Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hai nghi phạm xả súng ở Mỹ: từ tội ác tới huyệt mộ

Chỉ vài tiếng sau vụ tấn công ở một cơ sở chăm sóc xã hội bang California ngày 2/12, hai vợ chồng nghi phạm bị cảnh sát tiêu diệt ngay tại khu vực gần hiện trường khi bỏ chạy.

A
Syed Farook và vợ Tashfeen Malik. Ảnh: ABC

3 ngày sau vụ tấn công Trung tâm Vùng nội địa ở thành phố San Bernardino, bang California, một bức ảnh chụp thi thể của kẻ được cho là Syed Farook nằm trên vũng máu, hai tay bị còng sau lưng. 

Trong bức ảnh chụp thi thể, Farook đeo túi và dây đai đựng các loại vũ khí và đạn dược. Các báo cáo còn cho hay, y và vợ Tashfeen Malik, 27 tuổi, còn gắn camera GoPro trên đầu để ghi lại hình ảnh về vụ tấn công đẫm máu. Vụ tấn công khiến 14 người thiệt mạng, 21 người bị thương.

Farook, 28 tuổi, là nhân viên của sở y tế San Bernardino. Y sinh ra ở thành phố Chicago và lớn lên ở Nam California. Cha mẹ của tên này là người gốc Pakistan theo đạo Hồi. Cảnh sát tiêu diệt Farook hôm 2/12 trong cuộc đấu súng, chỉ vài giờ sau khi y và vợ gây ra vụ tấn công. 

Theo cảnh sát, Farook và Malik có hơn 1.600 viên đạn bên trong xe hơi SUV mà chúng dùng khi chạy trốn. Ngoài ra, lực lượng an ninh phát hiện gần 3.000 viên đạn, 12 bom ống và các công cụ có thể chế tạo thiết bị nổ, tại nhà của các nghi phạm.

1.600 viên đạn trong xe hơi mà Farook và Malik dùng để chạy trốn cảnh sát. Ảnh: Daily Mail

Theo ABC News, nghi phạm nữ Malik sinh ra ở Pakistan. Nguồn tin chính phủ Saudi Arabia cho biết, Malik theo gia đình chuyển đến quốc gia Arab vào năm 1990 khi cô 4 tuổi. Năm 2007, Malik trở về Pakistan để học đại học và lưu lại đây đến năm 2012.

Nguồn tin tình báo Pakistan cho biết Malik được đánh giá là một sinh viên xuất sắc và không liên quan đến những tổ chức chính trị hoặc tôn giáo nào ở nước này.

Malik gặp Farook thông qua một trang web hẹn hò. Giới chức Mỹ cho rằng, Farook có thể đã đến ra mắt gia đình ở Saudi Arabia vào mùa thu năm 2013.

Tháng 7/2014, cặp đôi trở về Mỹ và họ kết hôn một tháng sau đó. Malik đến Mỹ bằng thị thực dành cho “hôn thê”, dưới sự bảo lãnh của chồng sắp cưới. Trong hồ sơ thị thực, cô này ghi quê quán là một địa chỉ ở Pakistan. Tuy nhiên, ABC News cho biết địa chỉ này không có thật.

Vào mùa hè năm 2015, Malik chính thức được cấp thẻ xanh. Cùng khoảng thời gian này, cặp vợ chồng đón con gái đầu lòng.

Khi cảnh sát nói họ chưa tìm ra động cơ của các tay súng, nguồn tin nắm rõ cuộc điều tra tiết lộ cô vợ Malik đã viết trên Facebook với tên ẩn danh rằng cô ta “cam kết trung thành với thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo IS Abu Bakr al-Baghdadi". Thông điệp được viết lúc 11h, khi vụ tấn công xảy ra. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang điều tra vụ việc và không loại trừ khả năng đây là “hành động khủng bố”.

Theo Fox News, người ta tin rằng Farook hoặc Malik hay cả hai vợ chồng đã tìm gặp những người tình nghi liên quan nhóm khủng bố al-Qaeda trong các chuyến đi tới Saudi Arabia năm 2013 và 2014.  

Kênh truyền thông thân IS Aamaq cho hay, hai tay súng “ủng hộ” tổ chức cực đoan, nhưng phủ nhận nhóm là kẻ giật dây vụ tấn công.

David Bowdich, trợ lý giám đốc văn phòng của FBI ở thành phố Los Angeles, cho biết ông không ngạc nhiên nếu IS có liên quan tới vụ tấn công. Tuy nhiên, các nhà điều tra đang cẩn trọng khi xác định mối liên hệ giữa vụ xả súng và nhóm khủng bố cực đoan.

Nghi phạm nữ vụ xả súng ở Mỹ thề trung thành với thủ lĩnh IS

Tay súng nữ trong vụ tấn công ở California, Mỹ, hôm 2/12 đã đăng thông tin cam kết trung thành với thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trong khi thảm kịch xảy ra.

 

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm