soát Ukraine”, ông nói.

"Nga mắc sai lầm chiến lược"

Ông Bragar tin rằng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế với người Ukraine rất quan trọng. “Tôi tin rằng thế giới đang đứng về phía đất nước tôi. Chúng tôi cũng đang cần viện trợ, trong đó có viện trợ y tế và viện trợ quân sự”, ông nói.

Bên cạnh đó, ông Bragar cho rằng khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine, Nga đã mắc sai lầm chiến lược lớn. Ông nói phía Nga tin đất nước họ có thể trụ vững trong một thời gian dài dựa trên nguồn năng lượng dồi dào.

Tuy nhiên, ông nhận định nhiều quốc gia đang có xu hướng từ bỏ năng lượng dầu khí trong thời gian gần đây, và điều đó có thể khiến Moscow mất đi nền tảng kinh tế quan trọng.

Cùng với các lệnh trừng phạt của phương Tây trong thời gian qua, nghị sĩ Bragar tin rằng nền kinh tế Nga sẽ sớm lao đao.

Nga tan cong Ukraine anh 4

Ông Bragar cho biết ông đặt niềm tin vào các cuộc đàm phán hòa bình. Ảnh: AP.

Ông Bragar cũng đặt niềm tin vào các cuộc đàm phán hòa bình, gửi gắm hy vọng vào vai trò trung gian của tổ chức như Liên Hợp Quốc hay EU trong việc xoa dịu căng thẳng.

“Trong lần gặp tới giữa ngoại trưởng hai bên, tôi mong họ sẽ tìm ra con đường đi tới hòa bình, tìm được điểm chung hòa giải. Tôi cũng mong cuộc đàm phán sẽ tìm ra giải pháp để Nga rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine”, ông bày tỏ hy vọng.

Khi được hỏi về tình huống 2 bên chưa thể sớm đạt thỏa thuận ngừng bắn và xung đột tiếp tục diễn ra, ông Bragar khẳng định Ukraine sẽ chiến đấu tới cùng, cho đến khi đẩy lùi Nga.

“Mặc dù Ukraine đã sẵn sàng cho các thỏa thuận hòa bình, chúng tôi không thể mất lãnh thổ. Nga chỉ có một lựa chọn, đó là ra khỏi đất của chúng tôi. Khi đó chúng tôi sẽ đàm phán hòa bình, sẽ lại xây dựng lại tình bạn giữa hai nước”, ông nhấn mạnh.

“Nhưng trước hết, họ phải ra khỏi đất nước của chúng tôi đã”, ông cho biết.

Từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2, Nga tiếp tục bao vây các thành phố lớn, nhưng bước tiến của họ vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của Ukraine.

Nga đã chiếm được Kherson - thành phố cảng có vị trí quan trọng ở miền Nam Ukraine - và tiếp tục bao vây một số thành phố khác như Mariupol, Kharkiv và thủ đô Kyiv.

Những ngày qua, Nga tăng cường pháo kích, bắn tên lửa và không kích vào những trung tâm đô thị chiến lược. Trong khi đó, quân đội Ukraine cố thủ và ngăn chặn đà tiến của đối phương.

Ba vòng đàm phán giữa Nga và Ukraine chưa có bước đột phá lớn. Hai bên đã thống nhất về hành lang nhân đạo nhằm sơ tán người dân ở một số thành phố và thị trấn. Các hành lang nhân đạo được mở 9-21h mỗi ngày (theo giờ địa phương). Trong thời gian này, cả hai bên đồng ý ngừng bắn.

Hôm 7/3, Điện Kremlin ra 4 điều kiện để ngừng bắn, cụ thể là Ukraine cần dừng hoạt động quân sự, sửa hiến pháp theo hướng trung lập, chấp nhận vùng Crimea là thuộc Nga và công nhận vùng ly khai ở miền Đông là lãnh thổ độc lập.

Nga và Ukraine đạt được thỏa thuận về hành lang nhân đạo

Phó thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết nước này và Nga đã đạt được thỏa thuận về việc thiết lập các hành lang nhân đạo ở một số thành phố và thị trấn để người dân sơ tán.

Tình báo Anh: Nga không có đột phá tại Kyiv

Tình báo Quốc phòng Anh cho biết quân đội Nga không tạo được bước tiến đáng kể nào trong các cuộc đụng độ ở phía bắc Kyiv, và Ukraine đã bắn hạ được nhiều chiến đấu cơ của Nga.

Phương Linh - Vân Đinh

Bạn có thể quan tâm