Thông thường thì cần có độ trễ thời gian để đánh giá tác động xã hội của một điều luật, một chính sách lớn. Tuy nhiên, Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ lại đem đến hiệu ứng tức thời và sau 15 ngày đi vào cuộc sống đã có những con số thống kê trên diện rộng để minh chứng.
Được ký vào ngày 26/12/2024 và có hiệu lực từ ngày đầu tiên của năm mới, Nghị định 168/2024/ NĐ-CP có tên gọi đầy đủ là “Quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.”
Theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), tính từ ngày 1/1 (thời điểm Nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực) đến ngày 15/1/2025, số vụ tai nạn giao thông giảm cả về 3 tiêu chí so với cùng kỳ và thời gian trước liền kề.
Cụ thể, trên toàn quốc đã xảy ra 681 vụ tai nạn giao thông, làm 365 người chết, 453 người bị thương, so với cùng kỳ (bằng thời gian này năm trước) là giảm 355 vụ (34,27%), giảm 47 người chết (11,41%), giảm 426 người bị thương (34,24%), so với thời gian trước liền kề (nửa cuối tháng 12/2024) giảm 347 vụ (34,53%), giảm 94 người chết (20,47%), giảm 301 người bị thương (39,92%).
Cũng theo đánh giá của Cục Cảnh sát giao thông, tình hình trật tự, an toàn giao thông trên phạm vi cả nước trong nửa tháng 1/2025 đã có những chuyển biến rõ rệt. Chẳng hạn, tình trạng người đi xe (chủ yếu là xe môtô) vượt đèn đỏ, đi trên vỉa hè, đi ngược chiều của đường một chiều đã giảm nhiều, nhất là tại các đô thị lớn. Người tham gia giao thông đã tự giác chấp hành đèn tín hiệu giao thông kể cả khi không có lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát.
Không thể phủ nhận rằng mức phạt tăng cao cùng sự tích cực của lực lượng chức năng đã tác động trực tiếp tới ý thức chấp hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Đã có 174.600 trường hợp vi phạm bị xử lý, trong đó 17.595 trường hợp bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ chuyên môn; 955 ôtô, 49.649 môtô bị tạm giữ; gần 12.700 giấy phép lái xe bị trừ điểm...
Những con số “biết nói” đã bác bỏ những luận điệu cho rằng Nghị định 168/2024/NĐ-CP có “hiệu quả bằng 0”, thậm chí là đem đến “kết quả ngược” – làm trầm trọng thêm tình trạng ách tắc giao thông tại các thành phố lớn.
Quả thật, Hà Nội trong những ngày này phải đối mặt với căn bệnh tắc đường, kể cả không phải giờ cao điểm. Nhưng ở thời điểm cận Tết Giáp Thìn, một năm trước khi Nghị định 168/2024/NĐ-CP ra đời, thì sao? Chúng ta hãy điểm “tít” của một số tờ báo: “Đường phố Hà Nội ùn tắc từ sáng đến tối trong những ngày giáp Tết” (Lao Động, ngày 30/1/2024); “Đường phố Thủ đô ùn tắc tối ngày dịp cận Tết Nguyên đán” (Việt Nam Plus, ngày 1/2/2024); “Ùn tắc cả ngày, người Hà Nội chật vật đi lại dịp giáp Tết” (Tuổi Trẻ, ngày 2/2/2024); “Tắc đường ngày cận Tết - Năm mới vẫn chuyện cũ” (Kinh tế đô thị, ngày 5/2/2024)…
Cơ sở hạ tầng có hạn trong khi lưu lượng xe cộ chạy trên đường tăng đột biến trong một thời gian ngắn thì tất yếu dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông.
Bên cạnh đó, lâu nay ý thức chấp hành trật tự, an toàn giao thông của một số không nhỏ người dân thực sự “có vấn đề.”
Theo con số thống kê, trong năm 2024 trên cả nước đã xảy ra 21.532 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 9.954 người, bị thương 16.044 người.
Trong số này có tới 3.065 vụ là do người điều khiển phương tiện đi không đúng chiều đường, phần đường, làn đường quy định, làm chết 1.423 người, bị thương 2.764 người.
Bên cạnh đó có 360 vụ tai nạn do người điều khiển phương tiện không chấp hành tín hiệu đèn giao thông (vượt đèn đỏ), làm chết 122 người, bị thương 301 người. Có 143 vụ tai nạn do phương tiện giao thông đi ngược chiều, làm chết 38 người, bị thương 141 người…
Nghị định 168/2024/NĐ-CP ra đời chính là để cảnh tỉnh, răn đe tình trạng tùy tiện tham gia giao thông, coi thường pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nhất là quy tắc giao thông - nguyên nhân cơ bản dẫn đến tai nạn và những cái chết thương tâm không đáng có.
Mục đích cụ thể là để nâng cao ý thức chấp hành quy định về an toàn giao thông, mục đích tối thượng là nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của con người và sự trật tự, bình an của xã hội.
Cũng cần nói thêm rằng tính chính danh của Nghị định 168/2024/NĐ-CP đã được khẳng định. Ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thuộc Bộ Tư pháp, nêu rõ: Nghị định 168/2024/NĐ-CP được ban hành đúng quy định, theo “trình tự rút gọn.” Khi nghị định được cấp có thẩm quyền là Thủ tướng Chính phủ đồng ý ban hành theo trình tự thủ tục rút gọn thì sau khi ký sẽ có hiệu lực ngay.
Như vậy, mọi việc xung quanh Nghị định 168/2024/NĐ-CP đều đã tỏ tường, từ mục đích, ý nghĩa, bối cảnh ra đời cho đến tác động ban đầu tới toàn xã hội.
“Bàn lên, lật xuống” theo góc nhìn thiếu khách quan, tiêu cực chỉ làm nhiễu loạn thông tin.
“Việc cần làm ngay” là toàn dân đồng lòng cùng lực lượng chức năng nghiêm chỉnh thực hiện Nghị định này!
Thực trạng giao thông, văn hóa ứng xử của người tham gia, văn hóa quản lý, điều hành giao thông, các vấn đề liên quan tới quy hoạch và giải pháp xây dựng giao thông Việt Nam trong tương lai đều được PGS.TS. Phạm Ngọc Trung đề cập tới trong cuốn Văn hóa giao thông ở Việt Nam hiện nay.
Tình hình giao thông cả nước sau nửa tháng thực hiện Nghị định 168
Từ ngày 1-14/1, lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn quốc đã phát hiện, xử lý trên 174.600 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe...
Thời tiết xấu khiến tàu metro TP.HCM tạm dừng hoạt động
Cơn mưa trái mùa vào chiều 14/1 khiến tàu metro số 1 TP.HCM tạm dừng hoạt động. Hành khách phải chờ gần một giờ để tiếp tục hành trình.
Đèn đỏ 'treo' thêm 10 giây, nhiều xe vô tình cứ thế vượt
Trụ đèn tín hiệu giao thông ở Đồng Nai gặp sự cố khi đèn đỏ đếm ngược về 0 mà không chuyển sang đèn xanh, vẫn giữ đèn đỏ thêm khoảng 10 giây khiến nhiều người vô tình vượt đèn đỏ.