Đại tá Nguyễn Hồng Ky, Phó giám đốc Công an Hà Nội, đã nhận định như vậy khi chia sẻ với Zing về kết quả 1 năm thực hiện Nghị định 100.
Trong kế hoạch đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán sắp tới, công an thành phố sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý mạnh tay các hành vi vi phạm để nghị định này "nóng" như thời điểm bắt đầu có hiệu lực.
Mức phạt nặng nhằm bảo vệ tính mạng người dân
Sau 1 năm triển khai Nghị định 100, Công an thành phố đã xử lý gần 444.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT), trong đó có gần 8.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; phạt tiền 195 tỷ đồng, tước trên 108.000 bộ giấy tờ.
Theo đại tá Nguyễn Hồng Ky, hiệu quả của một chính sách pháp luật không đo đếm bằng số trường hợp vi phạm mà phải tính bằng giá trị đem lại cho xã hội. Tác động rõ ràng nhất mà Nghị định 100 mang lại là tai nạn giao thông trên địa bàn thủ đô đã giảm mạnh cả 3 tiêu chí và quan trọng hơn, nó góp phần hình thành nên nét văn hóa giao thông “đã uống rượu, bia là không lái xe”.
Với chế tài, hình thức xử lý nghiêm khắc, nghị định này đã khiến nhiều tài xế tự giác chấp hành Luật Giao thông, đặc trị căn bệnh nhờn luật đã diễn ra trước đó.
Đại tá Nguyễn Hồng Ky, Phó giám đốc Công an Hà Nội. Ảnh: H.Q. |
Nhớ lại những ngày đầu triển khai, đại tá Ky cho biết có không ít người tỏ ra bất ngờ vì mức phạt về nồng độ cồn tăng nặng, thậm chí lớn hơn cả giá trị phương tiện. “Họ sẵn sàng bỏ lại phương tiện hoặc có lời lẽ bất hợp tác vì cho rằng mức phạt quá cao, gây áp lực không nhỏ lên lực lực lượng làm nhiệm vụ”, ông Ky nói.
Tuy nhiên, lãnh đạo Công an TP Hà Nội khẳng định mức phạt nhằm để răn đe, giáo dục, không phải để trừng trị. Đồng thời, mức phạt tăng nặng cũng nhằm bảo vệ tính mạng của người dân vì vi phạm nồng độ cồn là nguyên nhân hàng đầu, trực tiếp và gián tiếp gây ra nhiều vụ tai nạn, cần phải lên án và bài trừ.
“Ở Úc nếu tài xế vi phạm nồng độ cồn từ 0,15 mg/1 lít khí thở lần đầu sẽ bị phạt 3.300 đôla, lần thứ hai sẽ bị phạt tù 18 tháng. Ở Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore đều có mức phạt tù đối với các tài xế vi phạm nồng độ cồn. Nhật Bản thậm chí còn phạt hàng nghìn USD đối với người ngồi trên xe do tài xế say rượu điều khiển. Vì vậy không thể nói mức phạt ở Nghị định 100 ở nước ta là quá cao hay quá nghiêm khắc”, Phó giám đốc Công an Hà Nội đánh giá.
Xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn, nhồi nhét khách
Bên cạnh những điểm tích cực, đại tá Nguyễn Hồng Ky cũng thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề tồn tại liên quan an toàn giao thông trên địa bàn thủ đô, đặc biệt trong dịp cuối năm.
Theo ông, trong năm qua thành phố đã đưa vào khai thác một số dự án giao thông lớn như đường vành đai 3 trên cao Nam Thăng Long, cầu vượt thấp qua hồ Linh Đàm, vành đai 2 trên cao Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng… Tuy nhiên, thành phố phát sinh ra một số điểm ùn tắc mới như nút giao Lê Văn Lương - vành đai 3 bị rào chắn thi công, các dự án vành đai 2 Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng, đường sắt đô thị số 3 Nhổn - ga Hà Nội chưa hoàn thành…
Ngoài ra, một bộ phận người dân có biểu hiện chủ quan, gia tăng vi phạm. Các phương tiện kinh doanh vận tải tiếp tục là nguy cơ tiềm ẩn gây tai nạn nghiêm trọng…
Công an Hà Nội được quán triệt tuân thủ quy định phòng dịch Covid-19 khi làm nhiệm vụ. Ảnh: H.Q. |
Đề ra giải pháp cho tình trạng trên, đại tá Nguyễn Hồng Ky cho biết Công an Hà Nội đã triển khai cao điểm đảm bảo trật tư, ATGT dịp cuối năm và hướng tới Đại hội Đảng lần thứ 13. Lực lượng chức năng sẽ quyết liệt xử lý các vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, dừng đỗ sai quy định, nhồi nhét khách, chở quá tải, đua xe trái phép…
Công an thành phố cũng lưu ý quá trình làm nhiệm vụ, chiến sĩ phải tuân thủ khuyến cáo của ngành y tế về phòng chống, dịch Covid-19; sẵn sàng phương án nếu xuất hiện diễn biến phức tạp về dịch bệnh.
“Trong những ngày cao điểm như đêm 31/12 Dương lịch và giao thừa Tết Nguyên Đán, chúng tôi huy động cán bộ, chiến sĩ trực 100%. Công an thành phố sẽ làm quyết liệt để Nghị định 100 sẽ phải nóng trở lại trong ý thức người dân và toàn xã hội”, đại tá Nguyễn Hồng Ky nhấn mạnh.