Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghi phạm xả súng ở California ít nói và sùng đạo Hồi

Nhiều người nhận xét hai vợ chồng nghi phạm trong vụ tấn công tại một cơ sở chăm sóc xã hội bang California, Mỹ ngày 2/12 là người ít nói, sống khép kín và là tín đồ Hồi giáo.

Syed Farook và vợ Tashfeen Malik. Ảnh: ABC

Sau vụ xả súng vào một sự kiện xã hội ở San Bernardino, bang California hôm 2/12, cảnh sát công bố danh tính hai nghi phạm là cặp vợ chồng Tashfeen Malik và Syed Rizwan Farook. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không thể tin rằng họ là những kẻ gây nên vụ thảm sát kinh hoàng khiến 14 người chết.

Cô dâu hạnh phúc biến thành nghi phạm xả súng

Hai năm trước, Tashfeen Malik là một cô dâu xinh đẹp và hạnh phúc trong lễ thành hôn với chú rể Syed Rizwan Farook tại một nhà thờ Hồi giáo ở California cùng sự tham dự của hàng trăm khách mời.

“Malik rạng ngời trong buổi tối thành hôn hôm đó. Cô ấy khá ít nói. Tại buổi lễ, đàn ông và phụ nữ được xếp ngồi ở hai khu vực khác nhau. Malik ngồi ở hàng ghế dành cho phụ nữ, cảm ơn mọi người tới chúc phúc. Cô nói bằng tiếng Anh và chủ yếu trò chuyện với người thân”, Nasima Nila, 31 tuổi, người tham dự đám cưới của Malik chia sẻ.

Một người thân cho hay, Malik là người “nói năng nhỏ nhẹ” và khá kín tiếng. Cô luôn mang khăn che kín khuôn mặt khi ra đường.

Malik sinh ra ở Pakistan và chuyển tới Saudi Arabia vào năm 1990 khi 4 tuổi. Cô tới Mỹ bằng thị thực dành cho hôn thê dưới sự bảo lãnh của chồng sắp cưới Farook. Hai người kết hôn và hiện có con gái 6 tháng tuổi.

Vào thời điểm diễn ra vụ xả súng, một tài khoản Facebook với tên khác của Malik đăng thông điệp cam kết trung thành với thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi.

Cục Điều tra Liên Bang Mỹ (FBI) đang điều tra liệu vụ xả súng có liên quan tới khủng bố hay không.

Farook là người trầm tính

Trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến 2014, Farook thường đến nhà thờ Hồi giáo hai lần mỗi ngày để cầu nguyện, vào khoảng 4h30 sáng và sau khi kết thúc công việc vào cuối ngày. Sau thời gian đó, anh tới Saudi Arabia và trở về cùng một phụ nữ tên Malik. Hai người tổ chức đám cưới một tháng sau đó.

Farook thích xe hơi và thường thay dầu miễn phí cho những người ở bãi đậu xe.

Amir Abdul-Jalil, 50 tuổi, bạn thân của Farook cho biết: “Anh ấy là tín đồ Hồi giáo ‘đáng mến’ nhất mà tôi từng biết. Tôi gặp vợ anh ấy một lần. Bây giờ, tôi cảm thấy vô cùng đau đớn và không thể tin rằng họ chính là hung thủ gây ra vụ xả súng kinh hoàng đó”.

Tại một nhà thờ khác trong khu vực, nơi Farook thường đến cầu nguyện khoảng 2-3 lần mỗi tuần, Gasser Shehata, người đứng đầu nhà thờ, nhận xét, Farook là người khá ít nói.

"Anh ta khá hạnh phúc trong lễ cưới. Vào lần đón con gái chào đời, anh ấy cũng rất phấn khích. Nếu có điều gì đó khiến anh ta thay đổi, nó có lẽ chỉ xảy ra cách đây khoảng một đến hai tháng", Shehata nói.

Ngày 4/11, nhiều người tập trung tại chính nhà thờ mà Malik và Farook làm đám cưới để cầu nguyện. Họ không tin rằng người mà họ tham dự đám cưới cách đây hai năm là hung thủ gây ra vụ thảm sát.

Số người tới nhà thờ cầu nguyện ít hơn so với thường ngày bởi họ lo sợ sẽ có bạo loạn xảy ra. Afarin Rahmani, 44 tuổi, cho biết cô cảm thấy tội lỗi vì tín đồ trong cộng đồng đạo Hồi gây ra vụ xả súng.

“Mọi người đổ lỗi cho chúng tôi về những thứ đang xảy ra. Chúng tôi cảm thấy là người có lỗi và cũng rất sợ hãi những điều tương tự sẽ xảy ra”, Rahmani nói.

Nghi phạm nữ vụ xả súng ở Mỹ thề trung thành với thủ lĩnh IS

Tay súng nữ trong vụ tấn công ở California, Mỹ, hôm 2/12 đã đăng thông tin cam kết trung thành với thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trong khi thảm kịch xảy ra.

Tống Hoa

Bạn có thể quan tâm