Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghĩ gì về tác phẩm nghệ thuật hình lon bia bị vứt nhầm

Một tác phẩm nghệ thuật có hình thù giống như đồ vật bị bỏ đi chỉ có ý nghĩa khi người thường thức cảm thụ được câu chuyện đằng sau nó.

hoa si anh 1

Tác phẩm "All The Good Times We Spent Together" của nghệ sĩ Alexander Lavet. Ảnh: Bloomberg.

Vào ngày 7/10 vừa qua, giới nghệ thuật bất ngờ khi hay tin tác phẩm nghệ thuật "All The Good Times We Spent Together" của nghệ sĩ Alexander Lavet bị vứt nhầm vào thùng rác bởi thợ máy tại bảo tàng LAM. Nguyên nhân là tác phẩm này được tạo nên từ hai lon bia rỗng, thoạt nhìn chúng giống như đồ bỏ đi của khách tham quan.

Đối với họa sĩ Phạm Huy Thông, câu chuyện này lại đem tới một góc nhìn khác về biên giới của nghệ thuật. “Rõ ràng, việc nhìn ngắm tác phẩm không chỉ dừng lại ở các cảm nhận vật lý mà đó còn là khám phá câu chuyện người nghệ sĩ muốn truyền tải”, ông Phạm Huy Thông chia sẻ tại tọa đàm Nghệ thuật không chỉ để ngắm diễn ra chiều ngày 11/10.

Nghệ thuật không có biên giới

Khi bàn về câu chuyện tác phẩm bị vứt nhầm, họa sĩ Phạm Huy Thông đã liên hệ tới một trong những tác phẩm kinh điển của nghệ thuật đương đại – "Vòi phun" của Marcel Duchamp. Ông Duchamp đã lật ngược một chiếc bệ đáy thông thường và khiến công chúng phải suy ngẫm về cách mà một đối tượng thông thường có thể được nhìn nhận khác biệt khi nó được đặt trong bối cảnh nghệ thuật.

"Vòi phun" của nghệ sĩ Marchel Duchamp phản ánh một quan điểm quan trọng: nghệ thuật không có biên giới. Hơn hết, giá trị của nghệ thuật không nằm ở bản chất vật lý của đối tượng, mà còn ở thông điệp, cảm xúc và suy nghĩ nó khơi gợi ở người xem.

hoa si anh 2

Họa sĩ Phạm Huy Thông tại tọa đàm Nghệ thuật không chỉ để ngắm. Ảnh: Đức Huy.

Với trường hợp của hai lon bia, sự vứt bỏ của chúng có thể đặt ra nhiều câu hỏi về sự khó khăn trong việc ranh giới của nghệ thuật. Điều này phụ thuộc vào việc đối tượng đó có thể truyền tải một thông điệp cụ thể hay không. Chẳng hạn một chiếc túi ni lon bình thường không có giá trị. Nhưng nếu nó chứa đựng không khí từ miệng núi lửa có thể gợi lên sự nguy hiểm và kỳ vĩ của thiên nhiên.

Qua lăng kính của những nghệ sĩ đương đại như Alexander Lavet hay Marcel Duchamp, nghệ thuật được coi là những đối tượng mang đến cho người xem những góc nhìn mới mẻ, khơi dậy những cảm xúc hay suy nghĩ khác biệt. Người thưởng thức nghệ thuật phải có một cách nhìn cởi mở, không ràng buộc bởi những định kiến về hình thức hay chất liệu của tác phẩm.

Từ câu chuyện hai lon bia bị vứt nhầm, họa sĩ Phạm Huy Thông cho rằng nghệ thuật nằm ở cách con người nhìn nhận thế giới xung quanh. “Đôi khi, những điều tưởng chừng như nhỏ bé, tầm thường lại có thể mang trong mình một ý nghĩa lớn lao. Việc nhìn ngắm nghệ thuật không đơn thuần là việc chiêm ngưỡng một tác phẩm, mà còn là việc cảm nhận và suy ngẫm về những thông điệp ẩn chứa bên trong nó”, họa sĩ Phạm Huy Thông chia sẻ.

Đâu là tiêu chuẩn của cái đẹp?

Câu chuyện về tác phẩm nghệ thuật bị vứt nhầm tại bảo tàng LAM là sự cố đáng tiếc và nó khơi dậy những suy nghĩ về tiêu chuẩn của cái đẹp trong nghệ thuật. Theo hoạ sĩ Kim Duẩn, cái đẹp không có một định nghĩa cố định. Mỗi nghệ sĩ, tuỳ theo lĩnh vực của mình, sẽ tạo ra những tác phẩm dựa trên quan điểm cá nhân về cái đẹp.

“Không phải mọi tác phẩm đều đẹp theo nghĩa chung, và cũng không phải mọi bức tranh được treo trên tường đều mang giá trị thẩm mỹ. Điều quan trọng là khả năng cảm nhận của người xem và việc nhận ra đâu là tác phẩm có giá trị thật sự”, hoạ sĩ Kim Duẩn cho biết.

hoa si anh 3

Tại buổi tọa đàm, độc giả có cơ hội đọc thử cuốn sách Nghệ thuật không chỉ để ngắm.

Cùng với đó hoạ sĩ Phạm Huy Thông bình luận rằng để đánh giá một tác phẩm nghệ thuật có đẹp hay không, cần dựa trên những tiêu chí cụ thể. Trong đó, tác phẩm phải có tính duy mỹ, tức là tạo ấn tượng mạnh về mặt thị giác, và phải phản ánh được hơi thở của thời đại, thể hiện được những giá trị văn hoá sâu sắc trong xã hội. Cái đẹp không chỉ nằm ở bề ngoài mà còn nằm ở chiều sâu, ở những tầng ý nghĩa mà người nghệ sĩ gửi gắm.

Còn theo ông Lê Thanh Hà - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thanh Niên - cái đẹp không phải là thứ bất biến, mà nằm ở sức sống của nó. Vẻ đẹp tự nhiên có thể tàn phai theo thời gian, nhưng nghệ thuật, càng trải qua thời gian, càng trở nên sâu sắc và phong phú hơn. Nghệ thuật không đơn thuần là một trải nghiệm về thị giác. Đó là sự kết nối với cảm xúc và tâm hồn của người thưởng thức.

“Mọi người không cần phải quá am hiểu về nghệ thuật để cảm nhận được vẻ đẹp. Khi ta biết cách tận hưởng và giữ gìn cảm xúc khi đứng trước một tác phẩm, sự kết nối với cái đẹp sẽ đến một cách tự nhiên, nhẹ nhàng và thuần khiết”, ông Lê Thanh Hà nói.

Từ những quan điểm trên, có thể thấy tiêu chuẩn của cái đẹp trong nghệ thuật dường như không bị ràng buộc bởi những quy tắc cứng nhắc. Nó phụ thuộc vào cảm nhận và sự kết nối của người nghệ sĩ lẫn người thưởng thức.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Khả năng chữa lành của những kiệt tác hội họa

Sách “Nghệ thuật không chỉ để ngắm” của Susie Hodge mang đến một góc nhìn mới mẻ về khả năng chữa lành của nghệ thuật hội họa.

'Neo chữ' được tặng thưởng về lý luận, phê bình văn học nghệ thuật

"Neo chữ" của tác giả Nguyễn Hoài Nam đã được Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương tặng thưởng mức B cùng 3 tác phẩm khác.

Đức Huy

Bạn có thể quan tâm