Tọa lạc tại Wakamatsucho - một trong những điểm có chiều cao lớn nhất tại trung tâm Tokyo, Nhật Bản - là Radiopress, hãng thông tấn chuyên giám sát các chương trình phát thanh radio từ Triều Tiên.
Tuy chỉ giám sát các kênh công khai, khối lượng thông tin khổng lồ mà Radiopress thu thập liên tục suốt 80 năm qua cho phép hãng này có thể phát hiện những thay đổi nhỏ nhặt nhất.
Báo cáo của hãng Radiopress thường sẽ được chuyển cho Văn phòng Nghiên cứu và Tình báo Nội các - cơ quan tình báo hàng đầu của Nhật Bản, cùng với Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và nhiều hãng truyền thông khác.
Một thủy thủ Hải quân Mỹ trên tuần dương hạm USS Cape St. George tại Biển Arab. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Ngũ Nhãn đã lạc hậu?
Hiện nay, một số quan chức Mỹ muốn Washington tận dụng những nguồn thông tin như vậy của Nhật Bản. Chẳng hạn, Hạ nghị sĩ Ruben Gallego, Chủ tịch tiểu ban tình báo và hoạt động đặc biệt thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, từng thêm một điều khoản vào dự thảo ngân sách quốc phòng Mỹ năm 2022.
Điều khoản mới gợi ý việc mở rộng thỏa thuận chia sẻ tình báo Ngũ Nhãn - hiện có Mỹ, Anh, Canada, New Zealand và Australia - để bao gồm thêm Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Đức.
Đề xuất này sẽ yêu cầu giám đốc tình báo quốc gia Mỹ cùng phối hợp với bộ trưởng Quốc phòng báo cáo lên Quốc hội Mỹ trước tháng 5 về hiện trạng chia sẻ tình báo của Ngũ Nhãn, cũng như về cơ hội mở rộng chia sẻ tình báo với 4 nước nói trên.
Báo cáo sẽ đề cập tới “bản chất của những thông tin mà từng nước này có thể đóng góp”, cũng như rủi ro có liên quan.
Trong một buổi hội thảo với tờ Defense One, ông Gallego nhận định Washington cần mở rộng hợp tác vì Mỹ không thể chỉ dựa vào cấu trúc tình báo hậu Thế chiến II, vốn chỉ xoay quanh tiếng Anh.
Mạng lưới Ngũ Nhãn có Mỹ, Anh, Canada, New Zealand và Australia. Ảnh: Telegraph. |
Cho rằng Ngũ Nhãn “lạc hậu”, ông Gallego lấy ví dụ về ưu điểm của Hàn Quốc. Theo ông, Hàn Quốc có “nhiều đầu mối tốt tại Trung Quốc và châu Á mà Mỹ có thể tận dụng, nhưng hai bên không có quan hệ chia sẻ thông tin tình báo như giữa Mỹ với Australia, New Zealand hoặc Canada”.
Trong khi đó, một quan chức thuộc một trong 5 nước thành viên Ngũ Nhãn không đánh giá cao khả năng mở rộng mạng lưới.
“Chúng tôi rất trân trọng sự đóng góp của những đối tác này và luôn tìm cách cho họ cùng tham gia tùy từng sự vụ cụ thể”, vị quan chức này nói. “Nhưng tôi không cho rằng Ngũ Nhãn sẽ trở thành Cửu Nhãn tại thời điểm này”.
Nhật Bản ngày càng được chú ý
Tháng 12/2020, một báo cáo được công bố dưới sự dẫn dắt của nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Richard Armitage và Joseph Nye - nguyên hiệu trưởng Trường Chính phủ John F. Kennedy, Đại học Harvard (Mỹ) - cũng từng kêu gọi cho phép Nhật Bản gia nhập Ngũ Nhãn.
“Mỹ và Nhật Bản nên có các hành động nghiêm túc để hướng tới một mạng lưới Lục Nhãn”, báo cáo viết.
Trả lời Nikkei Asia, một quan chức chính phủ Nhật Bản xác nhận “đúng là nhiều quốc gia đang liên lạc với cộng đồng tình báo Nhật Bản để lấy thông tin về các nước trong khu vực”.
“Văn hóa Nhật Bản có các điểm tương đồng (với Trung Quốc và Triều Tiên) và ngày càng nhiều nước dường như rất đề cao năng lực phân tích của chúng ta”, vị quan chức này nói.
Tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida từng nói cần đánh giá lại chiến lược an ninh của Nhật Bản cho phù hợp tình hình hiện tại. Ảnh: Reuters. |
Nhật Bản không có cơ quan chuyên trách toàn diện tương đương với Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ, trong khi quy mô hoạt động thu thập tình báo của Tokyo kém xa Washington.
Tuy nhiên, tân Thủ tướng Fumio Kishida có thể nghiêng về củng cố hoạt động thu thập và chia sẻ tình báo với các mạng lưới như Ngũ Nhãn, vị quan chức trên nói.
Trước đó, khi ông Kishida triệu tập cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia vào ngày 13/10, ông từng đề cập tới việc cần thiết đánh giá lại chiến lược an ninh 8 năm tuổi của Nhật Bản để phù hợp với thách thức hiện nay.
Ngũ Nhãn không phải nơi chia sẻ tất cả
Bruce Klingner, cựu sĩ quan CIA và viện sĩ cấp cao thuộc viện chính sách Quỹ Heritage, cho biết kể cả khi Ngũ Nhãn có thêm nhiều nước gia nhập, mạng lưới này vẫn sẽ có nhiều mức độ chia sẻ, tùy vào độ nhạy cảm của tình báo.
“Không phải 5 nước sẽ nghiễm nhiên có toàn bộ thông tin”, ông Klingner nói. “Kể cả giữa Ngũ Nhãn với nhau, chúng tôi cũng có nhiều quy định hạn chế đối với các thông tin đang được chia sẻ. Chẳng hạn, chúng tôi có thể có thông tin chỉ cho Mỹ biết, hoặc chỉ Mỹ và Anh biết”.
Hạ nghị sĩ Ruben Gallego, Chủ tịch tiểu ban tình báo và hoạt động đặc biệt thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, đánh giá Ngũ Nhãn "lạc hậu". Ảnh: 123rf. |
Thông tin nhạy cảm nhất là tình báo con người, tức những thông tin do gián điệp trực tiếp thu thập ở hiện trường, ông Klingner cho biết. “Chúng tôi sẽ rất do dự chia sẻ các thông tin cụ thể về nhân lực vì điều này can hệ tới tính mạng người”.
Ông Klingner còn cho rằng Ngũ Nhãn sẽ hạn chế chia sẻ thông tin dựa trên điều kiện địa lý (ví dụ Nhật Bản sẽ không cần biết nhiều về châu Âu như Đức) và dựa trên các loại hệ thống thu thập bí mật. Chẳng hạn, Mỹ có thể sẽ chỉ chia sẻ hình ảnh và tín hiệu tình báo với các đối tác có cùng năng lực đó, “đặc biệt là nếu hệ thống này mới được phát triển”.
Bất chấp các vấn đề kỹ thuật, những nước như Nhật Bản và Hàn Quốc có những yếu tố mà Ngũ Nhãn không có, ông Klingner nói.
“Mỗi nước đều có cơ quan tình báo và năng lực thu thập của riêng mình, và mỗi nước có thể rất thông thạo trong những lĩnh vực ngách”, ông Klingner cho biết. “Rõ ràng là Hàn Quốc có năng lực rất tốt trước Triều Tiên vì chung văn hóa, ngôn ngữ và lợi thế về tình báo con người”.
“Cũng như trong thể thao, mỗi cầu thủ sẽ có đặc điểm khác nhau”, ông Klingner nói. “Khi bạn đưa họ đến với nhau, hiệu suất của cả tập thể sẽ tốt hơn tổng hiệu suất của từng cá nhân cộng lại”.