Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghi ngại bủa vây chiến dịch không kích ma túy của Mỹ ở Afghanistan

Các chuyên gia cho rằng để ngăn chặn triệt để ma túy tại Afghanistan, Mỹ nên nhắm vào các đường dây buôn bán vận chuyển quy mô lớn hơn là những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ.

Washington Post cho biết một tháng sau khi lực lượng của Mỹ và Afghanistan bắt đầu việc không kích các mục tiêu nghi là cơ sở sản xuất ma túy của Taliban ở tỉnh Helmand, các quan chức Afghanistan và các nhà phân tích nghi ngại rằng việc này có thể sẽ không giảm đáng kể việc buôn bán ma túy hay lợi nhuận mà Taliban thu về.

Gần đây, Lầu Năm Góc thông báo rằng liên minh do Mỹ dẫn đầu đã phá hủy 25 phòng điều chế ma túy của Taliban. Đây là một phần trong chiến dịch mới của Mỹ nhằm làm suy yếu Taliban bằng cách nhằm vào các nguồn thu tài chính của nhóm này. Lầu Năm Góc ước tính họ đã phá hủy được một lượng ma túy trị giá ít nhất 80 triệu USD.

My khong kich ma tuy o Afghanistan anh 1
Một người nông dân trồng anh túc ở Afghanistan. Ảnh: AFP.

Không thể tiêu diệt Taliban

Các cuộc không kích đã gây náo động ở tỉnh Helmand, nơi từ lâu là trung tâm của ngành sản xuất và buôn bán ma túy ở Afghanistan. Trong khi đó, Afghanistan là nguồn cung ma túy cho phần còn lại của thế giới, với ma túy từ Helmand chiếm 1/3 tỷ trọng này. 

Những khoản lợi nhuận khổng lồ đã lôi kéo Taliban tham gia vào ngành công nghiệp này, dù chính nhóm này đã cấm việc buôn bán ma túy trong 5 năm nắm quyền tại Afghanistan, từ 1996-2001. Tỉnh Helmand cũng là địa bàn hoạt động mạnh mẽ của Taliban, nơi nhóm chiêu mộ nhiều tay súng.

Khi những cuộc không kích của Mỹ bắt đầu, nhiều quan chức địa phương bày tỏ quan ngại rằng họ có thể không kích nhầm vào dân thường. Họ cũng đề xuất việc truy đuổi những tổ chức buôn bán ma túy, cả nước ngoài lẫn của Afghanistan, đang ngày đêm giao dịch và vận chuyển ma túy sang Pakistan và Iran.

Đến lúc này, sau khi Mỹ tiến hành hơn 20 cuộc không kích, các quan chức nói rằng việc này đã gây được tác động đến việc buôn bán thuốc phiện trong khi những nông dân trồng cây thuốc phiện nhỏ lẻ chưa bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, Borhan Osman, một nhà phân tích của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, một tổ chức phi chính phủ chuyên nghiên cứu thực địa về các vùng xung đột và đề xuất chính sách ngăn chặn, cho rằng các cuộc không kích sẽ không giải quyết được vấn đề gì cả, dù là vấn nạn ma túy hay sự lớn mạnh của Taliban.

Ông cho rằng Taliban có nguồn cung tài chính rất phong phú trong khi những quả bom sẽ làm tăng sự ủng hộ dành cho lực lượng này vì các phòng điều chế ma túy "mang lại nguồn sống cho nhiều người bình thường và thường được đặt ở các khu vực đông dân".

My khong kich ma tuy o Afghanistan anh 2
Việc trồng cây anh túc là nguồn sống của nhiều người dân thường ở Helmand, không riêng gì lực lượng Taliban. Ảnh: AFP.

Một lãnh đạo bộ tộc ở quận Marja, Shah Wali, ước tính khoảng 30-40% các phòng thí nghiệm và số ma túy sản xuất ở phía nam Helmand đã bị phá hủy bởi các cuộc không kích này.

Một số người lên án những cuộc không kích, trong khi một số quan chức và lãnh đạo bộ lạc lại yêu cầu mở rộng phạm vi không kích lên miền bắc của tỉnh. Phía bắc Helmand được xem là "thủ phủ" của hoạt động buôn bán ma túy trong vùng, là nơi đặt nhiều nhà kho tàng trữ và diễn ra các hoạt động vận chuyển.

'Bắt con tép, bỏ con tôm'

Ông Karim Attal, một quan chức tỉnh, cho biết các cuộc không kích đã phá hủy số cây anh túc trị giá hơn 20 triệu USD, nhưng những tay buôn bán thuốc phiện, cả nước ngoài lẫn địa phương, vẫn dễ dàng tìm mua được thuốc phiện ở phía bắc tỉnh Helmand. Việc sản xuất thuốc phiện đã tăng trưởng đến 87% trong giai đoạn từ năm 2016-2017 và đạt mức kỷ lục 9.000 tấn trong năm 2017, theo số liệu của Văn phòng Liên Hợp Quốc về Tội phạm và Ma túy.

My khong kich ma tuy o Afghanistan anh 3
Lính Mỹ giám sát việc cắt bỏ cây anh túc ở tỉnh Helmand, Afghanistan hồi năm 2006. Ảnh: AFP.

Ahmad Saeedi, một cựu quan chức ngoại giao của Afghanistan, nói rằng chiến lược của Mỹ đang nhắm vào những mục tiêu ở tầm thấp thay vì theo đuổi các tay buôn quy mô lớn tại thủ đô Kabul và ở nước ngoài.

"Ai cũng có thể săn được những con cá nhỏ", Washington Post dẫn lời ông. "Họ cần đuổi theo những con cá lớn, những kẻ buôn bán quy mô lớn và bọn mafia".

"Người ta sẽ nhìn việc này với con mắt nghi ngại. Vào đỉnh điểm của sự hiện diện quân sự tại Afghanistan, Mỹ và NATO cũng không thể ngăn chặn được ma túy. Giờ thì việc đó sẽ không dễ dàng khi lực lượng mặt đất của họ ở đây ít hơn rất nhiều", Wadir Safi, giáo sư ngành khoa học chính trị ở Đại học Kabul, nhận định.

Bạn biết gì về tổ chức khủng bố khét tiếng nhất thế giới?

Zing.vn mời độc giả thử độ am hiểu về tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), nỗi khiếp sợ của cả thế giới suốt hơn một thập kỷ qua, nhưng lại đang trên đà suy yếu.

Khủng bố 11/9: Chiếc hộp Pandora chết chóc và bi kịch của nước Mỹ

16 năm sau vụ khủng bố 11/9/2001, nước Mỹ vẫn loay hoay tìm kiếm an toàn trong một thế giới tràn đầy ngờ vực và chiến tranh.

Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm