Vụ xả súng ở bang California khiến 12 người chết hôm 7/11 là thảm kịch đối với gia đình, bạn bè các nạn nhân cùng lực lượng hỗ trợ khẩn cấp phản ứng nhanh tại hiện trường. Trong số những người thiệt mạng, có một sĩ quan cảnh sát.
Tuy nhiên, đây chỉ là một trong nhiều vụ xả súng diễn ra tại Mỹ thời gian qua. Số liệu trung bình hàng năm cho thấy mỗi ngày nước này có một vụ xả súng giết người tập thể, tức là có ít nhất 4 người thiệt mạng.
Theo ABC, người bình thường không thể biết hết tất cả các vụ xả súng tại Mỹ bởi không phải vụ việc nào cũng được đưa lên truyền thông trong bối cảnh bạo lực, nổ súng xảy ra liên tiếp. Và trong lúc phần lớn lời kêu gọi kiểm soát súng đạn chặt chẽ hơn đều bị phớt lờ, có một sự thật nhức nhối khác: Nghi phạm phần lớn là nam giới và nhiều người từng hoạt động trong quân đội.
Vết sẹo từ chiến tranh
Tại Mỹ, cựu chiến binh chiếm 14% số đàn ông trưởng thành và khoảng 1/3 nghi phạm các vụ xả súng tập thể đã từng phục vụ trong quân ngũ.
Rối loạn căng thẳng sau sang chấn tâm lý (PTSD) ảnh hưởng tới một bộ phận lớn những chiến binh về nước sau cuộc chiến. Theo Bộ Cựu chiến binh Mỹ, 31% cựu binh về từ Việt Nam mắc hội chứng tâm lý này. 10% cựu binh Vùng Vịnh và 11% binh sĩ quay về từ Afghanistan cũng mang những dư âm chiến tranh về quê nhà.
Ước tính khoảng 2,5 triệu cựu quân nhân từng hoạt động tại Iraq và Afghanistan về nước với PTSD hoặc mắc hội chứng này sau đó. Tuy nhiên, chỉ một nửa đi điều trị.
Ian David Long từng tham gia chiến đấu ở Afghanistan. Ảnh: Facebook. |
PTSD thường được nhắc đến là một trong những nguyên nhân đằng sau tỷ lệ cao của một loạt vấn đề như mối quan hệ đổ vỡ, thất nghiệp, lạm dụng chất gây nghiện, trầm cảm, nghèo đói và vô gia cư.
Trong khoảng 50.000 người vô gia cư ở bang California, hơn 12.000 người từng hoạt động trong quân ngũ. Những người Mỹ gốc Phi và Tây Ban Nha chiếm số lượng lớn. Điều này phản ánh sự thật rằng rất nhiều cựu chiến binh đang sống trong cảnh hiểm nghèo, đối mặt với hàng loạt vấn đề nghiêm trọng, và họ là những người đã được đào tạo sử dụng vũ khí.
Tuy nhiên, không phải chỉ những người trong hoàn cảnh cùng cực mới trở thành nạn nhân của chứng PTSD.
Cảnh sát và các nhân viên điều tra FBI bên ngoài ngôi nhà tại Califonia, nơi nghi phạm Ian David Long ở cùng mẹ. Ảnh: AP. |
Từ thành viên cộng đồng đến nghi phạm xả súng
Ian David Long, nghi phạm vụ xả súng ở quán bar bang California, sống cùng mẹ, nhưng cũng từng là đối tượng trong nhiều cuộc tra của cảnh sát và phải giám định tâm thần do có những hành vi bất thường.
Long từng gia nhập lực lượng Thủy quân Lục chiến, hoạt động tại Afghanistan và là người sở hữu một khẩu súng ngắn Glock hợp pháp. Cảnh sát cho biết người này đã sử dụng ổ đạn tăng cường, cho phép bắn nhiều đạn hơn khi tấn công quán bar Borderline, nơi nhiều sinh viên tụ tập tận hưởng đêm nhạc 7/11.
Hiện chưa rõ vì sao Long tấn công những người mà chính bản thân anh ta đã nhiều lần giao lưu ở quán bar. Một nhân chứng cho biết Long “là thành viên của cộng đồng” ở quán Borderline.
Tuy nhiên, một điều chắc chắn là Long hiểu biết về súng, từng được đào tạo để xuống tay khi cần, và rõ ràng đã sử dụng khẩu Glock rất hiệu quả trước khi tự sát, cướp đi mạng sống của 12 người, bao gồm cả bản thân.
Theo ABC, việc từng tham gia chiến đấu làm tăng gấp đôi khả năng trở thành thủ phạm giết người hàng loạt. Điều đó có thể được giải thích một phần bằng những vết sẹo còn lại sau trận chiến ở những nơi như Iraq và Afghanistan. Và rõ ràng các nhà chức trách đang không cung cấp điều trị và hỗ trợ đầy đủ cho một số lượng lớn những cựu chiến binh bị sang chấn tâm lý.
Lễ tưởng nhớ nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng tại bang California. Ảnh: Reuters. |
Những lời cầu nguyện
Nếu không được điều trị, PTSD có thể gây ra những hậu quả về sức khỏe tinh thần như tức giận, cảm giác cô lập, trầm cảm và có thể thúc đẩy người bệnh “xả” cảm giác tiêu cực đó lên người khác bằng cách nổ súng gây tổn thương họ và phá hủy tương lai.
Khi không có biện pháp giảm thiểu mang tính pháp lý thì việc xử lý nguyên nhân của cơn nóng giận có khả năng là giải pháp hiệu quả nhất để tránh tổn thất về người. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi ý chí mạnh mẽ cùng những biện pháp can thiệp và tái định hướng cho những người có nguy cơ phạm tội.
Tất nhiên không phải tất cả thủ phạm xả súng đều là nam và từng hoạt động trong quân ngũ, nhưng số này chiếm một phần đáng kể. Và, như đã nói, chính quyền còn rất nhiều thứ chưa làm được để giúp đỡ những cựu binh.
Các vụ xả súng và bạo lực liên tiếp được dự đoán vẫn sẽ xảy ra, báo hiệu số nạn nhân trong tháng 11 gia tăng. Trong khi đó, nước Mỹ đối mặt với sự thật đáng buồn là các nhà chức trách có thể sẽ tiếp tục gửi lời chia buồn, cầu nguyện thay vì đưa ra những biện pháp thực tế để giải quyết tình hình.