Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghị quyết xử lý 'cục máu đông' nợ xấu được thông qua

Với 86,35% đại biểu có mặt tán thành thông qua, những khó khăn về xử lý và thu hồi nợ xấu, quyền xử lý tài sản đảm bảo của các TCTD đã chính thức được tháo gỡ.

Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chính thức được thông qua.

Có tới 86,35% số đại biểu có mặt tán thành thông qua, tỷ lệ không tán thành nghị quyết vào khoảng 6%, tương đương với 31 đại biểu, và 12 đại biểu không biểu quyết.

Theo đó, Nghị quyết xử lý nợ xấu sẽ được thực hiện trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày 15/8. Như vậy, tất cả những khoản nợ xấu tại các TCTD phát sinh trước thời điểm ngày 15/8 tới đây đều nằm trong phạm vi xử lý của Nghị quyết.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết này đặc biệt tiếp thu và có chỉnh lý theo các góp ý liên quan tới việc miễn trừ trách nhiệm đối với những cá nhân vi phạm pháp luật gây ra nợ xấu hoặc vi phạm trong quá trình xử lý nợ xấu.

Nghị quyết đồng thời cũng bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và quyền lợi chính đáng của người đi vay, người có liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh không quy định khái niệm “chủ nợ”.

Ngan hang duoc phep thu giu tai san bao dam anh 1
Tái cơ cấu ngân hàng Sacombank được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm gần đây. Ảnh: Zing.

Về việc hình thành thị trường mua bán nợ công khai để thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu, Nghị quyết quy định các TCTD được phép bán nợ xấu cho tổ chức, cá nhân mà không bắt buộc phải là các tổ chức kinh tế có chức năng kinh doanh bán nợ.

Vấn đề đặc biệt quan trọng được nhiều đại biểu quốc hội và cả các lãnh đạo ngân hàng nhắc tới gần đây chính là quyền thu giữ tài sản đảm bảo của TCTD. Theo đó, kể từ ngày 15/8, nếu bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu không giao tài sản cho TCTD thì TCTD sẽ được phép thu giữ tài sản bảo đảm đó theo quy định.

Tuy nhiên, việc thu giữ tài sản bảo đảm phải tuân thủ điều kiện không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thu lý, chưa giải quyết hoặc đang giải quyết tại Tòa án, tài sản không đang bị Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án. Đồng thời, TCTD được ủy quyền thu giữ tài sản bảo đảm không được áp dụng các biện pháp vi phạm điều cấm của pháp luật trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm.

Một điểm đáng chú ý khác trong Nghị quyết chính là việc xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản.

Theo đánh giá của giới quan sát, quá trình tái cấu trúc Sacombank hấp dẫn nhà đầu tư là do khối lượng bất động sản là tài sản bảo đảm nợ xấu tại nhà băng này rất lớn.

Vì vậy, rất nhiều nhà đầu tư là các doanh nghiệp bất động sản muốn chen chân vào tái cơ cấu Sacombank.

Theo Nghị quyết mới việc xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản tại các TCTD phải tuân thủ các điều kiện như dự án bất động sản đó đã được cơ quan Nhà nước phê duyệt, có quyết định giao đất, cho thuê đất, dự án đó không có tranh chấp hay đã được thụ lý chưa giải quyết hoặc đang giải quyết tại Tòa án.

Dự án bất động sản đó cũng không đang bị kê biên để bảo đảm thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính, không có quyết định thu hồi dự án, thu hồi đất.

Bên nhận chuyển nhượng dự án bất động sản phải đáp ứng điều kiện pháp luật về kinh doanh bất động sản; kế thừa các quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án và tiến hành các thủ tục để thực hiện dự án theo quy định.

Ngan hang duoc phep thu giu tai san bao dam anh 2
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tại các TCTD hiện nay dưới 3% dư nợ, tuy nhiên nếu tính cả nợ xấu đã bán cho VAMC tỷ lệ này lên tới 10,8% dư nợ cho vay nền kinh tế. Đồ họa: Quang Thắng.

Nghị quyết về xử lý nợ xấu được thông qua trong bối cảnh vấn đề xử lý nợ xấu đang được Quốc hội đưa ra bàn luận và nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.

Đồng thời, quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đang bước sang giai đoạn 2, với việc tập trung xử lý, tái cơ cấu DongABank và Sacombank cùng nhóm 3 ngân hàng "0 đồng".

Theo các báo cáo về nợ xấu công bố gần đây, hiện tại, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống TCTD ở mức dưới 3% tổng dư nợ cho vay, tuy nhiên nếu tính cả nợ xấu tại Công ty quản lý quỹ tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thì tỷ lệ này lên tới 10,8% dư nợ nền kinh tế.

Ước tính có khoảng 600.000 tỷ đồng nợ xấu tồn động tại các TCTD hiện nay, trong đó có tới 90% là tiền của người dân và chỉ có 10% là tiền ngân hàng.

Thủ tướng làm Trưởng Ban chỉ đạo tái cơ cấu hệ thống tín dụng

Đây là giải pháp quyết liệt của Chính phủ trong việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, thúc đẩy xử lý nợ xấu thời gian tới.

Ai sẽ ngồi ghế nóng Sacombank?

Sau nhiều lần hoãn tổ chức ĐHĐCĐ, đến nay, hơn nửa năm kể từ khi bị NHNN đưa vào diện tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, Sacombank vẫn chưa thể tìm được "thuyền trưởng".


Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm