Sau chuyến công du châu Á kéo dài 12 ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết đã tạo ra giao dịch 300 tỷ USD cho các công ty trong khu vực và một số hợp đồng năng lượng lớn.
Thỏa thuận năng lượng chiếm khoảng một nửa tổng giá trị các giao dịch ở Trung Quốc. Nếu được tiến hành thì một dự án ở Alaska sẽ đánh dấu lần đầu tư lớn đầu tiên của một công ty năng lượng Trung Quốc ở Mỹ.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nghi ngờ về việc hiện thực hóa những dự án tỷ USD này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (không có trong ảnh) nói chuyện với các lãnh đạo doanh nghiệp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 9/11. Ảnh: Getty. |
Ông Trump đã thể hiện giọng điệu thách thức về thương mại trong suốt chuyến công du qua 5 nước châu Á và cho biết Mỹ sẽ không còn chịu đựng "những vi phạm thương mại kinh niên" nữa.
Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải thu hẹp thâm hụt thương mại "không công bằng" trong khi thu về hàng tỷ USD từ các giao dịch thương mại, chủ yếu với Trung Quốc.
Các thỏa thuận năng lượng
"Chúng tôi đã đạt được một số bước tiến lớn chưa từng thấy về thương mại, ngoài khoảng 300 tỷ USD giao dịch cho các công ty khác nhau, bao gồm Trung Quốc với 250 tỷ USD và sẽ phát triển rất nhiều từ đó", BBC dẫn lời Tổng thống Trump tại Manila hôm 13/11.
Tuy nhiên, không rõ bao nhiêu trong tổng số này bao gồm các thoả thuận trong quá khứ hoặc các hợp đồng tiềm năng trong tương lai. Nhiều thỏa thuận không bắt buộc và một số đã được thông báo trước đó.
Trong số các thỏa thuận năng lượng, thỏa thuận có giá trị cao nhất là kế hoạch đầu tư 83,7 tỷ USD của Tập đoàn Đầu tư Năng lượng Trung Quốc trong 2 thập niên vào các dự án sản xuất hóa thạch và khí hóa lỏng ở bang Tây Virginia.
Tiếp theo đó là hợp đồng trị giá 43 tỷ USD để phát triển khí thiên nhiên hóa lỏng ở Alaska giữa công ty dầu mỏ hàng đầu của Trung Quốc Sinopec, Ngân hàng Trung Quốc, Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc và Tập đoàn Phát triển Dầu lửa Alaska.
Công nhân kiểm tra van đường ống dẫn khí tự nhiên tại nhà máy ở Toại Ninh, tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc, ngày 15/11/2010. Ảnh: AFP/Getty. |
Cũng tại Trung Quốc, Cheniere Energy đã ký một bản ghi nhớ với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc để bán khí thiên nhiên hóa lỏng.
Mỹ và Nhật Bản cũng khẳng định quan hệ "Đối tác về Năng lượng Chiến lược" nhằm "thúc đẩy việc tiếp cận phổ cập tới năng lượng giá cả phải chăng và đáng tin cậy ở Đông Nam Á, Nam Á và Tiểu vùng Sahara".
Tham vọng lớn
Theo BBC, thỏa thuận với các công ty Trung Quốc được coi là đáng chú ý nhất. John Driscoll, giám đốc của JTD Energy Services ở Singapore, cho biết Trung Quốc đã đẩy mạnh mở rộng danh mục năng lượng trong hơn một thập niên.
Để thực hiện mục tiêu này, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã thăm dò năng lượng trên khắp thế giới, bao gồm các dự án ở châu Phi, Mỹ Latinh và Canada nhưng không phải ở Mỹ.
Là nơi có trữ lượng đá phiến lớn và hiện là nhà sản xuất khí tự nhiên hàng đầu thế giới, Mỹ mở ra chân trời mới về khí thiên nhiên hóa lỏng cho Trung Quốc.
Tiến sĩ Jeffrey Wilson, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á thuộc Đại học Murdoch nói với BBC: "Nếu thỏa thuận [Sinopec] thành công, đây sẽ là lần đầu tiên chúng ta thấy ông lớn Trung Quốc đầu tư nghiêm túc vào Mỹ".
Vào năm 2005, nhà khai thác dầu lớn nhất của Trung Quốc CNOOC đã đề nghị mua lại công ty năng lượng Unocal của Mỹ. Điều này đã gây ra một cuộc phản kháng chính trị tại Mỹ, dẫn đến việc đề nghị bị rút lại.
Tiến sĩ Wilson cho biết kể từ đó, không công ty nào trong 3 công ty năng lượng lớn của Trung Quốc là CNPC, Sinopec và CNOOC tìm cách đẩy mạnh xâm nhập thị trường Mỹ.
Trong khi 3 công ty năng lượng lớn của Trung Quốc thường tập trung vào dầu và khí tiêu chuẩn, họ vẫn chưa phải là các nhà khai thác lớn trong lĩnh vực dầu khí phi truyền thống, bao gồm dầu đá phiến và thủy lực cắt phá.
Thỏa thuận trị giá 83,7 tỷ USD ở Tây Virginia, nơi Trump hứa làm sống lại ngành than đá, có thể thay đổi điều này.
Gas bùng lên từ một khu khai thác dầu khí sử dụng thủy lực cắt phá ở Buttonwillow, California, ngày 22/3/2014. Kỹ thuật này đã tạo ra cuộc cách mạng năng lượng ở Mỹ. Ảnh: Getty. |
Thủy lực cắt phá khởi đầu ở Mỹ vào năm 2010 là kỹ thuật trích xuất trữ lượng dầu lớn từ bên trong đá cứng. Ngành công nghiệp này nhận được sự hỗ trợ của chính phủ để đạt được sự độc lập về năng lượng và giảm giá dầu thành phẩm.
Trung Quốc đang ngồi trên mỏ đá phiến khổng lồ ngay tại nước mình nhưng Tiến sĩ Wilson cho biết các công ty của họ "không có khả năng khai thác chúng hiệu quả để cạnh tranh về giá".
"Việc xâm nhập thị trường đá phiến của Mỹ với ngành khai thác hiện đại và tiên tiến nhất thế giới có thể là cách "học hỏi" hữu hiệu cho Sinopec. Nhờ đó họ có thể thử nghiệm những kỹ thuật mới để vài năm sau sử dụng tại quê nhà", ông nói.
Tương lai không rõ ràng
Tuy nhiên, cả hai thỏa thuận đều đặt ra nghi hoặc. Dự án ở Alaska mà Nhà Trắng cho biết có thể tạo ra 12.000 việc làm trong giai đoạn tạo dựng đã có một lịch sử khó khăn và từng vật lộn tìm đối tác địa phương.
"Đã có nhiều quan ngại về tính khả thi của đường ống Alaska và một số công ty khí đốt đã bỏ qua nó", Matthew Busch, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Lowy ở Sydney, cho biết.
Các nhà phân tích cũng nhấn mạnh rằng dù con số đạt được nghe có vẻ lớn nhưng các thỏa thuận còn xa mới được hoàn thành. Cả giao dịch đá phiến Tây Virginia và khí thiên nhiên hóa lỏng Alaska đều chưa có thỏa thuận hay hợp đồng tài chính nào.
"Không có cam kết về tài chính, không có hợp đồng để trao đổi nhiên liệu sau cả hai thỏa thuận", ông Busch cho biết và nói thêm rằng chúng chỉ đơn giản là "đồng ý bàn bạc thêm".
Tiến sĩ Wilson của Đại học Murdoch cho rằng những thỏa thuận này có thể giúp tổng thống Mỹ trông có vẻ như đang tạo ra hợp đồng hơn là những giao dịch thực sự có ý nghĩa với sự tham gia của Nhà Trắng.