Nghị định 93/2021 (có hiệu lực từ ngày 11/12) về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo vừa được ban hành.
So với Nghị định 64/2008, nhiều yêu cầu cụ thể về quản lý tài chính, công khai nguồn đóng góp đã được nêu ra. Đây là lần đầu tiên cá nhân được phép kêu gọi từ thiện song phải tuân thủ một số quy định.
Những điểm mới so với Nghị định 64
Luật sư Lê Hằng (TAT Law firm, Đoàn Luật sư Hà Nội) nhấn mạnh Nghị định 93 mở rộng thêm "cá nhân được quyên góp từ thiện và phải có đủ năng lực hành vi dân sự". Trước đó, Nghị định 64 chỉ cho phép cơ quan MTTQ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ cùng các cấp ở địa phương; cơ quan thông tin đại chúng, quỹ từ thiện... được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ.
Theo luật sư, qua nghị định mới, hoạt động từ thiện của cá nhân đã được ghi nhận và mở rộng quyền của họ bằng việc cấm các hành vi: Cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp.
Người dân miền Trung nhận hỗ trợ đợt bão lũ hồi tháng 10/2020. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Quy trình vận động, tiếp nhận, phân phối của cá nhân cũng được quy định cụ thể. Theo đó, cá nhân chỉ cần thông báo trên phương tiện truyền thông về hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận đối với tiền, địa điểm đối với hiện vật, thời gian cam kết phân phối.
Các thông tin nói trên phải gửi đến UBND cấp xã nơi cư trú để lưu trữ, theo dõi, giám sát và cung cấp thông tin khi có yêu cầu.
Về quy định định mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại đối với cá nhân quyên góp, luật sư nhấn mạnh đây là điểm khác biệt so với Nghị định 64. Cụ thể, Nghị định 93 nêu cá nhân phải mở tài khoản theo từng cuộc vận động, bố trí địa điểm tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp trong thời gian được phép tiếp nhận.
Ngoài ra, cá nhân phải ghi chép, có biên nhận đối với các khoản đóng góp. "Đây là quy định siết chặt đối với cá nhân nhưng rất cần thiết để đảm bảo tính minh bạch", bà Hằng phân tích.
Theo nghị định mới, cá nhân có quyền đứng ra tiếp nhận nguồn từ thiện nhưng UBND cấp xã là đơn vị chủ trì phân phối. Ủy ban cũng là nơi xác định phạm vi, đối tượng, mức và thời gian hỗ trợ để phân phối nguồn từ thiện. Khi cần thiết, cấp xã phải liên hệ với UBND tỉnh, thành phố để được hướng dẫn.
Bên cạnh đó, cá nhân phải ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật. Khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu, người kêu gọi quyên góp có nghĩa vụ cung cấp thông tin.
"Nghị định 93/2021 hướng dẫn công tác từ thiện của cá nhân theo hành lang pháp lý, là giải pháp phù hợp để khắc phục những tồn tại trong công tác từ thiện", bà Hằng nêu quan điểm.
Làm gì để minh bạch từ thiện?
Đánh giá Nghị định 93 sẽ khuyến khích cá nhân hoạt động từ thiện, chuyên gia Nguyễn Tiến Lập thuộc Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) cho rằng cần vận dụng hiệu quả các quy định mới để tránh những lùm xùm như thời gian qua.
Theo ông Lập, cuộc vận động ủng hộ đồng bào miền Trung đợt bão lũ hồi tháng 10/2020 do một số cá nhân thực hiện mang lại hiệu quả lớn. Điều đó cho thấy hoạt động thiện nguyện do cá nhân kêu gọi có rất nhiều tiềm năng, đa dạng và linh hoạt.
Thủy Tiên cùng một số nghệ sĩ bị công an rà soát số tiền từ thiện sau đợt quyên góp cuối năm 2020. Ảnh: N.T. |
Tuy nhiên, người đứng ra kêu gọi cần tránh hoạt động tự phát. Họ cần tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn, hướng dẫn của Nghị định 93 trong các cuộc vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp cứu trợ.
"Công khai, minh bạch, ghi chép và phối hợp, báo cáo để cơ quan chức năng giám sát, hỗ trợ không chỉ giúp điều phối hợp lý các nguồn cứu trợ mà còn bảo vệ an toàn cho cá nhân tổ chức", chuyên gia của IPS nhìn nhận.
Vị này nhấn mạnh trong hoạt động từ thiện, minh bạch là yêu cầu quan trọng bậc nhất. Ở tất cả cuộc vận động, tính minh bạch phải được đảm bảo trong cả 4 giai đoạn: Thông báo vận động, tiếp nhận đóng góp, phân phối viện trợ và ghi chép sổ sách.
Có cùng quan điểm trên, luật sư Lê Hằng nhấn mạnh quy định mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại đối với cá nhân quyên góp (khoản 2, Điều 17 Nghị định 93) là một nội dung mới, cần thiết để minh bạch về thu, chi trong công tác từ thiện.
Ngoài ra, chuyên gia đánh giá hàng loạt quy định trong nghị định mới sẽ giúp đảm bảo sự minh bạch, lành mạnh trong hoạt động từ thiện như: Cá nhân quyên góp từ thiện nhưng UBND cấp xã chủ trì phân phối; chính quyền phối hợp, hướng dẫn cá nhân về phạm vi, đối tượng, mức hỗ trợ, thời gian phân bổ; cử lực lượng hỗ trợ phân phối nguồn đóng góp theo đề nghị của cá nhân.