Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ấn bản sách nghệ thuật hở gáy lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam

“Đào Châu Hải: Điêu khắc giác quan” là ấn bản sách nghệ thuật hở gáy, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam.

Đào Châu Hải sinh năm 1955 trong một gia đình trí thức, là nhân vật trụ cột của điêu khắc đương đại Việt Nam ở cả ba vai trò: nghệ sĩ, giám tuyển và thầy giáo. Ông tốt nghiệp Học viện Hàn lâm Mỹ thuật Quốc gia Moscow mang tên V.I. Surikov danh tiếng, có nhiều năm giảng dạy tại Khoa Điêu khắc, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Sach khong gay anh 1

Cuốn sách Đào Châu Hải: Điêu khắc giác quan mô phỏng 50 năm làm nghệ thuật của ông - một hành trình xuyên qua và kết nối vô số không gian, từ các trung tâm nghệ thuật lớn của thế giới như Moscow, Paris, Berlin... cho tới Hà Nội, Sài Gòn và điểm địa đầu Tổ quốc. Hành trình ấy cũng phản ánh biến đổi của cả một thời đại, từ những năm 1970 đến nay. Như chính ông nhận định: ”Nghệ thuật của tôi không sinh ra từ hư vô. Nó là sự ngưng đọng của các điểm nhìn xã hội - con người - nghệ thuật”.

Thay vì chỉ là một trưng bày các tác phẩm ở dạng hoàn thiện, cuốn sách được hình dung như một khối điêu khắc, một triển lãm đa giác quan tái hiện công việc tạo tác nghệ thuật như một chuỗi dịch chuyển liên tục.

Sach khong gay anh 2

Đây là ấn bản sách nghệ thuật hở gáy lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam. Đơn vị thi công đã dày công nghiên cứu để tìm ra một công thức kết hợp giữa dây chuyền công nghiệp và thủ công. Sách được khâu công nghiệp nhưng tốc độ chậm, mũi kim nhỏ và không bỏ chỉ vì phải vào keo tay - bởi gáy sách là một khối thị giác để thưởng ngoạn. Loại keo được sử dụng khá đắt, mua từ Singapore có độ kết dính, độ khô, độ phủ và đặc biệt là độ mỏng vượt trội so với keo sữa thông thường được dùng trong công nghiệp sách tại Việt Nam.

Sach khong gay anh 3

"Đào Châu Hải: Điêu khắc giác quan" là ấn bản sách nghệ thuật hở gáy lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam.

Thông thường, với những tác phẩm artbook như thế này, người ta sẽ chọn chất liệu giấy couche bóng loáng. Nhưng với cuốn Đào Châu Hải: Điêu khắc giác quan - từ bìa tới ruột - đều là giấy mỹ thuật nhập khẩu, có độ mềm đạt chuẩn, khi mở nhiều không bị cong vênh và gãy gáy. Có hai bản, giấy mỹ thuật Hàn Quốc và giấy Dali Bianco của Italy với độ thấm mực cao và bề mặt không phủ bóng nên hình ảnh in hiện lên có độ sâu, trang nhã, kích thích rung cảm nơi các giác quan người xem.

Chất liệu này đặc biệt phù hợp với việc trình hiện các tác phẩm sắp đặt của nghệ sĩ Đào Châu Hải - những khối tạo hình thô ráp, biến đổi trong điều kiện tự nhiên chứ không phải chỉ là những hiện vật trong không gian bảo tàng.

Sach khong gay anh 4

Trao đổi cùng VietNamNet, đại diện FORMApubli (tiền thân là Xuất Bản Khác) cho hay: “Chúng tôi bắt tay làm cuốn sách với tham vọng tiếp cận độc giả theo hướng riêng, nhấn mạnh vào phần thiết kế hình ảnh và khai thác những lát cắt cuộc đời của nghệ sĩ Đào Châu Hải (ít người biết anh là cháu của nhà sử học Đào Duy Anh và được đào tạo ở những ngôi trường rất uy tín). Trong ấn phẩm này, độc giả sẽ được ngắm nhìn các bức ảnh chân thực về đời sống tự nhiên như lớp lớp sóng biển dâng trào, những đoá hoa súng đang tàn lụi vẫn toát lên vẻ đẹp lay động lòng người, ngọn lửa hồng ấm áp xua tan sự cô độc lạnh lẽo trong xưởng sáng tác…

Sach khong gay anh 5

Ngọn lửa ấm áp lan toả những cảm xúc nồng ấm trên trang sách.

Điều đặc biệt là những bức ảnh qua đôi mắt của người nghệ sĩ sẽ được phản chiếu qua một số hình thái vật chất khác nhau như: thép, sắt, đá tự nhiên, bê tông, tre… tạo thành các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc rất ấn tượng”.

Ngay trang bìa là hình tượng cánh cửa và khi mở sách ra, độc giả sẽ có cảm giác mình đang đặt chân vào một đường hầm bí ẩn, rồi lần lượt lật giở từng trang để khám phá mọi ngóc ngách trong tư duy, cách lên ý tưởng, quá trình sáng tạo và nhất là những hiệu ứng về thị giác, xúc cảm mà mỗi tác phẩm mang lại.

Có lúc là cảm giác lạc lối vào ma trận của tầng tầng lớp lớp sóng biển ẩn hiện qua những khối thép sắc lạnh, hoen gỉ đan cài như muốn "giam hãm" người xem trong thế giới nội tâm phức tạp; có khi lại là trạng thái vỡ oà hân hoan chào đón các vị khách đến Không gian của tôi với chất liệu tre quang mang hồn cốt dân tộc.

Bản thân người viết bị thu hút bởi một số bức ảnh "hậu trường" ghi lại từng khoảnh khắc sống động của người nghệ sĩ, ánh mắt chăm chú soi từng chi tiết, cánh tay gồng lên gân guốc khi đục đá và nổi bật là dáng ngồi trầm tư như thiền định, tư thế đứng vững chắc, mang tính tạo hình cao. Sự hoà trộn giữa thực và ảo, giữa trang sách và đời sống thực tế, giữa chủ thể sáng tạo và tác phẩm khiến người đọc như bị dẫn dụ để bước tiếp rồi chợt nhận thấy mình đang chui vào một căn phòng và hiển hiện trước mắt là những thước phim tài liệu đa sắc màu về người nghệ sĩ.

Mỗi khán giả không chỉ đứng ngoài xem mà trở thành một phần của cuốn phim đó, thả trí tưởng tượng của mình hoà vào thế giới tâm hồn đang chuyển động không ngừng của người nghệ sĩ.

Sach khong gay anh 6

Giám tuyển Nguyễn Anh Tuấn nhận định về tác phẩm Đào Châu Hải: Điêu khắc giác quan: “Quyển sách này có tham vọng tổng hợp những tài liệu của hành trình nửa thế kỷ theo đuổi nghệ thuật của Đào Châu Hải ở mặt tư liệu và khảo sát, sắp xếp, nhận định chúng dưới nhãn quan của nghiên cứu nghệ thuật và các góc độ tham chiếu xã hội.

Bốn chương sách chính về điêu khắc ở bốn nhánh lớn cho thấy một Đào Châu Hải vừa nhất quán và độc lập trong các tính cách và ngôn ngữ nghệ thuật có tính tiệm tiến, vừa đa dạng, cởi mở và nhạy cảm với dòng chảy của chuyển động nghệ thuật đương thời - chưa bao giờ có nhiều thay đổi và tốc độ đến vậy trong 50 năm qua.

Chân dung nghệ thuật và con người của nghệ sĩ được hiển lộ qua sự tham chiếu đan xen đa chiều để có thể tạo ra nhiều sự nhận thức về nghệ thuật từ góc độ nội tại và ngoại vi, mối liên hệ giữa nghệ thuật và đời sống, cũng như khả năng nhìn nhận rõ hơn vai trò của một người nghệ sĩ với xã hội. Còn cá nhân người nghệ sĩ vẫn luôn là một khối trầm lặng, bí hiểm, xa cách và khó phán đoán”.

Nhà điêu khắc Đào Châu Hải

“Điêu khắc của tôi thường bắt đầu bằng một chấm, một điểm, một màu bất kỳ, để suy nghĩ của mình dẫn dắt tạo ra hình thể đầu tiên. Tôi tiếp tục dùng suy nghĩ để nuôi dưỡng nó, để nó tự phát triển theo ngôn ngữ của hình khối và xâm chiếm và hòa nhập với không gian xung quanh. Giống như một bản nhạc luôn được bắt đầu từ từng nốt nhạc, một áng văn chương bắt đầu từ những câu từ đơn lẻ”.

https://vietnamnet.vn/an-ban-sach-nghe-thuat-ho-gay-lan-dau-tien-duoc-thuc-hien-tai-viet-nam-2306699.html

Linh Đan/Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm