Nghi án thương lái Trung Quốc tận thu lúa, tắc kè
Thương lái nước ngoài chỉ mua giống lúa bị Nhà nước hạn chế trồng và tắc kè đúng mùa thu hoạch lúa. Vì lợi nhuận cao, người dân vẫn đổ xô đi trồng loại lúa này và bắt tắc kè.
Gần đây, tại Trà Vinh, nhiều thương lái đến hỏi mua lúa của nông dân và chỉ đòi loại IR50404 chứ không chịu loại khác. Ông Đặng Văn Đoàn, Chủ nhiệm HTX Bình Minh (xã Châu Điền, huyện Cầu Kè, Trà Vinh), băn khoăn: Hai vụ đông xuân và hè thu, thương lái liên tục săn lùng giống IR50404, giá thu mua ngang ngửa các loại lúa thơm, dẻo (4.900-5.000 đồng/kg). Trước đó IR50404 có giá thấp hơn khoảng 300-500 đồng/kg.
Với tâm lý thị trường chỉ cần và chỉ bán được IR50404 nên khi bắt đầu chọn giống cho vụ thu đông, nhiều nông dân đã chọn IR50404. Ông Triệu Quốc Dũng, nông dân ở xã Hùng Hòa (huyện Tiểu Cần), nói vui: “Lúc này, ai về đây biểu đừng trồng giống IR50404, coi chừng bà con rượt chạy không kịp!”. Hiện có tới hơn 50% diện tích của xã chuyển sang trồng IR50404.
Nghe theo lời thương lái, nhiều nông dân đã chọn giống IR50404 cho vụ thu đông. |
Một cán bộ nông nghiệp ở Trà Vinh cho biết đã tuyên truyền và vận động bà con trồng các loại lúa khác nhưng từ giữa tháng 8 đến nay, nhiều hộ đã xuống giống IR50404. Việc nông dân trồng lúa gì là quyền của họ, không thể bắt ép được. Tuy nhiên, sự việc trên khiến nhiều người nghi ngại, vì nông dân kể có thương lái hỏi mua giá cao mà không có lúa để bán nhưng không biết được là nếu thực tế có lúa, họ sẽ mua như thế nào. Liệu họ mua thật hay chỉ là chiêu kích thích nông dân đổ xô trồng IR50404 trong khi các địa phương cố sức tuyên truyền giảm diện tích trồng lúa này.
Quá tin thương lái
TS Chu Văn Hách (Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long) cho biết việc nông dân nghe theo lời hứa mua giá cao của thương lái mà trồng nhiều IR50404 đã xảy ra từ rất lâu, hầu như năm nào cũng có. Đa số thương lái đến từ Cần Thơ, Đồng Tháp, Tiền Giang và ngay cả trong tỉnh Trà Vinh, họ chỉ thông báo rằng thị trường đang cần khối lượng lớn chứ không lý giải rõ mua để bán đi đâu. Trở ngại lớn nhất của đơn vị khuyến nông, sở nông nghiệp các tỉnh trong việc khuyến cáo người dân hạn chế trồng giống IR50404 là nông dân quá tin thương lái. Thương lái là người trực tiếp thu mua lúa của nông dân, họ nói mùa tới sẽ mua loại nào nhiều, trồng dễ lại bán giá cao, thế là nông dân nghe theo!
Giải thích về việc nông dân vẫn trồng lúa IR50404, PGS-TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, nói việc nở rộ trồng IR50404 cũng do doanh nghiệp mấy năm trước hay phối trộn gạo này với các loại gạo khác để bán có lời hơn. Việc này đã bị nghiêm cấm vì ảnh hưởng đến chất lượng thương hiệu gạo Việt Nam. Bộ NN&PTNT cũng đã có khuyến cáo, gửi văn bản cho các địa phương về việc hạn chế diện tích xuống giống IR50404. Mặc dù thời gian qua giá lúa IR50404 có tăng nhưng chỉ nhất thời vì nhu cầu giảm dần, chất lượng kém, giá thường thấp lại không cạnh tranh được với các nước xuất khẩu khác.
Nhà nước nên hợp đồng với nông dân
TS Chu Văn Hách cho rằng hiện tượng trên có thể là chiêu phá rối thị trường gạo Việt Nam. Nếu là thương lái trong nước đi đánh tiếng thu mua thì có thể họ lấy gạo này đem trộn lẫn với các loại gạo cùng cấp để làm bánh, bún nhằm kiếm thêm lời, hoặc trộn gạo qua mắt bán cho doanh nghiệp xuất khẩu.
“Nếu đúng là thương lái Trung Quốc thuê thương lái nước ta thu mua IR50404 thì nguyên nhân chỉ có thể là để bán qua đường tiểu ngạch với giá thấp. Khi thương lái Trung Quốc lấy hàng qua đường tiểu ngạch, không ký hợp đồng xuất khẩu với doanh nghiệp, ngành xuất khẩu gạo sẽ thất thu”, GS Võ Tòng Xuân nhận định.
Để nông dân lựa chọn được giống phù hợp, PGS-TS Phạm Văn Dư cho rằng các địa phương cần khuyến cáo về nguồn cung và cầu trong nước lẫn xuất khẩu để người dân hiểu rõ tình hình, chọn giống lúa phù hợp. Bên cạnh đó, địa phương cần quản lý chặt thương lái, cảnh báo cho nông dân dè chừng chiêu trò của thương nhân nước ngoài. TS Hách cho biết sắp tới, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long sẽ đưa ra các giống lúa chất lượng cao, dễ trồng giới thiệu cho nông dân, dần thay thế giống IR50404.
Mặt khác, ông Đặng Văn Đoàn (HTX Bình Minh) bức xúc: “Trong mỗi lần hội nghị, hội thảo, tôi đều phát biểu Nhà nước (đại diện là công ty lương thực tỉnh) muốn nông dân trồng lúa chất lượng cao để có sản phẩm xuất khẩu phải cử người về địa phương, kết hợp với chính quyền địa phương ký hợp đồng bao tiêu giá cho nông dân. Nếu đảm bảo lúa chất lượng cao có giá mua cao hơn lúa thường ít nhất 500 đồng/kg, nông dân mình sẽ không bao giờ quay lưng”.
Thương lái “tung chiêu” cả với tắc kè Cách đây không lâu ở một số địa phương có tình trạng thương lái dồn dập hỏi mua tắc kè giá cao. Tuy nhiên, tắc kè phải nặng trên 400 g thì mới mua. Nghe tin này, nhiều người đổ xô lùng tìm tắc kè, thế nhưng tìm mãi chỉ có tắc kè nhỏ, không đủ nặng. Chuyện này gây nghi ngờ về mục đích “phá lúa”, bởi lẽ tin mua “tắc kè” tung ra vào đúng thời điểm thu hoạch. Lúa vào mùa thu hoạch mà nhân công cứ tản đi tìm tắc kè, không chịu gặt lúa, dù chậm vài ngày cũng đã gây thiệt hại vì phần lúa chín trước sẽ bị rụng bớt. |
Theo Pháp Luật TP.HCM